4. Kết cấu của luận văn
1.3. Cơ sở thực tiễn về xây dựng nông thôn mới
1.3.1. Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam
Thực hiện Nghị quyết trung ương 7 (khóa X), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới tại Quyết định 491/QĐ-TTg, ngày 16/4/2009 và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020. Ngày 01 tháng 7 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1013/QĐ- TTg Thành lập Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010 – 2020. Ban Chỉ đạo Trung ương có 24 thành viên, do đồng chí Nguyễn Sinh Hùng – Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát làm Phó trưởng ban thường trực. Ban chỉ đạo Trung ương đã ban hành Quy chế hoạt động (tại quyết định 437/QĐ-BCĐXDNTM, ngày 20/9/2010) và Kế hoạch triển khai Chương trình
mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 (tại quyết định 435/QĐ-BCĐXDNTM, ngày 20/9/2010).
Theo Cục kinh tế hợp tác Phát triển nông thôn (công bố tại hội nghị ngày 15/2/2011), đến tháng 2 năm 2011, có 60 tỉnh chọn xã làm điểm chỉ đạo trước khi nhân ra diện rộng (766 xã/119 huyện), trong đó đa số lựa chọn 4-10 xã (chiếm 3- 4%). Một số tỉnh chọn số xã làm điểm lớn như Phú Yên 22%, Đồng Tháp 25%, Hà Giang 23%, Lào Cai 31%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT, ngày 21 tháng 8 năm 2009, về “Hướng dẫn dẫn thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới” và Thông tư 07/2010/TT-BNNPTNT, ngày 08/02/2010 về “Hướng dẫn quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cấp xã”.
Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 21/2009/TT-BXD, ngày 30/6/2009 về “Quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn”; Thông tư số 31/2009/TT-BXD ngày 10/9/2009 về “Ban hành tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng nông thôn” và Thông tư số 32/2009/TT-BXD, ngày 10/9/2009 về “Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng nông thôn”; Thông tư 09/2010/TT-BXD ngày 4/8/2010 và Sổ tay Hướng dẫn lập quy hoạch NTM.
Liên Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHDT- BTC, ngày 13 tháng 4 năm 2011 để hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020.
Các Bộ, ngành khác đều đã căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện Chương trình, tập trung thực hiện một số nội dung quốc gia xây dựng NTM theo chỉ đạo của Chính phủ.
Năm 2011, Chính Phủ đã quyết định chi 1.600 tỷ đồng (trong đó vốn sự nghiệp 1.100 tỷ đồng) cho các địa phương thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Từ khi nghị quyết 26 ra đời, vấn đề xây dựng NTM luôn tập trung sự chú ý
và quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, các ngành cũng như sự quan tâm của người dân ở các vùng nông thôn.
Xây dựng NTM là nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị xã hội, cần huy động sức mạnh của toàn dân. Thời gian qua nhiều địa phương khác nhau đã triển khai thí điểm chương trình xây dựng NTM theo bộ tiêu chí quốc gia và đã rút được nhiều bài học kinh nghiệm triển khai chương trình trên diện rộng.
1.3.2. Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương
1.3.2.1. Kinh nghiệm từ xây dựng nông thôn mới ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ
Thanh Ba là huyện miền núi phía tây bắc tỉnh Phú Thọ với diện tích tự nhiên toàn huyện là 195,0343 km²; dân số trêm 113 nghìn người (UBND tỉnh Phú Thọ- 2009). Hành chính huyện gồm 1 thị trấn và 26 xã. Thanh Ba là huyện giàu tiềm năng đất đai có khả năng phát triển và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa, chất lượng đất tốt, nguồn nước phong phú, khí hậu thuận lợi để tạo điều kiện cho cây lúa, rau màu và cây nông nghiệp phát triển. Đặc điểm địa hình đồi gò xen kẽ, thung lũng, chạy dài dọc theo sông Hồng nên huyện có điều kiện phát triển trồng cây trên đất bãi phù sa; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản trên mặt nước. Từ một vùng đất chỉ với sản xuất nông nghiệp là chính, hiện tại huyện đã hình thành một cụm công nghiệp lớn. Kinh tế phát triển với tốc độ tăng trưởng khá, chính trị, xã hội ổn định. Diện mạo làng quê đã thay đổi, có sự bứt phá toàn diện.
Theo báo cáo số 01/BC-UBND ngày 15/1/2015 của UBND huyện Thanh Ba về đánh giá kết quả 04 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM có thể thấy những thành tựu và khó khăn trong quá trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện được tổng hợp chi tiết và toàn diện.
Về công tác chỉ đạo, thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, huyện ủy đã ban hành Nghị quyết về xây dựng NTM huyện Thanh Ba đến năm 2020. Hội đồng nhân dân huyện Thanh Ba đã có Nghị quyết số 105/2010/NQ-HĐND ngày
30/12/2010 về xây dựng nông thôn mới huyện Thanh Ba đến năm 2020; UBND huyện đã ban hành Quyết định số 532/QĐ-UBND ngày 6/4/2010 về việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Thanh Ba; Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 22/7/2010 của UBND huyện về việc triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng NTM huyện đến năm 2020 trong đó xác định lộ trình cụ thể từng giai đoạn.
Về công tác tuyên truyền, huyện tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn và nông dân; nội dung của chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn huyện, đặc biệt nêu cao vai trò của mặt trận tổ quốc các cấp và các đoàn thể với phương châm “vào từng ngõ, đến từng nhà” nhằm nâng cao nhận thức của từng người dân về xây dựng NTM. Đồng thời, huyện cũng tổ chức phong trào thi đua xây dựng NTM nhằm tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao. Hưởng ứng cuộc vận động “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” của Chính phủ, UBND huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Toàn huyện chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015” nhằm phát huy tối đa sức mạnh toàn dân trong xây dựng NTM.
Về kết quả thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, đến ngày 31/12/ 2014, toàn huyện có 12/26 xã đạt 7-9 tiêu chí; 10/26 xã đạt 10-14 tiêu chí; 3/26 xã đạt 15-18 tiêu chí; và 1/26 xã đạt 19 tiêu chí.
Về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản nhằm tăng năng suất, sản lượng; áp dụng cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch đã đạt những hiệu quả thiết thực. Các chương trình nông nghiệp trọng điểm được triển khai tích cực đã góp phần đưa tăng trưởng của ngành nông nghiệp hàng năm đạt từ 5-7%. Các dự án phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả của các Hợp tác xã được hỗ trợ trực tiếp từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới với tổng nguồn lực đạt 21.523,76 triệu đồng.
Về xây dựng cở sở hạ tầng nông thôn, tổng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ là: 29.809 triệu đồng, kinh phí do nhân dân đóng góp khoảng 8.500 triệu đồng đã hỗ
trợ đầu tư xây dựng 46 công trình cơ sở hạ tầng thiết gồm: 41 công trình giao thông liên xã, liên thôn, ngõ xóm; 3 công trình thủy lợi, 01 công trình chợ; 01 công trình Trung tâm văn hóa thể thao xã.
Về phát triển văn hóa, xã hội và môi trường, toàn huyện đạt 82,5% gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa, 95,7% khu dân cư văn hóa, 100% khu dân cư có nhà văn hóa; huyện đã hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế, đến nay tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt 80% (theo tiêu chí nông thôn mới là 70%); Toàn huyện đã có 29 trường đạt chuẩn quốc gia, 454 phòng lớp học đạt kiên cố với kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng; tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đến nay đạt trên 90%; Các cấp ủy chính quyền đã chỉ đạo tích cực nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, bình quân mỗi năm tỷ lệ giảm nghèo giảm 3,6%; Xây dựng mới được hàng nghìn ngôi nhà cho hộ nghèo và gia đình chính sách.
Về xây dựng hệ thống chính trị và giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, tình hình an ninh, trật tự ở nông thôn được giữ vững, thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; đến nay 88,5% xã đạt tiêu chí về An ninh trật tự.
Bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ, công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn huyện Thanh Ba cũng gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định. Kết quả thực hiện chương trình không đạt so với kế hoạch đề ra, một số xã không đạt chuẩn đúng mục tiêu kế hoạch. Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn mới khó khăn về nguồn lực đầu tư, chủ yếu vẫn dựa vào vốn ngân sách nhà nước trong khi nguồn lực hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước còn rất hạn chế; nguồn lực huy động từ doanh nghiệp và sức dân hết sức khó khăn. Công tác phát triển sản xuất, cơ cấu sản xuất ở nhiều xã còn mang nặng tính tự phát, ruộng đất còn manh mún; liên kết sản xuất giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà khoa học còn ít; do đó chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Nguyên nhân của những hạn chế kể trên được chỉ ra là do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nói chung trong khi xuất phát điểm của các khu vực nông thôn miền núi như Thanh Ba lại rất thấp; các văn bản chỉ đạo đôi khi chưa kịp
thời và bám sát điều kiện thực tế; nguồn lực tài chính hạn chế; cán bộ chỉ đạo kiêm nhiệm; công tác chỉ đạo còn nóng vội và việc lựa chọn mục tiêu, giải pháp, lộ trình thiếu đồng bộ.
1.3.2.2. Kinh nghiệm của huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang
Yên Minh là một huyện vùng cao núi đá phía bắc tỉnh Hà Giang, với diện tích tự nhiên là 78.185 ha, trong đó hơn 16 ha là đất nông nghiệp; dân số là 82.229 người (UBND huyện Yên Minh-2013). Hành chính toàn huyện có 17 xã, 1 thị trấn.
Là huyện vùng cao miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh, trước năm 2010, khi chưa thực hiện chương trình xây dựng NTM, kinh tế của huyện phát triển chậm, sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển chưa bền vững; đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền huyện đã xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều việc làm cụ thể, thiết thực.
Trong công tác chỉ đạo, huyện đã ban hành một số văn bản chi tiết nhằm triển khai có hiệu quả chương trình MTQG xây dựng NTM như Nghị quyết số 04- NQ/TU ngày 28/4/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ về xây dựng NTM huyện Yên Minh đến năm 2020; Quyết định số 647/QĐ-UBND ngày 12/3/2010 của UBND huyện về việc phê duyệt và ban hành Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM huyện Yên Minh; Nghị quyết số 74/2012/NQ-HĐND ngày 12/12/2012 HĐND huyện khoá XVI, kỳ họp thứ 6 ban hành định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các chương trình thuộc chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyên Yên Minh giai đoạn 2013-2020.
Về công tác tuyên truyền, ban Tuyên giáo huyện ủy đã tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền về xây dựng NTM được 25 hội nghị tuyên truyền tại huyện, xã, thôn với 6.650 lượt người nghe; Ban Dân vận huyện ủy phối hợp với Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với xây dựng NTM năm 2012 của huyện và nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân
cư” gắn với xây dựng NTM để chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và đạt kết quả cao.
Xác định tầm quan trọng của chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới, những năm qua ngoài việc tranh thủ sự hỗ trợ từ Nhà nước, từ các dự án, huyện Yên Minh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay xây dựng giao thông nông thôn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, qua đó ngày càng phát huy tinh thần làm chủ, tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Để việc triển khai được thuận lợi, cấp uỷ, chính quyền các xã trên địa bàn huyện đã huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành; Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đoàn kết, tập hợp, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện được vận hành nhuần nhuyễn, đồng bộ, hiệu quả. Thực tế trên cho thấy, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, thực hiện nghiêm quy chế dân chủ để huy động trí lực, vật lực của nhân dân là yêu cầu không thể thiếu của bất cứ địa phương nào khi triển khai chương trình xây dựng Nông thôn mới.
Xét trên bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, tính đến năm 2015, toàn huyện có 01 xã đạt 16 tiêu chí; 02 xã đạt 13 tiêu chí; 05 xã đạt từ 10-12 tiêu chí; Từ 6- 9 tiêu chí có 9 xã, còn lại 01 xã đạt từ 3-5 tiêu chí.
Bên cạnh đó, việc phát huy nội lực cộng đồng thi đua xây dựng NTM đã được huyện quan tâm triển khai thực hiện. Đã tổ chức phát động các đợt phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM như ngày thứ 7 hướng về thôn bản; tổ chức các đợt ra quân tham gia sửa chữa, mở mới đường giao thông nông thôn... Qua đó, đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ của cán bộ, đảng viên, các tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện. Tổng số tiền ủng hộ qua các lần tổ chức phát động cấp huyện, cấp xã trên 3,5 tỷ đồng và 40 nghìn viên gạch không nung. Tại các xã đã tiến hành vận động nhân dân tham gia đóng góp được gần 880 nghìn ngày công; hiến đất được trên 170 nghìn m2 để thực hiện các công trình cơ sở
hạ tầng nông thôn; mở mới đường giao thông liên thôn và liên cụm dân cư được gần 244 km; sửa chữa, nâng cấp đường được trên 368 km.
Huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó, các tầng lớp nhân dân đã phát huy thế mạnh của gia đình và địa phương, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Nông dân toàn huyện đã dựa vào lợi thế, điều kiện tự nhiên thuận lợi của từng vùng để tập trung vào các mô hình như: Chăn nuôi trâu bò, gà vịt, phát triển các loại cây trồng