CHƢƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
2.2. Sự hình thành đẳng cấp võ sĩ và Mạc phủ Kamakura
2.2.1. Vấn đề hình thành đẳng cấp võ sĩ
Sau cải cách Đại hóa, tình trạng mâu thuẫn giữa đất công và đất tư đã phản ánh sự yếu kém trong việc quản lý địa phương của triều đình. Vùng Kinki (những tỉnh phụ cận kinh thành), được coi là trung tâm của bộ máy hành chính nhà nước nên được tổ chức chặt chẽ. Vùng Tây Nam là cửa ngõ giao lưu văn hoá – ngoại giao với Trung Quốc và Triều Tiên nên triều đình cũng quản lí gắt gao. Còn vùng Đông Bắc là nơi đang trong quá trình khai phá, lại là vùng luôn có sự xung đột với người bản địa (蝦夷, emishi) và các hào tộc địa phương nên tính độc tập địa phương tương đối rõ nét. Đây là khu vực mà chế độ Kiện nhi (健児制, kondesei) vẫn được kéo dài đến tận thế kỷ X trong khi quân đội thường trực không được duy trì nữa. Chính vì vậy, qua sự thăng tiến của dòng họ Taira23 khởi phát thế lực bằng thủy quân vùng biển nội Seito (瀬戸内海, Seito naikai, vùng biển ăn sâu giữa các hòn đảo lớn phía tây Nhật Bản), cũng như dòng họ Minamoto24
hùng cứ vùng Kanto, một số nhà nghiên cứu cho rằng, võ sĩ miền Tây ảnh hưởng của văn hoá triều đình, của văn hoá quý tộc, nên cũng giống như dòng họ Fujiwara dễ dàng thoả hiệp với chức vụ và bổng lộc. Còn võ sĩ miền Đông độc lập tương đối trước triều đình trung ương, nên có sức phát triển mạnh mẽ, là nhân tố chính trong cuộc đấu tranh giành quyền lực. Quan điểm này ảnh hưởng mạnh trong giới nghiên cứu đến tận thập kỉ 70 thế kỷ trước. Gần đây, khi nghiên cứu địa phương được thúc đẩy, đã xuất hiện một số nhận định khác biệt [6; 75-76].
Trong các nghiên cứu về đẳng cấp võ sĩ trong giai đoạn sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chúng ta có thể thấy cuộc tranh luận về con đường hình thành
23 Taira là một trong bốn dòng họ lớn xuất hiện từ thời cổ đại. Có xuất thân từ Hoàng tộc, có thế lực và nổi tiếng nhất là nhánh của Thiên hoàng Kammu (桓武天皇, 737-806). Thường được gọi là Heike (平家), Taira uji hay Heishi (平氏).
24 Minamoto là một trong bốn dòng họ lớn xuất hiện từ thời cổ đại. Có xuất thân từ Hoàng tộc, có thế lực và nổi tiếng nhất là nhánh của Thiên hoàng Seiwa (清和天皇, 850-881). Thường được gọi là Genji hoặc Minamoto uji (源氏).
võ sĩ. Nếu trước đó võ sĩ được cho là các lãnh chủ địa phương hay danh chủ có thế lực tập hợp lực lượng chống lại sự cai trị của chính quyền, thì các nghiên cứu sau này dựa trên tài liệu cụ thể của các dòng họ, đã chứng minh con đường hình thành đẳng cấp này rất đa dạng. Đó có thể là các hào tộc địa phương, danh chủ, trang quan… tự vũ trang cho gia đình và gia nhân để bảo vệ đất đai, tham gia vào các cuộc chiến tranh mở rộng sở lãnh; có thể là các nhóm tự vệ của làng trưởng thành từ các cuộc đấu tranh bảo vệ làng hoặc được huy động vào các cuộc xung đột của chủ đất; cũng có thể là một số quý tộc thất thế tại trung ương đã về địa phương vừa tổ chức khai khẩn, sản xuất, vừa huấn luyện đội quan võ trang, liên kết với chính quyền địa phương nhằm phục hồi sức mạnh và địa vị của mình...
Theo học giả Takahashi Masaaki, đương thời, trang bị cho mỗi chiến binh chuyên nghiệp cần ít nhất phải bao gồm 1 bộ cung tên (chodo), 1 thanh đại đao (tachi), 1 bộ giáp (yoroi), 1 con ngựa chiến và các phụ kiện đi kèm [70; 45]. Với những di vật khảo cổ học khai quật về thời kỳ này có thể thấy trang bị của võ sĩ là cả một gia tài lớn đối với người dân bình thường. Nhà nghiên cứu Nakamura Kichiji, đứng từ góc độ lịch sử kinh tế nhận định rằng, chỉ riêng việc sử dụng cho các trận chiến là một vấn đề nan giải vì đây là tư liệu sản xuất quý hiếm của cộng đồng nông thôn. Nhiều chiến binh khi tham gia chiến dịch Tiền cửu niên (前九年役, Zenkunen no eki, 1051-1062), khi thua trận đã nhanh chóng bỏ chạy về cứ địa, một phần để bảo toàn nhân sự một phần để giữ gìn tài sản quý giá này [82; 19].
Trong khoảng thời gian các thế kỉ VIII đến thế kỉ X, võ nghệ và trang bị vũ khí cho các chiến binh được chia thành 2 giai đoạn phát triển khá rõ rệt. Đó là chuyển đổi từ việc dùng kiếm thẳng 2 lưỡi sang đao cong 1 lưỡi. Đây là kết quả của nhiều năm giao tranh với người Emishi và các chiến binh đã học tập việc sử dụng vũ khí lợi hại này. Quá trình này kéo theo việc sử dụng đao trên ngựa càng làm tăng thêm hiệu quả chiến đấu cũng như đòi hỏi kỹ thuật rèn kim khí cao hơn thời kỳ trước. Thứ hai là, rèn khả năng bắn cung của thợ
săn và kết hợp với kỵ thuật. Hiệu quả của tính linh động và tầm sát thương từ xa khiến cho các chiến binh tuy số lượng không nhiều, nhưng cũng đủ để uy hiếp đối thủ. Điều này có thể thấy qua loạn Bảo Nguyên (保元の乱, Hogen no ran, 1156) và loạn Bình Trị (平治の乱, Heiji no ran, 1159), khi lực lượng đôi bên chỉ có vài trăm kỵ binh.
Chính bởi tính chuyên nghiệp trong chiến tranh như vậy nên từ những năm 1970, nhiều học giả đã đề ra học luận thuyết mới về sự hình thành của đẳng cấp võ sĩ. Họ đứng từ góc độ nghề nghiệp để củng cố học thuyết này. Đại diện cho khuynh hướng này là các học giả Sato Shinichi, Toda Yoshimi, Takahashi Masaaki... Đặc biệt, Takahashi Masaaki đã tổng hợp vấn đề này trong Sự hình thành võ sĩ và sự sáng lập hình tượng võ sĩ. Ông nhấn mạnh chiếu chỉ của Thiên hoàng Gensho (Nguyên Chính) ban vào năm Dưỡng Lão 5 (721) với nội dung: “Văn nhân, võ giả, là những yếu tố quan trọng của quốc gia (lược 1 đoạn) được coi là một nghề trong xã hội như bác sĩ (bác học) về y học, lịch học, âm dương, văn chương” là văn bản sớm nhất có nhắc đến thuật ngữ võ sĩ.
Hơn nữa, Takahashi đã đối chiếu với Phổ thông xướng đạo tập (soạn năm 1297-1302), đoạn “Thế gian xuất thế nghệ năng nhị loại” (phân chia hai loại nghệ năng đương thời bao gồm những người có kĩ năng đặc biệt như văn sĩ, võ sĩ, thiên văn bác sĩ gọi là người có kĩ năng (技能人, ginoujin) và những người này nắm giữ kĩ năng đặc biệt như người chơi đàn biwa, đánh trống, diễn sarugaku...). Từ đó, ông phân tích rằng bản thân chữ nghệ năng (芸能 geino) hay võ nghệ (武芸bugei) xuất hiện trong các tư liệu thời cổ đại không chỉ dành riêng cho giới chiến binh địa phương mà thực tế cũng có thể hiểu với đối tượng là các võ quan vệ phủ triều đình. Ví dụ như kỹ năng xạ kỵ, theo quy định của quốc gia luật lệnh họ thậm chí còn phải trải qua các cuộc thi đấu kiểm tra trình độ định kỳ vào ngày năm tháng năm hằng năm. Quan điểm về những chiến binh có nghệ năng được gọi là Võ nghệ nhân luận (武芸人論, bugeinin ron) hay Chức năng luận (職能論, shokuno ron) [67; 135-138].
Tuy nhiên, võ sĩ phải là những chiến binh tinh thông võ nghệ và danh từ này có ý nghĩa khác hẳn với các võ quan trong triều. Như đã trình bày trên, từ sau cải cách Đại Hóa, theo mô hình Trung Quốc, bên cạnh hàng văn quan, triều đình còn đặt ra các chức Cận vệ đại tướng (近衛大将, konoe daisho), Tả vệ môn đốc (左 衛門尉, saemon no jo)... làm việc tại Cận vệ phủ, Vệ môn phủ, Binh vệ phủ... Tuy nhiên, những chức vụ này phần lớn lại do những người xuất thân từ quan văn đảm nhiệm. Trong đội quân trấn giữ tại địa phương, những chức vụ như Đại nghị (大毅,
daiki), Thiếu nghị (少毅, shoki) thì người đảm nhiệm là Du soái (旅帥, ryosui), Đội chính (隊正, taisei) được tuyển chọn từ những binh sĩ được huấn luyện tốt. Nói tóm lại, phần nhiều các chức võ quan đều không phải là những chiến binh chuyên nghiệp đảm nhiệm. Hay nói cách khác, những vị võ quan này chưa chắc đã coi võ nghệ là gia nghiệp [71; 78-79].
Quân đội thường trực của triều đình Nhật Bản tuy được bố trí tại các tỉnh trên toàn quốc nhưng từ thế kỷ VIII, chỉ trừ vùng đất có xung đột với người Emishi, còn lại đều trở nên hình thức vì chẳng có mấy nội loạn, luyện tập cũng thưa thớt trong khi đó binh lính lại bị các đội trưởng sử dụng trong các việc tư. Chính vì thế, trừ vùng phụ cận Kyoto và vùng biên yếu ra, vào năm 780, triều đình đã giải tán quân đội, cho binh lính về quê, chỉ tuyển chọn trong con em dân chúng những chính đinh có sức vóc, đào tạo kỹ thuật cưỡi ngựa bắn cung cho họ, gọi là chế độ Kiện nhi như đã nêu trên. Việc tuyển lựa chiến binh theo chế độ Kiện nhi này còn được tín nhiệm đến tận năm 970 khi triều đình cử các quân đoàn này đến vùng biên giới Đông Bắc. Đây mới chính là đẳng cấp chiến binh chuyên nghiệp đã hình thành nên ý thức nghề nghiệp rõ rệt tại vùng đất này.
Vậy hoạt động của các chiến binh chuyên nghiệp tại vùng Đông Bắc đã diễn ra như thế nào từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XII, tức là đến trước khi Mạc phủ Kamakura thành lập? Trước hết, trong số rất nhiều gia tộc tham gia khai khẩn vùng đất này, nổi bật nhất là hai gia tộc Taira và Minamoto. Cả hai gia tộc dù có rất nhiều nhánh nhưng tựu chung đều tự nhận là có dòng dõi Thiên
hoàng. Họ đã sớm thoát ly trung ương về các địa phương lập nghiệp. Taira là tính danh hoàng tộc từ thời hoàng tử Takamochi. Đây là dòng họ tới vùng Đông Bắc sớm hơn các dòng họ khác và khi các thành viên tới đây đảm nhiệm các chức vụ cai trị địa phương đã tranh thủ gây dựng thế lực. Trải qua nhiều thế hệ, con cháu họ phát triển thành các nhánh khác nhau, trong đó có nhánh đổi thành họ Chiba, Ise Taira và Hojo (thuộc phả hệ Taira). Chính cuộc nổi loạn của Taira Masakado năm 939 đã bắt đầu chính thức bộc lộ sức mạnh của các thế lực địa phương. Đến giữa thế kỉ X, nhánh Ise mạnh lên khi xuất hiện nhân vật Kiyomori. Kiyomori đã cai quản vùng biển nội Seito và chú trọng phát triển ngoại thương với nước ngoài.
Trong khi đó, Minamoto là tính danh hoàng tộc được ban từ thời Thiên hoàng Seiwa (清和天皇, 850-851, trị vì 858-876) đời thứ 56, nên còn được gọi là họ Minamoto dòng Seiwa (清和源氏). Nhà Minamoto lúc đầu bám trụ tại kinh thành dưới trướng của dòng họ Nhiếp chính Fujiwara. Đến đời của Minamoto Yorinobu đã gây dựng thế lực tại tỉnh Kawachi (tỉnh Hyogo ngày nay) thành lập nên tập đoàn võ sĩ nhà Minamoto đầu tiên. Một trong những nguyên nhân khiến cho nhà Minamoto vượt trên tất cả là sau chiến công vang dội chiến dịch Tiền cửu niên, Yoriyoshi đã kết giao với nhà Taira bằng cách lấy con gái của Naokata. Sau đó, việc Yoriyoshi được bố vợ nhường cho biệt trang tại Kamakura là một bước ngoặt trong việc tạo lập bàn đạp tại vùng Đông bắc. Chính Kamakura là phạm vi thế lực của nhà Taira dòng Kanto, đặc biệt dưới trướng có sự phục vụ của đảng Kamakura (鎌倉党, Kamakura to). Kamakura Kagemasa (鎌倉景正, 1069-?, thuộc nhánh Taira Kenmu) sau khi chiêu mộ dân tha hương (lãng dân) đã tiến hành khai khẩn trên mảnh đất hoang mà ông cha để lại và biến nơi đây thành một sở lãnh rộng lớn, có vị trí chiến lược trong khu vực. Sau đó ông ta đã kí tiến trang viên này lên đền thờ Ise và đổi họ thành Oba (大庭). Thực chất, Oba Kagemasa (大庭景 正, một lãnh chủ khai hoang có thế lực) quy phục và phục vụ Minamoto Yoriyoshi vì Yoshitomo được coi là “rường cột” của dòng họ Minamoto, là một võ tướng
thực sự và quan trọng hơn là con rể của Naotaka chứ không phải là một lãnh chủ trang viên trong vùng.
Mặt khác, như đã phân tích trên, cùng với quá trình khai khẩn đất hoang, lập trang viên, nhiều quý tộc, dòng họ có thế lực đã trở thành các lãnh chủ khai hoang. Để bảo vệ đất đai của mình, họ đã tự vũ trang cho con em trong dòng họ và rèn luyện võ nghệ tinh thông. Mặt khác, họ củng cố thế lực của mình bằng cách phục vụ cho chính quyền địa phương cũng như trung ương, có thể là vệ sĩ cho những nhân vật quan trọng như đại thần, hoàng tộc hoặc đảm nhiệm các công việc mang tính chuyên môn: Kiểm phi vi sứ (検非違 使, kebiishi)25, Truy bộ sứ (追捕使, tsuibushi)26... Một ví dụ về trường hợp này là năm Eiho thứ nhất (永保, 1081), nhân sự kiện chùa Enryaku (延暦寺) và Onjo (園城寺) kết bè cánh ẩu đả nhau, Thiên hoàng sai Kiểm phi vi sứ kiêm quan đầu tỉnh (守, kami)27 tỉnh Kouzuke (上野) là Minamoto Yoshiie (源義家, 1039-1106) đi bắt bọn ác tăng chùa Onjo. Sau đó, Thiên hoàng có chuyến đi đến Iwashimizu (石 清 水, địa điểm thuộc Kyoto, có thể là đi viếng đền Hachiman ở vùng này), đề phòng bọn đồ đệ chùa Onjo báo thù, đã sai huynh đệ nhà Yoshiie đi hộ vệ. Vốn từ trước đến nay, chưa từng có tiền lệ võ sĩ đi hộ vệ nên quan Kampaku là Moromichi (師实) dẫn đầu, còn huynh đệ nhà Yoshiie cùng bộ tướng thì đi ở hậu quân. Tối hôm đó, Yoshiie đã thay lễ phục triều đình (束帯), mặc bố y (布衣 - áo vải, trang phục đi săn không có gia huy của quan nhân từ lục vị trở xuống), khoác cung tên đi giữa đoàn. Quang cảnh đó được ghi chép và thêm phần cảm nhận trong nhật ký của Fujiwara Tamefusa: "Võ sĩ mặc bố y, tháp tùng loan xa, thật là việc chưa từng thấy bao giờ" [73; 89]. Ví dụ này cho thấy, (1) trong tình hình trị an không tốt, các thế lực địa phương , kể cả các đền chùa, tìm mọi cách mở rộng quyền lực kinh tế và võ lực, một mặt tranh giành quyền lợi lẫn nhau, mặt khác tìm cách gây ảnh hưởng đến trung ương; (2) võ sĩ đã được các thế lực địa phương và cả triều
25Võ quan có nhiệm vụ duy trì an ninh tại Kyoto thời nhà nước Luật Lệnh.
26Võ quan có nhiệm vụ truy bắt tội phạm, trấn áp nổi loạn như hải tặc, sơn tặc, phiến loạn...
đình trung ương sai phái trong các cuộc tranh chấp và dẹp loạn, như trường hợp Kiểm phi vi sứ; (3) Yoshiie là một võ sĩ quyết đoán và hiếu thắng, nhân cơ hội hộ vệ Thiên hoàng đã làm việc động trời là mặc trang phục giản dị (như thể thân phận của võ sĩ) và đi ngay bên cạnh xe của Thiên hoàng.