Nghiên cứu về vấn đề thừa kế tài sản thời Kamakura

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) vấn đề thừa kế tài sản trong ngự thành bại thức mục và so sánh với quốc triều hình luật (Trang 25 - 28)

CHƢƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

1.2. Nghiên cứu về vấn đề tài sản và thừa kế ở Nhật Bản và Việt Nam

1.2.1. Nghiên cứu về vấn đề thừa kế tài sản thời Kamakura

Để tham khảo quá trình hình thành bộ luật cũng như vị trí của Ngự thành bại thức mục trong hệ thống lịch sử pháp chế Nhật Bản, luận án sử dụng nhiều thông tin hữu ích từ Lịch sử luật thừa kế Nhật Bản của Ishii Ryosuke (石井良助) [52]. Công trình nghiên cứu này không chỉ hệ thống lịch sử thừa kế của Nhật Bản mà còn đưa ra những gợi mở về định hướng so sánh. Đó là ý tưởng về nghi lễ truyền lửa (あまつひつぎ, amatsu hitsugi), khi các vị Thiên hoàng, con cháu của Thiên chiếu đại ngự thần (天照大御神), nhường ngôi cho như là một sự kế tục giữa thế sau với thế hệ trước và hành động này chủ yếu gắn với con trai trực hệ. Điều này ít nhiều cho ta liên hệ với ý nghĩa của từ hương hỏa được sử dụng khá nhiều trong các văn bản luật khi nhắc đến vấn đề thừa kế. Trong tiến trình triển khai vấn đề, các tác giả tiếp cận theo hướng các chính sách của chính quyền đương thời đối với 3 vấn đề cốt lõi là chế độ ruộng đất, chế độ tài chính và chế độ tài sản. Điều này gợi mở cho tác giả những điểm mấu chốt của bộ luật chính là ruộng đất và bất động sản.

Trong khi Ryosuke phân kỳ lịch sử pháp chế Nhật Bản trước thời Trung thế thành hai thời kỳ là Thượng đại (上代) và Thượng thế (上世), Okubo Haruo lại chia thành thời kỳ Thượng cổ (上古) và Trung cổ (中古) trong quyển Lịch sử pháp chế Nhật Bản [55]. Dù khác nhau cách gọi nhưng

nội dung đều là thời kỳ đầu tương ứng với chế độ thị tộc, còn thời kỳ sau tương ứng với giai đoạn nhà nước luật lệnh (律令国家, ritsuryo kokka). Khi bước vào thời Trung cổ, ruộng được tách ra thành công điền và tư điền, đất đai được tách thành trạch điền và viên điền và coi đây là đối tượng thu thuế chính. Thời kỳ này, tài sản được phân chia thành di tỉ vật (移徙物, động sản) và bất di tỉ vật (不移徙物, bất động sản), đi kèm theo quyền sở hữu, cầm cố, biếu tặng, trao đổi, thừa kế… Bước sang thời Trung thế, thứ luật pháp được nhắc nhiều đến là luật pháp võ gia. Điều này không có nghĩa pháp luật của triều đình không được sử dụng nữa mà những gì võ sĩ còn thiếu thì pháp luật mới dành cho võ gia sẽ điều chỉnh.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác, ở Nhật Bản xuất hiện luồng nghiên cứu về sự hình thành quốc gia phong kiến. Trong đó, nhiều nhà nghiên cứu mà tiêu biểu là Nagahara Kenji (永原慶二) đã đề xuất cách tiếp cận "chế độ phong kiến" từ nền "kinh tế nông dân quy mô nhỏ kiểu phong kiến" (封建的小規模農民経済, hoken teki shokibo nomin keizai) [77]. Theo đó, ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của chế độ "nông nô" trong các trang viên đặc biệt là vùng phía đông Nhật Bản. Do nhu cầu khai khẩn đất hoang, kéo theo nhu cầu về nhân lực, các tiểu địa chủ ra sức thu gom dân nghèo, dân phiêu bạt để tập trung thành các trang viên vừa và nhỏ. Những địa chủ này được gọi là danh chủ.

Nhắc đến ruộng đất giai đoạn này, không thể không nhắc đến mô hình trang viên do các lãnh chủ sở hữu và quản lý. Trong số các công trình nghiên cứu, tiêu biểu là Lịch sử trang viên (Thế kỷ VIII - XVI) của Phan Hải Linh [18]. Qua nghiên cứu này, tác giả luận án nhận thức rằng, mô hình trang viên có sự khác biệt không chỉ theo thời gian mà còn thay đổi theo cả vùng miền. Trang viên thời kỳ đầu thì mối quan tâm chính là hoa lợi, còn trang viên thời trung thế thì Mạc phủ sử dụng hệ thống quản lý shugo (守護, thủ hộ) và địa đầu (地頭, địa đầu) để chiếm đoạt quyền quản lý và cả hoa lợi trên trang viên đó. Thời kỳ Kamakura, bức tranh trang viên chia làm hai nửa, phần thuộc miền Đông do Mạc

phủ nắm giữ, phần thuộc miền Tây sẽ do Thiên hoàng chi phối.

Mạc phủ Kamakura không phải là chính quyền đầu tiên đề ra và bổ nhiệm chức vụ địa đầu. Chức vụ này xuất hiện từ thời Viện chính (院政, Insei) khi dòng họ võ sĩ Taira bắt đầu nắm các chức vụ quan trọng và chuyên quyền.

Địa đầu là võ sĩ được dòng họ này cắt cử đến các trang viên, hoặc công lãnh

(公領, koryo) để kiểm soát tình hình đất đai. Quan điểm này được một số học giả như Yoshie Akio (義江彰夫) trong bài Sự hình thành chức địa đầu trong thời Viện chính [89] hay Santa Takeshige (三田武繁) trong Khảo sát mang tính cơ sở về vấn đề thủ hộ - địa đầu năm Văn trị [64]. Những ý kiến của các bài nghiên cứu này có giá trị tham khảo to lớn vì trong các điều khoản về thừa kế của Ngự thành bại thức mục thì không đề cập nhiều đến chức vụ này, nhưng trong các nhượng trạng lại coi các chức này như là một thực thể không thể tách rời của các sở lãnh khi phân chia tài sản.

Để làm rõ hơn vai trò của địa đầu, Yasuda Motohisa cũng là người đi tiên phong trong nghiên cứu về địa đầu, đã nghiên cứu về vai trò thu thuế thóc phục vụ chiến tranh của người đảm nhiệm chức vụ này. Theo đó, nếu chức địa đầu thời Viện chính, hay cuối thời Heian, đảm nhiệm vai trò quản lý trang viên và thu thuế cho triều đình thì dưới sự chỉ đạo của Minamoto Yoritomo, nhiệm vụ của địa đầu đã rõ ràng hơn. Bằng áp lực của người chiến thắng trong cuộc chiến Gempei (源平合戦, 1180-1185), Yoritomo đã ép được Thượng hoàng công nhận cơ cấu thủ hộđịa đầu mới của mình đặt tại các trang viên, công lãnh. Quan điểm này đã được Yasuda Motohisa (安田元久) làm rõ trong bài Khảo sát nhỏ về thóc lương binh và thóc trưng thu thêm của địa đầu [86; 55-76]. Như thế, bằng hình thức thu thuế thóc hợp pháp, các võ sĩ của Yoritomo đã bước đầu chia sẻ lợi ích kinh tế và sau này là chiếm đoạt hoàn toàn. Đây là bước đi đầu tiên trong quá trình chiếm hữu - chuyển giao tài sản của võ sĩ cuối Heian đầu Kamakura.

Nghiên cứu về lịch sử Nhật Bản thời trung thế (Early Medieval Japan), không thể không nhắc đến Jeffrey Paul Mass, một học giả người Mỹ có nhiều

công trình nghiên cứu đồ sộ. Liên quan đến đề tài này, tác giả luận án tham khảo bài viết về Mô hình thừa kế tại địa phương cuối thời kỳ Heian Nhật Bản

[38; 67-95]. Jeffrey P. Mass cho rằng, cuối thời kỳ Heian, các gia đình võ sĩ đã chuẩn bị đầy đủ những điều kiện cần thiết để cá nhân hóa sức mạnh gia đình thông qua hai giá trị cốt lõi là mối quan hệ họ hàng và thừa kế tài sản, trong đó ông khảo cứu một số Nhượng trạng tại các tỉnh như Iga, Bungo. Đặc biệt, trong quyển Thủ lĩnh và thừa kế trong thời kỳ đầu Trung thế Nhật Bản - hệ thống sở lãnh một nghiên cứu về Kamakura, trên cơ sở khảo cứu về gia đình và thừa kế cuối Heian và Kamakura, ông cho rằng, Yoritomo bằng cơ chế vận hành trên các chức vị tối giản Tướng quân, Thủ hộĐịa đầu đã nâng tầm mô hình sở lãnh thành hệ thống sở lãnh [39]. Đây chính là những quan điểm mà luận án quan tâm.

Một trong những điểm nhấn của luận án là việc nghiên cứu quyền thừa kế tài sản của phụ nữ. Trong số các nhà nghiên cứu về phụ nữ thời Trung thế, phải kể đến Tabata Yasuko (田端泰子) và Hosokawa Kyoko (細川涼子) với nghiên cứu Phụ nữ, Người già, Trẻ em (tập 4) trong bộ "Nhật Bản thời trung thế" [74]. Bản thân Tabata Yasuko cũng có những khảo cứu khác về riêng phu nhân Tướng quân Hojo Masako, người có công lớn gánh vác trách nhiệm bảo vệ thành quả của Tướng quân Yoritomo [75]. Cùng thế hệ với Tabata, nhà nghiên cứu lịch sử phụ nữ người Mỹ gốc Nhật là Hitomi Tonomura đã có những nhận xét rất sâu về thừa kế tài sản của phụ nữ thời kỳ Kamakura [36; 529-623]. Tonomura nhận định rằng, người phụ nữ với tư cách là vợ hay là con gái, khi đã là thành viên gia đình võ sĩ thì phải có nghĩa vụ quản lý tạm thời và chuyển giao số tài sản được thừa kế cho con, cháu trực hệ, hoặc sử dụng biện pháp con gái nuôi để thực hiện biện pháp đó thay cho con gái.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) vấn đề thừa kế tài sản trong ngự thành bại thức mục và so sánh với quốc triều hình luật (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(197 trang)