Nghiên cứu về vấn đề thừa kế triều Lê sơ

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) vấn đề thừa kế tài sản trong ngự thành bại thức mục và so sánh với quốc triều hình luật (Trang 28 - 36)

CHƢƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

1.2. Nghiên cứu về vấn đề tài sản và thừa kế ở Nhật Bản và Việt Nam

1.2.2. Nghiên cứu về vấn đề thừa kế triều Lê sơ

Về mặt pháp luật, quyền kế thừa tài sản thời Lê sơ (1428-1527) được quy định cụ thể trong bộ Luật Hồng Đức được bắt đầu xây dựng từ thời Lê Thái Tổ (1428-1433) và hoàn chỉnh thời Lê Thánh Tông (1460-1497) niên

hiệu Hồng Đức (1470-1497). Bộ luật này được bổ sung, điều chỉnh và thi hành trong thời Lê trung hưng (1593-1789) mang tên chung là Quốc triều hình luật. Bộ Quốc triều hình luật cùng với các văn bản pháp luật được ban hành trong thời Lê sơ và bổ sung trong thời Lê trung hưng đã được thu thập lại trong Một số văn bản điển chế và pháp Việt Nam tập I và II (từ thế kỷ XV đến XVIII) do Nguyễn Ngọc Nhuận chủ biên [24]. Bộ luật đã được dịch ra tiếng Pháp10 và tiếng Anh11, được nhiều học giả trong nước và nước ngoài nghiên cứu. Nghiên cứu một cách hệ thống là Vũ Văn Mẫu trong Cổ luật Việt Nam lược khảo [21] được viết vào năm 1969 và Cổ luật Việt Nam thông khảo và tư pháp sử [22] viết năm 1974. Trước hết, trên cơ sở phân tích các sử liệu mà điều kiện nghiên cứu còn hạn hẹp lúc bấy giờ, ông đưa ra giả thiết rằng bộ

Quốc triều hình luật được ban bố vào khoảng cuối những năm niên hiệu Hồng Đức, và các đời vua triều Lê sau cho in lại và bổ sung một số điều cho phù hợp với tình hình. Trên cơ sở khảo cứu hai thiên Hộ hôn và Điền sản, ông cho rằng so sánh với “luật Tầu” thì đây là những điều hết sức "canh tân mới mẻ", đặc biệt là phần thừa kế thì đã "giải quyết cặn kẽ", phần hương hỏa thì đã đề cập đến một "chế độ hoàn toàn Việt Nam". Tiếp đó, liên quan trực tiếp đến nội dung đề tài phải kể đến công trình Quốc triều hình luật - Lịch sử hình thành nội dung và giá trị do Lê Thị Sơn chủ biên [26] là tập hợp các bài chuyên khảo rất hữu ích về các nội dung của bộ luật này.

Trong các công trình nghiên cứu liên quan đến Quốc triều hình luật

cũng như hệ thống pháp luật nói chung của các tác giả nước ngoài, trước hết tôi tham khảo các bài viết của học giả Yamamoto Tatsuro. Có thể nói, Yamamoto là nhà sử học học Nhật Bản thuộc thế hệ đầu tiên thời hiện đại đặt nền móng nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản. Có được thành quả trên, một phần nhờ việc Yamamoto đã sử dụng và nghiên cứu thành công những tài liệu Việt Nam được thu thập trong Đông Dương văn khố (東洋文庫). Yamamoto

10R. Deloustal (1900-1922)La justice dans l’ancien Annam, Bulletin de l’ Ếcole francaise d’

Extrême-Orient

11Nguyễn Ngọc Huy, Tạ Văn Tào, Trần Văn Liêm (1987), The Le code, Law in traditional Vietnam, Ohio- London

có các công trình từ rất sớm như Luật hôn nhân Lê triều An Nam viết năm 1938 [87; 247-318], hay tập tài liệu có giá trị như Giấy tờ mua bán bất động sản An Nam viết năm 1940 [68; 370-383]. Nghiên cứu sâu về chế độ kế thừa tài sản trong Quốc triều hình luật, có hai công trình của Tạ Văn Tài12 và Yu Insun [10]. So sánh đối chiếu các điều luật trong Quốc triều hình luật với các bộ luật của Trung Quốc, các tác giả chứng minh rằng Quốc triều hình luật có mô phỏng, tham bác luật nhà Đường nhiều nhất, sau đó đến luật nhà Minh, nhưng đều được vận dụng cho phù hợp ở mức độ cho phép với truyền thống và thực tiễn xã hội Việt Nam. Đặc biệt trong số 722 điều luật của Quốc triều hình luật có đến 404 điều theo Nguyễn Ngọc Huy hay 407 điều theo Yu Insun, hoàn toàn không tìm thấy trong luật Trung Quốc, trong đó có những điều luật về kế thừa tài sản.

Tiếp đó, liên quan trực tiếp đến nội dung đề tài phải kể đến công trình

Quốc triều hình luật – Lịch sử hình thành nội dung và giá trị do Lê Thị Sơn chủ biên [26] là tập hợp các bài chuyên khảo rất hữu ích về các nội dung của bộ luật này. Để minh chứng cho các luận điểm trong bài viết của mình, tác giả luận án trích dẫn các điều khoản của bộ luật trong Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam Tập I (từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII) do Nguyễn Ngọc Nhuận chủ biên [24] trên cơ sở tham khảo bản in chữ Hán gốc mang ký hiệu A.341 của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Riêng về chế độ kế thừa tài sản trong Quốc triều hình luật, có một số công trình nghiên cứu của các tác giả trong nước như Trương Hữu Quýnh13, Phan Huy Lê [16] và ngoài nước như Makino Tatsumi14, Robert Lingat15, Tạ Văn Tài, Yu Insun. Kết quả nghiên cứu đều xác nhận chế độ kế thừa tài sản chủ yếu là ruộng đất, ở Việt Nam thời Lê có những đặc điểm riêng, nhất là quyền sở hữu tài sản của phụ nữ, quyền kế thừa ruộng đất hương hỏa. Phan

12Ta Van Tai (1981), "The status of women in traditionnal Vietnam: a comparison of the code of the Lê dynasty (1428-1788) with the Chinese code”, Journal of Asian History, Vol. 15 (2), pp. 97-145

13Trương Hữu Quýnh (2009), Chế độ ruộng đất và một số vấn đề lịch sử Việt Nam, NXB Thế giới, Hà Nội.

14 Makino Tatsumi (1944), Shina kazoku konkyo, Tokyo.

15 Robert Lingat (1954-1955), Les régimes matrimoniaux du Sud-Est de l’ Asie, essai de droit comparé indochinois, Hanoi-Saigon.

Huy Lê còn cố gắng từ trong Quốc triều hình luật của nhà Lê từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, tách ra những điều luật được ban hành trong thời Lê sơ tức trong bộ Luật Hồng Đức hay Quốc triều hình luật thời Lê sơ. Tác giả chứng minh hầu hết những điều luật về kế thừa tài sản đều được xác lập từ thời Lê sơ. Tác giả luận án đã nghiên cứu, kế thừa những kết quả khoa học này khi so sánh Ngự thành bại thức mục của Nhật Bản với Quốc triều hình luật của Việt Nam.

Việc kế thừa tài sản thời Lê sơ còn liên quan đến chế độ quân điền và chế độ lộc điền thời bấy giờ. Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại, năm 1428, khi vừa lên ngôi vua, Lê Lợi sai các quan kiểm kê sổ sách, đo đạc ruộng đất, tiến hành từ tháng 8 đến tháng 12. Sau đó cho quan lại địa phương rà soát lại một lần nữa, đến năm 1429 mới định phép quân điền. Những quy định về quân điền thời Lê Thái Tổ đã phần nào được thể hiện trong 32 điều thuộc chương Điền sản trong Quốc triều hình luật. Chế độ quân điền được bổ sung, hoàn chỉnh trong các đời vua sau, đặc biệt là hoàn thành thời Hồng Đức của Lê Thánh Tông. Chế độ quân điền giúp phân phối ruộng đất đến tay nhiều hạng người trong đơn vị làng xã. Không chỉ người cô quả, tàn tật mà cả vợ con của người bị tội đồ, lưu cũng được nhận ruộng. Quy định này giúp người dân nông thôn có thể an cư lạc nghiệp, khôi phục lại tình hình sản xuất sau chiến tranh. Chế độ quân điền quy định thể lệ phân chia ruộng đất công của làng xã cho các thành viên trong thời hạn 6 năm chia lại một lần. Trong thời hạn đó, người được chia không có quyền sở hữu nhưng có quyền sử dụng và chuyển giao cho con cháu.

Chế độ lộc điền là chế độ ban cấp ruộng đất thuộc quyền sở hữu nhà nước cho quý tộc và quan lại cao cấp. Trong các loại ruộng đất được ban cấp có loại thế nghiệp điền/thổ và tứ điền, người được cấp được quyền sử dụng và phân chia, chuyển giao cho con cháu, nhưng không có quyền sở hữu hoàn toàn, đời vua sau có quyền để cho con cháu kế thừa hay thu hồi từng bộ phận. Phan Huy Lê, Trương Hữu Quýnh đã nghiên cứu cụ thể và nêu lên những đặc điểm của các loại ruộng đất quân điền và lộc điền. Phan Huy Lê qua khảo cứu tư liệu gia phả đã nêu lên một số trường hợp cụ thể cho thấy lộc điền có qui

mô khá lớn, nhưng ruộng đất không tập trung mà thường nằm rải ra trên nhiều địa phương. Một số công thần khai quốc như Lê Sao, Lê Thọ Vực được ban đến 2.286 mẫu rải ra trên 15 huyện, Nguyễn Xí được ban đến 5.135 mẫu rải ra đến 93 xã thuộc 25 huyện, 19 phủ, 6 trấn [17; 488]. Những ruộng đất ban cấp đó thuộc sở hữu nhà nước và phần lớn là ruộng hoang nên người được ban cấp phải tổ chức khai hoang lập thành các trang ấp. Trương Hữu Quýnh đã dẫn chứng rằng gia phả dòng họ Nguyễn Nhữ Soạn và Trương Như Lôi ghi ruộng đất phong thưởng bằng cách "cho được ở đến đến đâu thì lập trại ấp ở đến đó" [28; 182-183]. Trong thời Lê sơ, thái ấp, điền trang không còn nữa, nhưng vẫn tồn tại nhiều trang ấp hay trại ấp của quan lại và địa chủ.

Trong thời Lê sơ, chế độ sở hữu ruộng đất gồm hai hình thái chủ yếu là sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân. Sở hữu nhà nước gồm ruộng sơn lăng của các hoàng đế nhà Lê, ruộng quốc khố, ruộng đồn điền và ruộng đất công của các xã thôn. Sở hữu tư nhân gồm ruộng đất của quý tộc, quan lại, địa chủ và một số nông dân có nguồn gốc từ kế thừa, mua bán, khai hoang và ban cấp. Nhà Lê thành lập sau thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn, lúc đầu ruộng đất thuộc sở hữu nhà nước có tăng lên do triều đình tịch thu ruộng đất của quan lại nhà Minh, những quý tộc Trần bị tiêu vong, ruộng đất bỏ hoang. Nhưng theo xu thế chung, sở hữu tư nhân càng ngày càng phát triển, xâm lấn dần ruộng đất của nhà nước. Stephen B. Young cho rằng, việc Lê Lợi và các đời vua sau đó ban cấp và đảm bảo ruộng đất cho công thần (meritorious servants) đã tạo ra gia tộc quốc tính Lê (Lê royal clan) đông đảo. Điều này đã tạo dựng niềm tin cho tầng lớp võ tướng sau những năm kháng chiến gian khổ và nhờ được ban thưởng hậu hĩnh, họ sẽ phục tùng và chiến đấu cho chế độ nhà Lê [44; 1-48]. Tuy nhiên, ông cũng rào đón bằng câu thành ngữ rất Việt Nam "phép vua thua lệ làng" (the Emperor's laws fall before village customs) để ám chỉ việc luật của nhà vua khi áp dụng trong dân gian có nhiều sai khác. Minh chứng là ruộng thế nghiệp về nguyên tắc thì chỉ được cầm cố, không được bán đứt nhưng trong thực tế, sau này, nhiều gia đình công thần đã sa sút

phải bán trộm đi ruộng thế nghiệp cha ông để lại. Trong Quốc triều hình luật, phần lớn các điều khoản trong số 32 điều thuộc chương Điền sản là nỗ lực nhằm ngăn chặn việc lấn chiếm đất công (điều 343), chiếm đoạt của kẻ khác từ hình thức chiếm không (điều 344) đến đến uy hiếp bán rẻ cho mình (điều 355)… Điều 348 cấm đoán việc tự tiện lập trang trại, đồn chứa dân đinh nhằm tránh việc tập trung người và của cải vào một chỗ tạo thành mối đe dọa như hình thức điền trang.

Thừa kế tài sản mà chủ yếu là ruộng đất được thực hiện đối với ruộng đất tư hữu.Khi nghiên cứu về Quốc triều hình luật, hầu hết các học giả trong và ngoài nước đều nhấn mạnh vào đặc điểm nổi bật là việc chia đều ruộng đất cho các con kể cả trai và gái, thừa nhận quyền thừa kế tài sản của người phụ nữ, kể cả quyền thừa kế ruộng đất hương hỏa trong một số trường hợp. Nếu như Vũ Văn Mẫu mới chỉ đưa ra nhận định rằng, đây là những quan điểm tiến bộ thời Lê sơ so với hình mẫu pháp luật “bên Tầu”, mà chưa đi sâu phân tích, thì Tạ Văn Tài [45; 97-145] cũng như Yu Insun chứng minh đó là những điều luật hoàn toàn của Việt Nam, không có trong luật Trung Quốc. Yu Insun [10] còn đưa ra những kiến giải về mối quan hệ vệ vợ chồng và cha mẹ - con cái, quyền sở hữu và quyền thừa kế tài sản. Ông cho rằng, vai trò của người phụ nữ tự do và cởi mở hơn phụ nữ ở Trung Hoa.

Trên cơ sở tìm hiểu những nghiên cứu trên, tác giả luận án nhận thấy vấn đề về nguồn gốc của đẳng cấp võ sĩ đã được nghiên cứu khá kỹ từ góc độ xã hội và nghề nghiệp trong bối cảnh kinh tế xã hội Nhật Bản cuối thời cổ đại đầu thời trung thế. Tuy nhiên, chưa nhiều nghiên cứu tập trung phân tích sâu về con đường vươn lên của từng dòng họ võ sĩ lớn nắm vận mệnh chèo lái con tàu sóng gió của võ sĩ đoàn, góp phần đưa đẳng cấp này bước lên vũ đài chính trị. Vì vậy, với luận án này, tác giả muốn bổ sung thêm một góc độ tiếp cận mới: làm sáng tỏ nguồn gốc xuất thân của một số dòng họ võ sĩ trụ cột. Đây là điều kiện tiên quyết để tạo dựng nên những thủ lĩnh võ sĩ, những nhân vật cùng nhau hình thành nên chính quyền của đẳng cấp võ sĩ. Cũng tại

chương này, tác giả xâu chuỗi các sự kiện, biến cố lịch sử diễn ra thời Kamakura, đặc biệt là khoảng thời gian từ khi Minamoto Yoritomo khởi binh (1180) đến thời điểm Ngự thành bại thức mục ra đời (1232). Từ đó luận án tập trung chứng minh hai luận điểm Thứ nhất, Ngự thành bại thức mục ra đời là kết quả tất yếu của chuỗi vận động lịch sử Nhật Bản. Hiện tượng đẳng cấp võ sĩ, một trong hai cực quyền lực trong cơ cấu chính quyền Nhật Bản, ban hành một văn bản pháp qui riêng có ảnh hưởng không kém gì triều đình là hiện tượng chưa từng xuất hiện ở bất cứ quốc gia châu Á nào trong lịch sử. Thứ hai, Ngự thành bại thức mục phản ánh bối cảnh chính trị - kinh tế - xã hội Nhật Bản trong thập niên 30 của thế kỉ XIII, với những đặc trưng khác biệt các giai đoạn trước đó như giai đoạn thắng lợi của chiến tranh Gempei (1185- 1192), giai đoạn Yoritomo cầm quyền (1192-1199), hay giai đoạn dòng họ Nhiếp chính Hojo xây dựng quyền lực (1221-1225).

Nhiều nhà nghiên cứu đã vận dụng một số điều luật trong Ngự thành bại thức mục để tìm hiểu những vấn đề về quan chức võ sĩ (thủ hộ, địa đầu), về vấn đề tố tụng, vấn đề phụ nữ..., đồng thời, dẫn chứng bằng hệ thống văn bản tư liệu địa phương. Tác giả luận án kế thừa tất cả thành quả nghiên cứu và áp dụng cách thức nghiên cứu đó cho hướng đi của mình. Đó là nghiên cứu về vấn đề thừa kế tài sản trong Ngự thành bại thức mục một cách tổng hợp và toàn diện. Luận án sàng lọc tất cả những điều khoản liên quan đến thừa kế tài sản (gồm cả trực tiếp và gián tiếp), phân tích những vấn đề về thừa kế tài sản đó phản ý tư duy luật pháp gì của những người lãnh đạo Mạc phủ, áp dụng trong thực tiễn có đúng như ý định hay không trên cả ở ba vị trí người trao, người nhận tài sản thừa kế và người phân xử.

Cuối cùng, bằng việc so sánh với nội dung thừa kế trong Quốc triều hình luật thời Lê sơ, tác giả mong muốn đưa ra một cách lý giải riêng của một học giả Việt Nam nghiên cứu lịch sử Nhật Bản về tính đặc thù của lịch sử Nhật Bản. Do chưa có công trình nào nghiên cứu về nội dung này cũng như về mặt tư liệu chưa tìm thấy chúc thư thời Lê sơ nên luận án không đi theo

hướng so sánh song song mà lựa chọn những nội dung tương ứng trong Quốc triều hình luật để phân tích. Tác giả hy vọng có thể phục dựng lại bức tranh kinh tế xã hội đương thời của hai nước từ góc nhìn thừa kế tài sản, một cách thức quan trọng nhằm duy trì và phát triển địa vị của tầng lớp trên trong xã hội với ưu thế về tài sản tư hữu và khả năng chi phối những tầng lớp khác.

CHƢƠNG 2

SỰ HÌNH THÀNH ĐẲNG CẤP VÕ SĨ

VÀ BỘ LUẬT NGỰ THÀNH BẠI THỨC MỤC

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) vấn đề thừa kế tài sản trong ngự thành bại thức mục và so sánh với quốc triều hình luật (Trang 28 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(197 trang)