4. Kết cấu của luận văn
3.3. Một số đánh giá chung về Chƣơng trình xây dựng nông thôn mới trên
3.3.2. Những hạn chế và nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, huyện Lâm Bình còn gặp phải những khó khăn, vướng mặc trong quá trình triển khai chương trình. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, việc triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM chưa đồng đều và toàn diện trên địa bàn toàn huyện. Do đó, đến cuối năm 2015, mới chỉ có xã Thượng Lâm hoàn thành 19/19 tiêu chí để đạt xã chuẩn NTM. Các xã đặc biệt khó khăn như Xuân Lập, Phúc Yên chưa được quan tâm đầu tư đúng mực, đời sống nhân dân còn chênh lệch tương đối lớn giữa các vùng.
Thứ hai, nhận thức của nhân dân ở một số nơi về xây dựng nông thôn mới dù đã từng bước được nâng lên song vẫn có mặt còn hạn chế. Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số chưa được nâng cao trình độ dân trí, văn hóa nên khả năng tiếp thu các kiến thức, kinh nghiệm được tuyên truyền chưa cao. Tồn tại một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước. Cơ sở vật chất văn hóa của một số thôn, bản chưa hoàn thiện gây khó khăn cho công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân.
Thứ ba, một số tiêu chí quan trọng như: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, y tế, môi trường ở các địa phương vẫn còn thấp so với yêu cầu của bộ tiêu chí nông thôn mới. Hầu hết các xã trên địa bàn huyện chưa hoàn thành được các tiêu chí về xây dựng kết cấu hạ tầng và quy hoạch nông thôn, gây khó khăn cho việc thực hiện các tiêu chí khác.
Thứ tư, cũng như hầu hết các vùng nông thôn cả nước, Chương trình xây dựng NTM của huyện Lâm Bình chỉ chú trọng nhiều đến xây dựng kết cấu hạ tầng mà chưa đặc biệt quan tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Điều này phản ánh, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân chưa nhận thức rõ vai trò của phát triển sản xuất đối với xây dựng NTM bền vững. Sản xuất thuần nông manh mún, nhỏ lẻ và tự cấp tự túc vẫn là hình thức chủ yếu khiến cho kinh tế- xã hội phát triển rất chậm, thu nhập bình quân đầu người chưa đạt mức trung bình của tỉnh. Mặc dù được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh thuận lợi cho phát triển du lịch và các dịch vụ phụ trợ, song huyện Lâm Bình chưa khai thác được tiềm năng và phát huy thế mạnh của địa phương.
Thứ năm, nguồn ngân sách Nhà nước cho xây dựng nông thôn mới rất hạn hẹp gây nhiều khó khăn cho việc triển khai nhiều dự án trọng điểm, đặc biệt là những dự án mang tính tiền đề quan trọng như xây dựng cơ bản. Do đó, hầu hết các địa bàn nông thôn cả nước đều phải huy động một lượng vốn tín dụng tương đối lớn, thậm chí nhiều địa phương không khả thi trong việc hoàn vốn tín dụng gây tình trạng nợ đọng nghiêm trọng. Tính đến cuối năm 2015, tổng số nợ đọng tín dụng cho xây dựng NTM trên cả nước đã lên đến gần 16.000 tỷ đồng (VTC16-2016). Huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cũng không ngoại lệ. Trong 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện đã huy động trên 166 tỷ đồng từ nguồn vốn tín dụng và đến nay con số dư nợ vẫn còn rất cao cần thời gian dài và những chính sách phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc để giải quyết vấn đề nan giải này.
Lý giải cho các hạn chế trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. Cụ thể:
+ Về nguyên nhân khách quan:
Thứ nhất là thiếu nguồn lực tài chính cho triển khai chương trình. Tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài dẫn đến nguồn ngân sách Nhà nước cho triển khai các chương trình xây dựng nông thôn mới nói chung rất
hạn chế; đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội của bất kỳ quốc gia nào, bất kỳ vùng nào. Đặc biệt, là một huyện vùng núi cao với xuất phát điểm rất thấp, nguồn lực tài chính cho xây dựng nông thôn mới của huyện Lâm Bình luôn trong tình trạng không đáp ứng được đòi hỏi thực tế chứ chưa nói đến hoàn thành các tiêu chí chuẩn quốc gia. Thiếu vốn dẫn đến việc thực hiện các dự án xây dựng hệ thống kết cầu hạ tầng kinh tế - xã hội không đảm bảo được tiến độ, thậm chí không thực hiện được là một trong những nguyên nhân cơ bản kìm hãm sự phát triển của huyện và phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương.
Thứ hai, địa hình vùng núi cao hiểm trở, hệ thống kết cấu hạ tầng yếu kém, đặc biệt là hệ thống giao thông chưa phát triển làm cho huyện Lâm Bình không có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Trong khi đó, ngành công nghiệp và dịch vụ của tỉnh Tuyên Quang nói chung và ở các vùng đô thị cũng như nông thôn của các địa bàn khác trong tỉnh có điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển còn chưa khai thác hết tiềm năng. Do đó, rất khó để đưa các dự án đầu tư phát triển trọng điểm về huyện vùng cao Lâm Bình nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện, phục vụ xây dựng một huyện NTM bền vững theo hướng hiện đại.
+ Về nguyên nhân chủ quan:
Thứ nhất, công tác chỉ đạo còn nóng vội và chưa đồng đều giữa các xã trong huyện. Một số xã còn lúng túng trong việc xác định lộ trình, giải pháp và hướng đi cụ thể phù hợp với điều kiện của địa phương; vẫn còn tâm lý ỷ lại của một bộ phận cán bộ cơ sở và người dân trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, nhiều đề án quy hoạch và phát triển nông thôn của các xã còn nặng hình thức, chưa có chiều sâu và thiếu tính khả thi đối với thực lực của địa phương. Điều này phần là do áp lực chỉ tiêu từ phía trên, phần là do nguồn nhân lực quản lý cấp xã, huyện còn rất hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Do đó, chưa đủ sức tiếp thu và sáng tạo để đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm đưa các Nghị quyết, chương trình mục tiêu, kế hoạch của Nhà nước trong điều kiện thực tiễn của từng địa bàn.
Thứ hai, là huyện mới thành lập, công tác ổn định và hoàn thiện bộ máy tổ chức đôi khi còn chậm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, xuất phát điểm thấp, dân cư rải rác, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số trình độ dân trí thấp làm cho công tác chỉ đạo, tuyên truyền và thực hiện chưa đạt hiệu quả cao.
CHƢƠNG 4
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN LÂM BÌNH GIAI ĐOẠN 2016-2020