Thực trạng thực hiện dân chủ ở cơ sở của tỉnh Thái Bình trước năm 1998

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Đảng bộ tỉnh Thái Bình lãnh đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở từ năm 1998 đến năm 2013 (Trang 45 - 49)

6. Kết cấu của luận án

2.1. Những yếu tố tác động đến sự lãnh đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở của

2.1.3. Thực trạng thực hiện dân chủ ở cơ sở của tỉnh Thái Bình trước năm 1998

năm 1998

Trước khi có QCDC ở cơ sở ban hành, việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân tại nhiều địa phương ở tỉnh Thái Bình còn nhiều tồn tại hạn chế - nhất là trong những năm 1994, 1995, 1996. Những công việc có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân không được chính quyền xã thông báo công khai minh

Người dân chỉ biết những khoản đóng góp phải nộp và thực hiện. Cán bộ ở nhiều địa phương làm việc với dân quan liêu cửa quyền, nặng tính hành chính vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm chính sách pháp luật và quyền làm chủ của nhân dân. Khi có đơn khiếu tố, khiếu nại của nhân dân, cấp chính quyền ở nhiều địa phương đùn đẩy, né tránh không giải quyết, thậm chí có địa phương cán bộ còn thách thức dân. Tình hình đó đã làm cho người dân khiếu tố ngày càng nhiều và phức tạp lan ra diện rộng, có nhiều nơi rất nghiêm trọng.

Trong vòng 10 năm (1987 - 1997), ở Thái Bình đã xảy ra trên 300 vụ mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu tố, khiếu nại tranh chấp đất đai; tố cáo cán bộ xã cấp, bán đất sai thẩm quyền; tham nhũng tiêu cực trong quản lý kinh tế, tài chính ngân sách xã, hợp tác xã và thôn, xóm; về tác phong làm việc quan liêu, cửa quyền, hống hách đối với nhân dân của lãnh đạo chính quyền [49, tr. 330 - 331].

Năm 1988, nhân dân xã Bình Lăng (huyện Hưng Hà) khiếu tố tập thể đòi thanh tra kinh tế trong xây dựng hội trường UBND xã. Năm 1993, xảy ra vụ tranh chấp đất đai giữa hai thôn Bồng Tiên - Thái Lai của xã Vũ Tiến (huyện Vũ Thư); tranh chấp đất đai ở Vũ Tây (huyện Kiến Xương). Tháng 4 năm 1994, nhân dân xóm Dân Chủ, xã Quỳnh Xá (Quỳnh Phụ) tố cáo cán bộ xóm, xã tham nhũng tiêu cực, đề nghị thanh tra kinh tế. Kết quả thanh tra cho thấy, cán bộ xóm và xã đã tham ô của công. Cũng trong thời gian này, nhiều xã trong huyện Quỳnh Phụ, huyện Thái Thụy, huyện Đông Hưng, huyện Kiến Xương, huyện Tiền Hải, huyện Hưng Hà, huyện Vũ Thư … cũng xảy ra khiếu kiện đòi thanh tra kinh tế xã, hợp tác xã, tố cáo cán bộ xóm, xã tiêu cực tham nhũng. Tình hình khiếu tố của nhân dân lan ra diện rộng với tính chất, mức độ ngày càng gay gắt. Lợi dụng tình hình trên, một số phần tử xấu đã kích động, lôi kéo nông dân đi khiếu kiện đông người. Tại trụ sở của chính quyền các cấp, nhiều người đã có hành động gây rối quá khích, gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động của các cơ quan Đảng và Nhà nước ở địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình [49, tr. 331 - 333].

Tính từ tháng 11 - 1997 đến tháng 6 - 1998, cả 8/8 huyện, thị với 242/285 xã, phường, thị trấn của tỉnh Thái Bình có đơn thư khiếu nại, tố cáo; 43.000 lượt người đi khiếu kiện ở các cấp. Từ việc khiếu kiện yêu cầu chính quyền thôn, xã giải quyết,

đến huyện, tỉnh và Trung ương; từ vài người đi khiếu kiện đến hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn người; từ đề đạt nguyện vọng yêu cầu giải quyết đến dùng áp lực đông người buộc chính quyền làm theo ý mình; từ yêu cầu thanh tra Nhà nước giải quyết đến thành lập thanh tra nhân dân tự giải quyết… Một số nơi đã xảy ra những hành động nghiêm trọng như: vây giữ, truy bắt, lăng mạ cán bộ, tự niêm phong tài liệu, ngăn cản chính quyền cơ sở thi hành nhiệm vụ; đập phá, hủy hoại tài sản của Nhà nước, tài sản của công dân, đánh người, bắt giam giữ trái phép cán bộ, công an đang thi hành nhiệm vụ gây mất ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội (xã An Ninh, Quỳnh Hoa huyện Quỳnh Phụ; xã Mỹ Lộc, Thái Tân, Thái Thịnh huyện Thái Thụy; xã Vũ Đông huyện Kiến Xương) [49, tr. 333 - 336].

Để “điểm nóng” Thái Bình xảy ra và kéo dài trầm trọng có nhiều nguyên nhân. Về nguyên nhân chủ quan, trước hết là do một bộ phận không nhỏ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở tham nhũng, tiêu cực, làm giàu bất chính; lề lối tác phong làm việc quan liêu, độc đoán chuyên quyền, mất dân chủ nghiêm trọng; không chấp hành nghiêm chỉnh một số quy định của pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cấp đất, bán đất trái thẩm quyền một cách phổ biến; chính quyền ở nhiều cơ sở đã lạm dụng việc phạt hành chính một cách tùy tiện, trái quy định, quá sức chịu đựng của dân, gây bất bình trong nhân dân.

Việc tổ chức huy động nhân dân đóng góp để xây dựng kết cấu hạ tầng và nhiều khoản đóng góp khác còn quá lớn trong lúc đời sống nhân dân có nhiều khó khăn. Nhiều xã vay mượn tiền, thóc của ngân hàng, của nhân dân và một số quỹ khác tràn lan; việc quản lý, sử dụng thiếu chặt chẽ, chưa bàn bạc dân chủ và thông báo công khai với dân, mất khả năng thanh toán.

Công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư tố cáo từ tỉnh đến cơ sở bị xem nhẹ; không quan tâm giải quyết kịp thời, thỏa đáng những khiếu kiện chính đáng của dân, thậm chí một số nơi còn đố kỵ, thách thức dân. Cơ quan chính quyền ở tỉnh, huyện và một số ngành có trách nhiệm tiếp xúc, giải quyết công việc của dân và của cấp dưới còn biểu hiện cửa quyền, gây phiền hà sách nhiễu đối với dân; hiện tượng nhận tiền đút lót, hối lộ diễn ra trên nhiều lĩnh vực... Tất cả tạo ra sự dồn nén, uất ức, bất bình dẫn đến người dân đi khiếu kiện.

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân, cả về tổ chức, chính trị - tư tưởng và công tác kiểm tra một thời gian dài bị coi nhẹ. Lối sống của một bộ phận cán bộ biểu hiện quan cách, xa dân, sa sút về phẩm chất đạo đức. Tình trạng hội họp, chi tiêu lãng phí chưa được ngăn chặn. Đấu tranh tự phê bình và phê bình trong nội bộ Đảng bị buông lỏng; không giữ được mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng. Khi điểm nóng Thái Bình nổ ra cho thấy, có những Đảng bộ, chi bộ, chính quyền được cho là trong sạch, vững mạnh nhưng thực chất lại yếu kém, vi phạm dân chủ, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân.

Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh, cấp ủy, UBND các huyện, thị và các ngành của tỉnh có biểu hiện thỏa mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được, dẫn đến chủ quan, thiếu nhạy bén chính trị, quan liêu không đi sâu, đi sát, xa dân; buông lỏng quản lý KT - XH, nhất là trên các lĩnh vực đất đai, tài chính ngân sách, xây dựng cơ bản; công tác quản lý cán bộ, quản lý đảng viên chưa được chú ý đúng mức; chưa kịp thời nắm và giương cao ngọn cờ chống tham nhũng; chưa ngăn chặn kịp thời có hiệu quả tình trạng mất dân chủ trên diện rộng. Khi mới xuất hiện khiếu kiện của nhân dân ở diện hẹp thì chủ quan, chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời dứt điểm. Công tác tư tưởng chưa xác định rõ định hướng, thông tin tình hình lúng túng, chưa tranh thủ sự đồng tình của cán bộ, đảng viên. Vì vậy, chưa tạo được sức mạnh tổng hợp giải quyết tình hình nên kết quả thực hiện hạn chế; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, cấp dưới không thực hiện, cấp trên không có thái độ xử lý kiên quyết, có nơi cấp trên còn bao che cho cấp dưới cũng tạo ra bức bối trong nhân dân. Việc xử lý một vài vụ lợi dụng khiếu kiện gây rối xảy ra ở huyện Quỳnh Phụ còn nóng vội, không chính xác, gây hậu quả xấu, làm cho cấp ủy, chính quyền ở nhiều cơ sở hoang mang, dao động. Một số đối tượng ở các địa phương lợi dụng tình hình kích động người dân, coi thường pháp luật gây ra tình trạng vô chính phủ đồng loạt trên diện rộng.

Những bất bình trên tích đọng qua nhiều năm tháng bùng lên thành những cuộc đấu tranh của nhân dân; “điểm nóng” Thái Bình đã làm rung chuyển toàn bộ hệ thống chính trị địa phương trong tỉnh.

Trước tình hình trên, nhiệm vụ đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân Thái Bình cần phải sớm ổn định tình hình để phát triển KT - XH; giải quyết nghiêm túc, có lý, có tình các vấn đề khiếu kiện của nhân dân…

Trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực tiễn tình hình, tiếp thu ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân, ngày 12 tháng 1 năm 1998, Ban chấp hành Đảng

bộ tỉnh Thái Bình đã ra Nghị quyết số 06-NQ/TU về “Những chủ trương, giải pháp

ổn định tình hình trong tỉnh”. Nghị quyết đã xác định nhiều vấn đề quan trọng và

những giải pháp nhằm nhanh chóng ổn định tình hình trong tỉnh, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT - XH trong tình hình mới.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Đảng bộ tỉnh Thái Bình lãnh đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở từ năm 1998 đến năm 2013 (Trang 45 - 49)