4. Kết cấu của luận văn
1.2. Cơ sở lý luận về xây dựng nông thôn mới
1.2.6. Những nhân tố ảnh hưởng đến xây dựng nông thôn mới
Xây dựng nông thôn mới chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố khác nhau tác động đến việc thực hiện chương trình. Cụ thể:
Thứ nhất, hoạt động nông nghiệp luôn luôn chịu sự tác động không nhỏ của những nhân tố thuộc về tự nhiên. Trong khi đó, nông nghiệp lại chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế nông thôn. Điều kiện tự nhiên thuận lợi sẽ tác động tích cực đến phát triển sản xuất nông nghiệp và ngược lại. Do đó, mọi sự biến đổi trong môi trường tự nhiên ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và đời sống dân cư nông thôn.
- Biến đổi khí hậu làm thay đổi tính thích hợp của nền sản xuất nông nghiệp với cơ cấu khí hậu nói chung. Sự thay đổi thời gian các mùa trong năm, nhiệt độ tăng và những biến đổi bất thường của thời tiết làm mất dần hoặc triệt tiêu tính phù hợp giữa các loại cây, con trên các vùng sinh thái. Nước biển dâng, hoang mạc hóa và các thiên tai địch họa như hạn hán, lũ lụt, sạt lở,… diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh và thường xuyên hơn gây ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp và hiệu suất sử dụng đất.
- Biến đổi khí hậu gây nhiều khó khăn cho công tác thủy lợi, khả năng tiêu thoát nước ra biển giảm rõ rệt, mực nước sông ngòi dâng lên làm tăng đỉnh lũ đe dọa tính an toàn của các tuyến đê ngăn lũ, đê bao ở các vùng đồng bằng và ven biển; diện tích ngập úng, ngập mặn ngày càng mở rộng và kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển nông nghiệp.
Các dự báo cũng như những hiện tượng xảy ra trong những năm gần đây cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Là một nước nông nghiệp truyền thống, BĐKH và nước biển dâng không chỉ ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất và sinh hoạt mà còn có nguy cơ đe dọa đến an ninh lương thực của quốc gia trong tương lai không xa nếu không có những biện pháp hiệu quả và lâu dài nhằm kiềm chế tốc độ BĐKH và hạn chế tối đa ảnh hưởng của nó. Bởi hai vựa lúa chính của nước ta là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long đều có khả năng bị ngập úng do tác động của BĐKH.
Mực nước biển dâng sẽ đe dọa trực tiếp đến các quốc gia có dân số cao và kinh tế tập trung vào nông nghiệp và các vùng ven biển như Việt Nam. Theo báo cáo của ngân hàng thế giới (12/2007), nếu nước biển dâng lên 5 mét, Việt Nam có thể mất 16% diện tích, ảnh hưởng nghiêm trọng đến 35% dân số và 35% GDP. Dự báo đến năm 2030, với tốc độ hiện tại, mực nước biển dâng sẽ khiến khoảng 45% diện tích đất của Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ nhiễm mặn nặng nề, làm giảm khoảng 9% năng suất lúa. Dự báo cũng cho rằng mực nước biển dâng 1 mét, phần lớn diện tích đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập trắng phần nhiều thời gian
trong năm. Hiện tượng hạn hán kéo dài và xâm nhập mặn nghiêm trọng trong vài năm trở lại đây tại đồng bằng sông Cửu Long là những báo động cấp bách cho thấy mức độ ảnh hưởng của BĐKH đối với sản xuất nông nghiệp.
Từ những ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên nói chung và những tác động của BĐKH đối với sản xuất nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới cần có những bước đi thích hợp và kịp thời nhằm giải quyết cả những khó khăn trước mắt và đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ hai, thể chế và hệ thống chính sách của Nhà nước có tác động quan trọng đối với việc xây dựng nông thôn mới trong từng thời kỳ. Xây dựng NTM là một vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực, chịu chi phối bởi nhiều chính sách khác nhau tác động đến khu vực nông thôn. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, chính sách đúng đắn về nông nghiệp nông thôn giữ vị trí chủ đạo, là nhân tố đảm bảo sự thắng lợi trong mỗi thời kỳ phát triển. Thực tiễn cho thấy, tác động của chính sách là một nhân tố quan trọng đưa nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trải qua nhiều bước phát triển vượt bậc. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, thiếu lương thực trở thành một nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế nông nghiệp và đời sống của cư dân nông thôn. Như vậy, thể chế, chính sách của Nhà nước tác động trực tiếp đến quy mô, nội dung và các tiêu chí của xây dựng nông thôn mới.
Thứ ba, xây dựng NTM chịu ảnh hưởng của quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Đối với một nước đang phát triển xuất phát điểm từ nền kinh tế nông nghiệp, dân số chủ yếu sống ở nông thôn, lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn là mũi nhọn đột phá nhằm giải phóng sức lao động của nông dân, tạo điều kiện khai thác tối ưu tiềm năng dồi dào về lao động. Đồng thời, CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn cũng chính là nâng cao khả năng khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai vô cùng phong phú của nông thôn. Như vậy, có thể nói CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn vừa tạo ra tiền
đề, vừa chỉ ra mục tiêu của xây dựng NTM. Bởi nhìn chung, CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn tác động đến nhiều khía cạnh của sản xuất nông nghiệp và thể chế nông thôn. Một là, nó làm thay đổi, biến dạng và chia nhỏ các đơn vị sản xuất nông nghiệp, các ngành công nghiệp khởi động và nhanh chóng chiếm các dư địa của sản xuất nông nghiệp, tỷ trọng của ngành nông nghiệp giảm dần. Hai là, sự phi nông hóa trong nông nghiệp làm cho số lượng lao động trong các ngành phi nông nghiệp ngày càng tăng. Ba là, quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh làm cho bộ mặt nông thôn chuyển biến nhanh chóng. Đời sống người dân nông thôn có nhiều thay đổi tích cực, kết cầu hạ tầng nông thôn ngày càng được củng cố và tăng cường thông qua các chương trình xây dựng NTM.
Thứ tư, sự tham gia của nông dân vào xây dựng NTM ảnh hưởng không nhỏ đến quy mô và hiệu quả thực hiện. Xây dựng NTM là một trong những nội dung quan trọng của CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn trong đó nông dân là chủ thể chủ yếu và tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng kết cầu hạ tầng, phát triển KT-XH và bảo vệ môi trường. Sự tham gia của nông dân vào xây dựng NTM được coi là nhân tố quan trọng, quyết định sự thành bại của việc áp dụng phương pháp tiếp cận phát triển dựa vào nội lực và do cộng đồng làm chủ trong xây dựng NTM. Khi trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng NTM cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, cư dân nông thôn sẽ từng bước tăng cường kỹ năng, năng lực quản lý nhằm khai thác triệt để những lợi thế của cộng đồng.
Thứ năm, một trong những nhân tố vô cùng quan trọng là các nguồn lực xây dựng NTM. Trong chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 có đề cập vốn và nguồn vốn để thực hiện chương trình như sau: nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 40%, vốn tín dụng 30%, vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác 20% và huy động đóng góp của cộng đồng dân cư khoảng 10%. Tuy nhiên, thực tế triển khai Chương trình cho thấy ngoài những kết quả tích cực, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ rất hạn hẹp, còn chưa đảm bảo theo cam kết; nguồn vốn hỗ trợ chuyển chậm đã ảnh hưởng đến kế hoạch, tiến độ triển khai các hạng mục của nhiều địa phương; nguồn vốn huy động từ dân cư có
xu hướng tăng trong những năm đầu nhưng sau đó giảm mạnh. Cơ chế huy động vốn của các địa phương chưa đủ thuyết phục để thu hút sự tham gia của các chủ thể kinh tế. Có thể nói, vốn là điều kiện tiên quyết để thực hiện tốt Chương trình xây dựng NTM, có tác động đến quy mô, tiến độ và mục tiêu của chương trình.
Thứ sáu, nhân tố con người luôn có tác động quyết định lên quá trình thực hiện của mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Đối với việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, nhân tố con người có thể được hiểu theo hai khía cạnh chính. Một là, trình độ dân trí của cư dân nông thôn quyết định trình độ nhận thức và mức độ tham gia đóng góp cho công cuộc xây dựng NTM của từng địa phương và trên cả nước nói chung. Hai là, trình độ của đội ngũ nhân lực quản lý, thực thi các chính sách có liên quan đến chương trình đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các nội dung, nhiệm vụ và công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện Chương trình. Thực tế cho thấy, cả hai khía cạnh này hiện chưa đồng đều giữa các địa phương gây khó khăn trong việc triển khai có hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng NTM trên phạm vi cả nước nhất là ở các vùng sâu xa, vùng đặc biệt khó khăn.