6. Kết cấu của luận án
2.1. Những yếu tố tác động đến sự lãnh đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở của
2.1.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của tỉnh Thái Bình
* Điều kiện tự nhiên
Thái Bình là một tỉnh ven biển, cách Thủ đô Hà Nội 110 km về phía Đông Nam, nằm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Thái Bình nằm cận kề với tam giác phát triển kinh tế trọng điểm (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) nên có nhiều thuận lợi để phát triển sản xuất hàng hóa và mở rộng giao lưu KT -XH với các tỉnh trong nước và quốc tế [43, tr. 7].
Tỉnh Thái Bình có 8 đơn vị hành chính gồm: 1 thành phố (thành phố Thái Bình) và 7 huyện (huyện Đông Hưng, huyện Hưng Hà, huyện Quỳnh Phụ, huyện Tiền Hải, huyện Thái Thụy, huyện Kiến Xương, huyện Vũ Thư).
Thái Bình là tỉnh duy nhất trong cả nước không có rừng, địa hình bằng phẳng. Mật độ sông ngòi dày đặc chứa và lưu thông một lượng nước lớn là điều kiện thuận lợi để cư dân sử dụng trong sinh hoạt và cho sản xuất [43, tr. 7]. Với hàm lượng phù sa cao trong các dòng chảy các con sông đã tạo nên cho Thái Bình những cánh đồng tốt tươi màu mỡ, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Về tài nguyên khoáng sản, Thái Bình tuy không có nhiều về chủng loại nhưng có một số tài nguyên có trữ lượng lớn đang được khai thác phục vụ sự nghiệp phát triển KT - XH của tỉnh như: mỏ khí đốt, mỏ nước khoáng ở Tiền Hải. Trong lòng đất Thái Bình còn có than nâu được đánh giá có trữ lượng lớn nhưng nằm ở độ sâu lớn nên chưa được khai thác.
Bên cạnh những thuận lợi trên, điều kiện tự nhiên của Thái Bình cũng có nhiều khó khăn như: Địa hình thấp, giáp biển nên khả năng ngập mặn, nhiễm mặn đất nông nghiệp cao; Thái Bình được dự báo là một trong những tỉnh chịu ảnh
hưởng lớn nhất từ việc nước biển ngày càng dâng cao; nằm trong khu vực gió mùa nên lượng mưa hàng năm ở Thái Bình lớn thường xuyên gây ngập úng mùa màng, cây trồng, con vật nuôi gây tổn thất lớn cho người dân; Thái Bình có tài nguyên khoáng sản ít, không thuận lợi cho việc phát triển các ngành công nghiệp…
Nhìn tổng thể các điều kiện tự nhiên của Thái Bình cho thấy, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên ở đây phù hợp cho phát triển kinh tế nông nghiệp. Tận dụng và phát huy được những yếu tố thuận lợi do thiên nhiên ban tặng sẽ giúp Thái Bình có thế mạnh vượt trội trong phát triển nền nông nghiệp sạch tạo động lực cho phát triển KT - XH tỉnh Thái Bình.
* Đặc điểm kinh tế - xã hội
- Lĩnh vực hạ tầng:
Từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, tỉnh Thái Bình đã có bước phát triển tương đối nhanh. Từ một tỉnh được coi là ốc đảo do hệ thống sông bao bọc xung quanh, Thái Bình đã xây dựng phát triển mạng lưới giao thông đường bộ và đường thủy. Với việc hình thành cầu Tân Đệ, cầu Triều Dương, cầu Qúy Cao và quốc lộ 10 đã nối liền đường bộ tỉnh Thái Bình với tỉnh Nam Định và vùng tam giác tăng trưởng kinh tế Bắc Bộ. Cảng biển quốc gia Diêm Điền đã được đầu tư xây dựng đủ khả năng đón tàu 600 tấn ra vào. Thái Bình cũng là tỉnh có hệ thống đường bê tông hóa đến thôn, xã sớm nhất cả nước. Nhờ hệ thống đường giao thông tương đối thuận lợi đã tạo điều kiện để Thái Bình phát triển kinh tế, đẩy mạnh giao thương với các tỉnh trong cả nước.
- Lĩnh vực kinh tế:
Thái Bình là tỉnh nằm cuối lưu vực sông Hồng, địa hình bằng phẳng bằng, phù sa mầu mỡ nên thích hợp với cây trồng nông nghiệp - đặc biệt là lúa nước. Thái Bình là tỉnh đầu tiên của cả nước đạt sản lượng 5 tấn thóc/ha trong thời kỳ trước đổi mới. Phần lớn dân số trong tỉnh sống bằng nghề nông, do đó ngành kinh tế chủ yếu của tỉnh là sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ở Thái Bình vẫn còn mang tính chất sản xuất nhỏ, chưa có nhiều hình thức sản xuất trang trại hàng hóa lớn. Hiện nay, tỉnh Thái Bình đang chủ trương dồn điền đổi thửa, tập trung tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất lớn.
+ Về thủ công nghiệp: Ở Thái Bình có một số ngành nghề thủ công truyền thống như làm chạm bạc Đồng Xâm, chiếu An Lễ, dệt đủi Nam Cao, thêu Minh Lãng, mây tre đan Thượng Hiền, dũa Mê Linh… nhưng chưa thực sự được đầu tư nhiều để sản xuất lớn mà vẫn mang tính nghề phụ của người dân.
+ Về thương nghiệp: Do công nghiệp chưa trở thành ngành kinh tế chính của
tỉnh nên sản lượng hàng hóa xuất khẩu của tỉnh chưa nhiều, chủ yếu là hàng may mặc và giầy da.
+ Về du lịch: Thái Bình có nhiều tiềm năng để mở rộng và phát triển kinh tế
du lịch. Thái Bình có biển Đồng Châu, Cồn Vành, Cồn Đen đang được quy hoạch xây dựng thành những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Bên cạnh đó, việc đầu tư khai thác các tour du lịch đồng quê về thăm các làng vườn, làng trồng hoa cây cảnh, làng nghề và thưởng thức các món ăn dân giã nổi tiếng của miền quê lúa Thái Bình như bún riêu cua, bún ốc, canh cá rô… sẽ giúp Thái Bình thu hút một lượng khách du lịch lớn qua đó thúc đẩy các lĩnh vực dịch vụ phát triển.
Trong thời kỳ đổi mới, cơ cấu kinh tế Thái Bình đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng của các khu vực công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng của khu vực nông, lâm và ngư nghiệp. Tuy nhiên, sự chuyển dịch còn chậm so với một số tỉnh ở Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
- Về lao động:
Theo số liệu thống năm 2000, dân số tỉnh Thái Bình là 1.801.000 người, mật độ dân số 1.168 người/km2 [43, tr. 8]. Là nơi hội tụ cư dân từ “chín người mười làng” về hợp cư sinh tồn ở nơi đầu sóng ngọn gió, cửa ngõ của biển Đông nên các thế hệ cư dân ở Thái Bình đã sớm hình thành và vun đắp nên những truyền thống nổi trội như anh dũng, quả cảm, bền bỉ, kiên cường trong chống chọi với thiên nhiên và giặc giã; với những sắc thái văn hóa đa dạng, đặc sắc, giàu truyền thống lịch sử, cách mạng. Với đặc trưng là địa phương gắn liền với sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, dân cư phần lớn sống ở nông thôn nên tính cố kết cộng đồng cao, giàu lòng tương thân, tương ái và đoàn kết, giản dị trong sinh hoạt, tiết kiệm trong tiêu dùng… Những phẩm chất này là điều kiện thuận
lợi để Thái Bình triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bên cạnh những thuận lợi, tỉnh Thái Bình cũng gặp khó khăn trong triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở khi có số lượng người dân ra ngoài tỉnh làm ăn đông, nên không nắm bắt được đầy đủ, kịp thời những nội dung của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Để đưa Thái Bình vươn lên thành tỉnh có sản xuất nông nghiệp tiên tiến, công nghiệp, thương mại và dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, Đảng bộ Thái Bình xác định nguồn nhân lực đông, cần cù trong lao động của tỉnh là điều kiện thuận lợi để phát triển KT - XH cho địa phương.
Như vậy, với điều kiện tự nhiên là vùng đồng bằng, dân cư sống tập trung, giàu bản sắc văn hóa với mặt bằng dân trí tương đối cao là những điều kiện thuận lợi cho tỉnh Thái Bình trong công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở. Kinh tế cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Dân chủ và kinh tế có mối quan hệ mật thiết với nhau. Kinh tế tạo điều kiện để xây dựng dân chủ và ngược lại dân chủ cũng tạo điều kiện cho phát triển kinh tế. Kinh tế phát triển thì cơ sở hạ tầng của xã hội cũng phát triển theo, góp phần bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền công dân và quyền con người. Nhưng khi kinh tế phát triển chậm, đời sống người dân khó khăn, sẽ làm cho việc triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở gặp nhiều khó khăn. Thái Bình là tỉnh kinh tế chậm phát triển, thu nhập và mức sống người dân còn thấp đã làm cho việc triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở của tỉnh Thái Bình gặp nhiều khó khăn. Trước năm 1998, Thái Bình là tỉnh đi đầu trong văn minh hóa nông thôn. Phong trào “điện, đường, trường trạm” ở Thái Bình đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, bộ mặt nông thôn vùng lúa Thái bình thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, quá trình văn minh hóa nông thôn ở Thái Bình gặp nhiều mâu thuẫn. Thứ nhất, là mâu thuẫn giữa chủ trương đúng đắn của Đảng bộ với cách thức triển khai thực hiện còn thiếu dân chủ, thiếu công khai minh bạch. Thứ hai, mâu thuẫn giữa yêu cầu một nguồn lực tương đối lớn để xây dựng các công trình điện - đường - trường - trạm với sự khó khăn về ngân sách, về hạn chế trong huy động nguồn lực trong dân, dẫn đến việc huy động sức dân quá lớn, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Những hiện tượng mất dân chủ, tiêu cực dẫn
đến việc sử dụng các nguồn lực thiếu hiệu quả, tham ô, tham nhũng… đã gây nên sự căng thẳng xã hội. Đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến điểm nóng Thái Bình năm 1998. Để việc triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách có hiệu quả, tỉnh Thái Bình cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp - nhất là những giải pháp nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân.
* Truyền thống lịch sử, văn hóa tỉnh Thái Bình
Từ ngàn xưa, đất đai tỉnh Thái Bình vốn là bãi bồi phù sa ven biển, có sức cuốn hút các thế hệ cư dân từ nhiều vùng miền đổ về khai phá, chung lưng đấu cật quai đê trị thủy, lấn biển, lập làng để tạo thành một miền quê trù phú. Thái Bình là kho người, kho của cung cấp nhân tài, vật lực cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước ở mọi thời kỳ lịch sử.
Từ năm 40 đầu Công nguyên, nữ tướng Vũ Thị Thục đã chọn vùng đất Thái Bình để dấy binh khởi nghĩa dưới cờ Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Đông Hán, được Hai Bà Trưng phong tước "Đông Nhung Đại tướng quân" [67, tr. 102 - 103]. Thế kỷ thứ VI, Lý Bí đã chọn vùng đất này làm nơi dấy nghĩa đánh giặc Lương, dựng nước Vạn Xuân [67, tr. 137 - 138]. Thế kỷ thứ X, tướng quân Trần Lãm chọn Thái Bình làm nơi cát cứ, xây dựng lực lượng, giúp Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn, lên ngôi Hoàng đế, lập ra nước Đại Cồ Việt [67, tr. 184]. Đến thế kỷ XIII, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung đã cùng với Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ tạo ra sự chuyển giao quyền lực từ triều đình nhà Lý sang vương triều nhà Trần cường thịnh, ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông, xây dựng quốc gia Đại Việt hùng cường [67, tr. 247 - 252]).
Khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ năm 1418, nhiều anh hào của Thái Bình nhanh chóng tìm về tụ nghĩa dưới cờ Lê Lợi như Đinh Lan, Bùi Quốc Hưng, Vũ Uy, Phạm Bôi... [67, tr. 371, tr. 373 - 374, tr. 376]. Trong sự nghiệp đánh đuổi quân Thanh, nhiều danh sĩ Thái Bình sớm đến với Nguyễn Huệ như Nguyễn Kim Nho, Nguyễn Sơn... [67, tr. 606 - 607].
Thế kỷ XVIII được coi là thế kỷ nông dân khởi nghĩa. Thái Bình có Hoàng Công Chất, người làng Hoàng Xá, Vũ Thư đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân
kéo dài từ năm 1739 đến năm 1796 với quy mô hoạt động rộng, trên địa bàn các tỉnh Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tây Bắc [67, tr. 581]. Cuộc khởi nghĩa chống triều đình nhà Nguyễn do Phan Bá Vành, người làng Minh Giám, Kiến Xương lãnh đạo diễn ra trong 17 năm [67, tr. 606, tr. 627]. Những cuộc khởi nghĩa trên đã tỏ rõ tinh thần kiên cường, bất khuất của người Thái Bình trong đấu tranh chống thế lực cường quyền, áp bức, bóc lột.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, các sỹ phu yêu nước ở Thái Bình đã cùng nhân dân một lòng đánh giặc như Doãn Khuê ở Vũ Thư, Nguyễn Mậu Kiến ở Kiến Xương, Phạm Quang Huy ở Đông Hưng ... [67, tr. 662]. Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm (1875 - 1929), người làng Ngọc Đỉnh (Hưng Hà), 54 tuổi đời đã có hơn 30 năm biệt xứ để mưu đồ đánh giặc Pháp [67, tr. 701]. Trái lựu đạn do Phạm Văn Tráng (hội viên Quang phục hội) cho nổ giữa thị xã Thái Bình ngày 13 - 4 - 1913, giết chết tên tuần phủ Nguyễn Duy Hàn, là dấu mốc chuyển phong trào yêu nước ở Việt Nam do văn thân, sĩ phu lãnh đạo sang một phong trào mới do Ðảng Cộng sản lãnh đạo [67, tr. 747].
Đảng bộ Cộng sản tỉnh Thái Bình là một trong những Đảng bộ thành lập sớm (cuối tháng 6 năm 1929) [67, tr. 757]. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, Thái Bình đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt của nhân dân chống chính quyền thực dân phong kiến, tiêu biểu là cuộc đấu tranh của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà, ngày 1 - 5 - 1930 và nông dân Tiền Hải, ngày 14 - 10 - 1930 [67, tr. 757].
Tháng 8 năm 1945, phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh, thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền chín muồi. Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã nhanh chóng lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền trên địa bàn toàn tỉnh. Ngày 18 - 8 - 1945, khởi nghĩa diễn ra ở Thái Ninh. Ngày 19 - 8 - 1945, khởi nghĩa diễn ra ở thị xã. Đến ngày 25 - 8 - 1945, khởi nghĩa giành chính quyền đã thắng lợi ở toàn tỉnh Thái Bình [67, tr. 761].
Thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Thái Bình đã hăng hái tham gia kháng chiến.
Những chiến công của nhân dân Thái Bình cùng với chiến thắng của quân dân cả nước buộc thực dân Pháp phải rút khỏi Thái Bình ngày 30 - 6 - 1954 [67, tr. 763].
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thái Bình là tỉnh có sự đóng góp rất lớn về sức người, sức của. Nhiều người con Thái Bình đã ghi vào lịch sử dân tộc những dấu son chói lọi như: Anh hùng phi công Phạm Tuân (người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ), thiếu tướng tình báo chiến lược Vũ Ngọc Nhạ, đại đội trưởng xe tăng Bùi Quang Thận (người cắm cờ chiến thắng trên nóc dinh Độc Lập ngày 30 - 4 - 1975)... [67, tr. 777].
Bên cạnh lịch sử hào hùng chống ngoại xâm, Thái Bình còn là tỉnh có nhiều thành tựu nổi bật về văn hóa. Do chung đúc khí thiêng sông biển, Thái Bình là vùng đất có truyền thống hiếu học, có nhiều làng khoa bảng, nhiều dòng họ hiếu học truyền đời. Người Thái Bình có ý thức học hỏi, rèn trí, rèn đức, thông minh sáng tạo trong cuộc sống. Vì vậy, Thái Bình được đánh giá là một vùng quê có học phong nổi trội. Thời phong kiến, Thái Bình có nhiều đại khoa đỗ đạt cao như: Nhị giáp tiến sĩ Bùi Sĩ Tiêm, tiến sĩ Nguyễn Văn Kiệt, tiến sĩ Nguyễn Tùng Mục, Hoàng giáp Ðặng Ất, Hoàng giáp Ðoàn Nguyên Thục, nhà bác học Lê Quý Ðôn... [67, tr. 457].
Với đặc điểm về vị trí địa lý, địa hình và cư dân, Thái Bình là nơi hội tụ và lan tỏa các sắc thái văn hóa, văn minh của vùng châu thổ Đồng bằng Bắc Bộ. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, các thế hệ tiền nhân xưa đã để lại trên đất Thái Bình hàng nghìn di tích văn hóa đặc sắc như: đình, đền, miếu, chùa, từ đường, văn chỉ... Trong đó, tiêu biểu nhất là 2 di tích được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt: Chùa Keo và khu lăng mộ, đền thờ các vị vua triều Trần. Nét đẹp trong văn hoá Thái Bình còn được hội tụ sâu sắc qua các loại hình văn hoá, nghệ thuật phong phú của các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc, tiêu biểu là nghệ thuật chèo và múa rối nước.
Như vậy, khơi dậy và phát huy các truyền thống văn hóa, văn hiến, truyền thống yêu nước và cách mạng của tỉnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng của