Khái quát đặc điểm

Một phần của tài liệu Quản lý ngân sách nhà nước cấp xã trên địa bàn huyện thanh sơn, tỉnh phú thọ (Trang 51 - 58)

Phần I : MỞ ĐẦU

Phần II : NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

2.1. Khái quát về đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội của huyện Thanh Sơn, tỉnh

2.1.1. Khái quát đặc điểm

2.1.1.1. Đặc điểm tự nhiên

*Về điều kiện tự nhiên

Thanh Sơn là huyện miền núi nằm ở phía Nam tỉnh Phú Thọ. Phía Đông giáp các huyện Thanh Thủy và Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình; phía Tây giáp các huyện Tân Sơn và Yên Lập; phía Bắc giáp các huyện Tam Nông và Yên Lập; phía Nam giáp thành phố Hòa Bình và các huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Tổng diện tích tự nhiên của Thanh Sơn là 62.177,06 ha, trong đó có: 7.975,6 ha đất nông nghiệp; 4.533,21 ha đất phi nông nghiệp và 4.137,54 ha đất chưa sử dụng.

Huyện Thanh Sơn hiện nay có 23 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 1 thị trấn (thị trấn Thanh Sơn) và 22 xã: Cự Đồng, Cự Thắng, Địch Quả, Đông Cửu, Giáp Lai, Hương Cần, Khả Cửu, Lương Nha, Sơn Hùng, Tân Lập, Tân Minh, Tất Thắng, Thạch Khoán, Thắng Sơn, Thục Luyện, Thượng Cửu, Tinh Nhuệ, Văn Miếu, Võ Miếu, Yên Lãng, Yên Lương, Yên Sơn.

Về cấu tạo địa chất, toàn bộ vùng núi ở Thanh Sơn được cấu tạo bởi đá sa thạch (Grès), đá diệp văn (Schiste) hay đá cuội lẫn phù sa cổ. Đất thường có màu đỏ nâu, vàng nâu thuộc hệ feralít, có tầng màu khá. Trong các vùng thung lũng và dãy núi cao có những rặng đá vôi liên tiếp, ở đó đã tìm thấy đá hoa cương, quặng quý đi kèm đá sợi như amiang ở Đồng Sơn, Xuân Sơn; quặng pirít, pecmatít, mica, sắt, barit... ở Thạch Khoán, Giáp Lai, Cự Thắng...; than đá ở Tinh Nhuệ; vàng sa khoáng có ở nhiều nơi, v.v..

Về cấu tạo địa hình: Đồi núi chiếm tới 90% diện tích toàn huyện. Do tiếp giáp với dãy Hoàng Liên Sơn (dãy núi lớn nhất miền Bắc) nên toàn bộ phía tây bắc huyện là những hệ thống núi cao, có lòng máng thấp dần về phía đông Đông

bắc. Xen kẽ các dãy núi có nhiều thung lũng bằng phẳng như Kim Thượng, Xuân Đài, Lai Đồng, Võ Miếu, Sơn Hùng, Thục Luyện... hay các lũng dọc theo sông, suối do phù sa bồi đắp nên.

Về khí hậu: Thanh Sơn nằm trong vùng khí hậu Trung du Bắc Bộ nhưng có ảnh hưởng mạnh của khí hậu Tây Bắc, có nét điển hình của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình là 23,3°C, mùa khô (từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau, các tháng 4, 5, 6, 7 chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam, nhiệt độ đôi khi lên tới 39-40°C). Đặc biệt, một ngày ở Thanh Sơn, khí hậu có nét đặc trưng của 4 mùa: buổi sáng mát mẻ như mùa Xuân, buổi trưa ấm áp như mùa Hè, buổi chiều mát mẻ như mùa Thu, buổi tối trời se lạnh như mùa Đông.

Thanh Sơn là cửa ngõ chuyển tiếp của khu vực đồng bằng với trung du và miền núi, nằm ở trung độ các tuyến đường lớn như quốc lộ 32A (Hà Nội - Sơn La), đường liên tỉnh như tỉnh lộ 316, 316C, 316D, 313, 313D, 317, 317B,... tạo nên sự giao lưu khá thuận tiện với các địa phương trong và ngoài huyện.

Về dân cư: Thanh Sơn là vùng đất có nhiều dân tộc chung sống đoàn kết, quần tụ bên nhau. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 14 dân tộc, bao gồm: Mường, Dao, Mông, Tày, Thái, Cao Lan, Khmer..., trong đó người Mường chiếm tỷ lệ đông nhất. Năm 2017, toàn huyện có trên 12 vạn người, trong đó người Mường chiếm 59%, người Kinh chiếm 36%, còn lại là các dân tộc khác. [18]

2.1.1.2. Đặc điểm kinh tế - xã hội

* Tình hình kinh tế - xã hội

Theo đánh giá của Dự thảo báo cáo chính trị Đảng bộ huyện Thanh Sơn nhiệm kỳ 2020 – 2025, ttong thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội của các xã trên địa bàn huyện Thanh Sơn có nhiều chuyển biến tích cực.

Về Kinh tế

Từ năm 2015 đến nay, nhìn chung nền kinh tế của huyện duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; các nguồn lực xã hội được phát huy, góp phần thúc đẩy các ngành sản xuất.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện, tiếp tục

thực hiện các nghị quyết chuyên đề, chương trình, đề án (Đề án Phát triển chăn nuôi trâu, bò chất lượng cao giai đoạn 2013 - 2020; Đề án phát triển kinh tế đối rừng giai đoạn 2014 – 2020; Đề án phát triển sản xuất lương thực giai đoạn 2014 - 2020) phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của địa phương với mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình và giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả. Chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, chú trọng phòng trừ sâu bệnh, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng năng suất, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao đạt 2.070 ha (tăng 2.000 ha so với năm 2015); hình thành các hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như: Hợp tác xã chè, hợp tác xã chăn nuôi gà, hợp tác xã thịt chua,…; thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp (Công ty Cosmos sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại xã Yên Sơn); chỉ đạo phát triển nhân rộng trồng cây bưởi Diễn trên đất đồi thấp và diện tích vườn tạp kém hiệu quả; chỉ đạo xây dựng nhãn hiệu và nâng cao chất lượng các cây trồng đặc sản địa phương như: cây chuối phấn vàng, khoai tầng vàng... Khuyến khích trồng mới và chuyển hóa cây gỗ lớn cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây nguyên liệu.

Đến nay, kinh tế tiếp tục phát triển toàn diện trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Theo đánh giá kết quả tổng kết nhiệm kỳ thực hiện nghị quết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Sơn lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2015 - 2020, kết quả thực hiện một số mục tiêu chủ yếu đạt được như sau:

Giá trị tăng thêm theo giá so sánh năm 2010, tăng trưởng bình quân 7,72%, trong đó: Nông, lâm, thủy sản tăng 5,04%; công nghiệp - xây dựng tăng 11,07%; các ngành dịch vụ: tăng 8,81%, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội (Mục tiêu: tăng bình quân 7,7%/năm).

(2) Giá trị tăng thêm bình quân đầu người (theo giá thực tế): dự kiến hết năm 2020 đạt 29 triệu đồng/người/năm, chưa đạt mục tiêu Nghị quyết Đại

hội (Mục tiêu: 33,6 triệu đồng/người/năm).

(3) Cơ cấu kinh tế (theo giá thực tế) chuyển dịch theo hướng hợp lý: Nông, lâm nghiệp 37,3%; Dịch vụ 40,7%; Công nghiệp, xây dựng 22%, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội (Mục tiêu: Tỷ trọng giá trị tăng thêm các ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ chiếm 62%, giá trị tăng thêm ngành Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 38%).

(4) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện giai đoạn 2016-2020 đạt: 4.433,4 tỷ đồng, đạt mục tiêuNghị quyếtĐại hội (Mục tiêu: 4.000 tỷ đồng trở lên).

(5) Thu ngân sách trên địa bàn bình quân tăng 17%, vượt mục tiêu Nghị quyếtĐại hội (Mục tiêu: Tăng bình quân 12%/năm).

(6) Giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất canh tác và nuôi trồng thủy sản (tính theo doanh thu giá hiện hành) đến hết năm 2020 duy trì đạt 100 triệu đồng, đạt mục tiêu Nghị quyếtĐại hội (Mục tiêu: 100 triệu đồng/ha).

(7) Tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa: Ước thực hiện hết năm 2020 đạt 70%, đạt mục tiêu Nghị quyếtĐại hội (Mục tiêu: 70%).

Lĩnh vực đầu tư phát triển được triển khai đồng bộ, các nguồn vốn đầu

tư từ cơ chế, chính sách của Nhà nước được chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả bằng huy động nguồn lực từ đấu giá quyền sử dụng đất, nguồn lực từ tài nguyên khoáng sản, trong đó huy động tối đa nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp và đầu tư trong dân cư. Tích cực tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, ngân sách Tỉnh; chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trên địa bàn.

Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư đạt được kết quả khá, đã đồng ý chấp thuận chủ trương mở rộng tăng quy mô đầu tư triển khai thực hiện các dự án: Khai thác chế biến gỗ, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, dự án trang trại trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp; chăn nuôi gia cầm thương phẩm công nghệ cao, thu hút các doanh nghiệp đầu tư 39 dự án với số vốn đầu tư đăng ký 760 tỷ đồng; 1.480 hộ kinh doanh cá thể đăng ký với số vốn đầu tư 540 tỷ đồng, góp phần tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ.

Lĩnh vực tài chính, ngân sách, tín dụng - ngân hàng được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả

- Về tài chính ngân sách: Chỉ đạo bổ sung, kiện toàn kịp thời Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách và thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn, để hoàn thành các chỉ tiêu thu ngân sách hàng năm. Tập trung khai thác tốt nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, phí, lệ phí,… Chi ngân sách đã đáp ứng đầy đủ các nhu cầu chi thường xuyên, chi đầu tư, đảm bảo an sinh xã hội và các nhiệm vụ đột xuất của huyện; đồng thời thực hiện nghiêm túc tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngân sách và 40% tiền học phí để bố trí chi cải cách tiền lương.

- Hoạt động tín dụng - ngân hàng đã được quan tâm chỉ đạo và có bước phát triển mạnh trên cả hai lĩnh vực huy động vốn và cho vay. Toàn huyện có 07 tổ chức tín dụng - ngân hàng, tăng 01 đơn vị so với năm 2015 (Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu Điện Liên Việt). Ước giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn vốn huy động đạt trên 5.000 tỷ đồng (tăng bình quân 19%/năm); tổng dư nợ cho vay đạt trên 8.000 tỷ đồng (mức tăng bình quân đạt 16%/năm), tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức an toàn theo quy định.

Giáo dục đào tạo

Đến nay, toàn huyện có 81 cơ sở giáo dục, trong đó có 75 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, còn lại là các trường trung học phổ thông, dân

tộc nội trú, trung cấp nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trong đó có 39 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 52%, tăng 24 trường so với năm 2010; 100% số xã có trường mầm non; năm 2013, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; duy trì phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trên 95%/năm; học sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học tăng; chất lượng học sinh giỏi, giáo viên giỏi được xếp trong tốp đầu khối giáo dục và đào tạo của tỉnh; hệ thống giáo dục thường xuyên, phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng được duy trì có hiệu quả.

Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt được kết quả tích cực.

Hệ thống y tế từ huyện đến cơ sở tiếp tục được củng cố; chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được nâng lên. Đến nay, huyện Thanh Sơn có 5/23 trạm y tế đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2012 - 2020; đặc biệt đã động viên được 89,91% dân số tham gia bảo hiểm y tế, tăng 2,74% so với năm 2012. Mạng lưới y tế ngoài công lập phát triển khá nhanh với 11 phòng khám tư nhân; 2 nhà thuốc, 1 chi nhánh dược và trên 50 đại lý bán thuốc chữa bệnh cho người dân. Công tác giám sát phòng, chống dịch bệnh được chỉ đạo chặt chẽ, hiệu quả; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được duy trì; thường xuyên có 99,5% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng mở rộng. Hằng năm, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trên 53.000 người; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, từng bước nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ y, bác sĩ trong các cơ sở y tế công lập, cấp phát 25 loại ấn phẩm, báo, tạp chí, với số lượng trên 1 triệu bản cho vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện thuận lợi cho con em các dân tộc được đến trường...

Về văn hóa, thông tin, thể thao

Đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân có nhiều tiến bộ, không ngừng được cải thiện. Hoạt động văn hóa thông tin, thể dục thể thao diễn ra sôi

động, phong phú, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Nhằm đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” lên một bước mới, huyện đã tăng cường đầu tư các thiết chế văn hóa; củng cố, nâng cấp hệ thống phát thanh, truyền hình; phục hồi một số lễ hội truyền thống của địa phương. Hằng năm, có 75% trở lên số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 100% xã, thị trấn xây dựng được quy ước thực hiện nếp sống văn hóa; trên 90% khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hoá. Huyện tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng, trong đó đáng chú ý là chương trình kỷ niệm 180 năm thành lập huyện và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2013); tham gia chương trình “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam”; tổ chức thành công Đại hội thể dục thể thao lần thứ VII, tham gia Đại hội thể dục thể thao tỉnh Phú Thọ lần thứ VII đạt thành tích cao; chú trọng quản lý, tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử - văn hóa, phát triển các giá trị văn hóa phi vật thể (lập danh mục các di sản cần bảo vệ khẩn cấp gồm: nghệ thuật trình diễn dân gian cồng chiêng, múa Mỡi, trống Đu của dân tộc Mường, Tết nhảy của dân tộc Dao); tập quán xã hội (lễ cưới và lễ tang của dân tộc Mường; lễ cưới, lễ tang, lễ lập tĩnh của dân tộc Dao).

Về quốc phòng, an ninh

Công tác quốc phòng, an ninh được chú trọng chỉ đạo, như ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Tăng cường lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương và xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên giai đoạn 2011 - 2015”; xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân; nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh đến năm 2020; xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh,nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu; quản lý chặt chẽ lực lượng dự bị động viên; tổ chức

diễn tập khu vực phòng thủ huyện, diễn tập chiến đấu trị an với các xã, thị trấn, đưa công tác huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên đi vào nền nếp. Hàng năm, hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân, gọi công dân nhập ngũ. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có bước phát triển mới theo hướng tự quản, tự phòng, tự hòa giải; huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự. Đến nay, huyện đã xây dựng được 285 ban an ninh trật tự/285 khu dân cư với 1.571 tổ liên gia tự quản với khoảng 97,6% số hộ tham gia; trong 5 năm, lực lượng công an xử lý, giải quyết 288 vụ việc, phối hợp quản lý 334 đối tượng tái hòa nhập cộng đồng và các loại đối tượng trong diện quản lý khác; vận động nhân dân tự nguyện ký cam kết không vận chuyển, buôn bán, đốt các loại pháo nổ, gia đình không có thành viên vi phạm pháp luật; điều tra làm rõ 85% đến 90% vụ phạm pháp hình sự; án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng giải quyết đạt 100%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện luôn được giữ vững ổn định. [18]

Một phần của tài liệu Quản lý ngân sách nhà nước cấp xã trên địa bàn huyện thanh sơn, tỉnh phú thọ (Trang 51 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)