4. Kết cấu của luận văn
3.1. Giới thiệu chung về huyện Lâm Bình – Tuyên Quang
3.1.1. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên
Huyện Lâm Bình cách trung tâm Thành phố Tuyên Quang 150 km về phía Bắc, được thành lập theo Nghị quyết số 07-NQ/CP ngày 28 tháng 1 năm 2011 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Na Hang và huyện Chiêm Hóa để thành lập huyện Lâm Bình.
Theo đó, huyện Lâm Bình có diện tích 78.152,17 ha diện tích tự nhiên; phía đông giáp huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang; phía bắc và đông bắc giáp huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang; phía tây và tây bắc giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang; phía nam giáp huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Lâm Bình được coi là huyện vùng cao, vùng sâu, xa của tỉnh Tuyên Quang với 08 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các xã: Lăng Can, Thượng Lâm, Khuôn Hà, Phúc Yên, Xuân Lập, Bình An, Thổ Bình và Hồng Quang. Trung tâm huyện được đặt tại xã Lăng Can.
Với 2.444,12 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp và 68.985,15 ha đất lâm nghiệp (trong đó đất rừng sản xuất 15.810,41 ha, rừng phòng hộ 48.771,44 ha), kinh tế huyện Lâm Bình có thể nói là thuần nông-lâm nghiệp. Địa hình chủ yếu là núi cao có độ dốc lớn, nhiều khe suối chia cắt. Độ cao phổ biến là 300 - 600m và thấp dần từ bắc xuống nam trong đó có nhiều ngọn núi có độ cao trên 1000m. Do đó điều kiện xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội vô cùng khó khăn. Nhìn chung, địa hình của huyện bị chia cắt mạnh, hiểm trở, việc đi lại khó khăn hơn so với các vùng khác. Xen kẽ đồi núi là các thung lũng to nhỏ, rộng hẹp khác nhau, có thể canh tác được.
Về khí hậu, cũng giống như hầu hết các vùng núi cao của tỉnh Tuyên Quang, khí hậu huyện Lâm Bình mang đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của khí hậu lục địa Bắc Á Trung Hoa có 2 mùa rõ rệt: Mùa đông lạnh - khô hạn và mùa hè nóng ẩm - mưa nhiều. Mưa bão tập trung từ tháng 5 đến tháng 8 và thường gây ra lũ lụt, lũ quét. Các hiện tượng như mưa đá, gió lốc thường xảy ra trong mùa mưa bão với lượng mưa trung bình hàng năm cao. Đặc trưng của vùng này là có mùa đông kéo dài (khoảng 5-6 tháng, từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau), nhiệt độ trung bình năm là 22,3oC (các tháng mùa đông 10- 12oC, mùa hạ 25- 26oC), lượng mưa 1730 mm, thường xuất hiện sương muối về mùa đông, gió lốc và gió xoáy vào mùa hạ.Nhìn chung khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, nhất là đối với nông nghiệp. Với một mùa đông lạnh, nơi đây có khả năng sản xuất được cả các sản phẩm nông nghiệp của cân nhiệt và ôn đới. Tuy nhiên, các hiện tượng như sương muối, mưa đá, lốc, bão…đã có ảnh hưởng nhiều đến đời sống và sản xuất của nhân, đặc biệt là đối với nông, lâm nghiệp vốn đã gặp nhiều khó khăn.
Rừng Lâm Bình có thảm thực vật rất phong phú, đa dạng, có các loại gỗ quý hiếm như: đinh, lim, nghiến, trai, sồi, lát hoa, pơ mu, thông đá, tre nứa, vầu, kháo. Tuy tiềm năng tài nguyên rừng lớn, nhưng do tập quán du canh phát nương làm rẫy từ lâu đời, do ý thức bảo vệ phát triển rừng chưa cao, khai thác gỗ và săn bắt động vật bừa bãi... làm cho vốn rừng, quỹ động thực vật ngày càng cạn kiệt, nhất là các loại gỗ quý, động vật quý hiếm không còn trên địa bàn huyện. Cây trồng trong nông nghiệp chủ yếu là cây lúa và cây ngô, ngoài ra còn trồng một số loại cây khác như sắn, dong giềng, đậu tương, lạc. Do các yếu tố tự nhiên, cây lúa Lâm Bình phát triển rất tốt cho chất lượng gạo cao được thị trường trong ngoài và tỉnh biết đến, người tiêu dùng ca ngợi. Xuất phát từ đặc điểm địa hình, đất đai và khí hậu, huyện còn phát triển trồng các loại cây công nghiệp như chè, trẩu; cây ăn quả như xoài, mận, đào... và nhiều loại cây thuốc nam quý. Trên địa bàn huyện, nhiều khu rừng nguyên sinh vẫn còn tồn tại đóng vai trò quan trọng đối với môi trường sinh thái và khí hậu của vùng.
Về khoáng sản, qua thăm dò, khảo sát, huyện Lâm Bình có mỏ Antimon với trữ lượng khai thác hàng năm ước tính 350 tấn và nhiều mỏ chưa khai thác. Ngoài ra còn phát hiện một số mỏ chì, kẽm chưa xác định được trữ lượng.
Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, xuất phát điểm rất thấp; kinh tế - xã hội còn rất nhiều khó khăn, do đó khả năng để thúc đẩy sự phát triển của huyện có tính đột phá, trong một thời gian ngắn là thách thức vô cùng lớn đối với Đảng, chính quyền các cấp và nhân dân trên địa bàn huyện. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Lâm Bình còn mang nặng tính tự cấp, tự túc, tính trông trờ ỷ lại cao đồng thời trình độ dân trí nói chung còn rất thấp. Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc còn giữ lại được khá phong phú và đặc sắc. Đây vừa là khó khăn nhưng cũng là những nét đặc thù, là lợi thế trong quá trình xây dựng NTM của huyện.
3.1.2. Điều kiện Kinh tế - xã hội
Lâm Bình là huyện mới thành lập, có tài nguyên thiên nhiên tương đối đa dạng nhưng chưa được khai thác có hiệu quả. Xuất phát điểm từ nền kinh tế chủ yếu là tự cung, tự cấp của các đồng bào dân tộc thiểu số trình độ rất thấp, chưa được quan tâm đầu tư ở những giai đoạn trước phân định địa giới, kinh tế thuần nông-lâm nghiệp Lâm Bình Yên còn rất nhiều khó khăn.
Dân số của huyện khoảng 29.459 người (năm 2011) với trên 10 dân tộc anh em cùng sinh sống xen kẽ ở 75 thôn, bản, trong đó dân tộc Tày chiếm trên 60%. Là huyện vùng sâu, vùng xa chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí còn rất thấp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt và tiếp cận hệ thống an sinh xã hội nói chung.
Kinh tế huyện chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và trồng rừng với những kỹ thuật canh tác tương đối thô sơ và lạc hậu của các đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm gần đây, nông-lâm nghiệp của huyện đã và đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Đảng bộ đã tập trung chỉ đạo thâm canh, tăng vụ, đưa giống cây trồng có năng xuất cao vào sản xuất. Tích
cực tuyên truyền, phối hợp với Trạm khuyến nông mở các lớp tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tập trung nâng câp các công trình thủy lợi đã tăng dần diện tích sản xuất hai vụ lúa, tăng hệ số sử dụng đất.
Về chăn nuôi, trên địa bàn huyện, chăn nuôi chủ yếu là trâu, bò, ngựa, dê và lợn để lấy thịt, sức kéo và phân bón phục vụ sản xuất. Ngoài ra còn chăn nuôi các loại gia cầm như: gà, vịt, ngan, cá và nuôi ong mật...Sản xuất thủ công nghiệp của huyện nhìn chung chưa phát triển, cơ cấu kinh tế của huyện chủ yếu vẫn là nông - lâm nghiệp. Trong những năm gần đây đã hình thành và phát triển thêm một số ngành nghề khác như khai thác đá xây dựng, chế biến nông sản (say sát ngô, lúa)... nhưng quy mô còn nhỏ, phân tán, khả năng sản xuất thấp.
Mặc dù, có điều kiện phát triển công nghiệp khai khoáng, đặc biệt là mỏ đá và quặng Antimon nhưng do điều kiện giao thông vận tải và kết cấu hạ tầng KT-XH rất kém phát triển. Do đó, mãi đến cuối năm 2014, đầu năm 2015, một số dự án công nghiệp, trong đó trọng điểm là dự án đầu tư xây dựng nhà máy luyện Antimon tại xã Bình An, huyện Lâm Bình mới bắt đầu những bước thực hiện đầu tiên.
Về phát triển dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, đáp ứng sản xuất, đời sống của nhân dân, huyện đã quan tâm tạo điều kiện, khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn như chế biến lâm sản, dịch vụ vận tải, hàng tạp hóa.... đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 90%. Đồng thời, Lâm Bình cũng được Nhà nước đầu tư xây dựng chợ trung tâm xã, đáp ứng nhu cầu về giao lưu buôn bán, hàng hóa, kinh doanh dịch vụ, tăng thu nhập nâng cao đời sống của nhân dân, làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng. Dịch vụ du lịch được quan tâm đầu tư phát triển. Các hoạt động du lịch văn hóa và tâm linh với nhiều lễ hội truyền thống như lễ hội Lồng Tông, các phiên chợ vùng cao, đền Pú Bảo, chùa Phúc Lâm và các lễ hội của các đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang đem đến những tiềm năng lớn cho kinh tế dịch vụ của huyện. Ngoài ra, Lâm Bình còn có nhiều danh thắng núi non điệp trùng, sơn thủy hữu tình thu hút được sự quan
tâm của khách thập phương, nổi bật là lòng hồ thủy điện Tuyên Quang và 99 ngọn núi ở xã Thượng Lâm được mệnh danh là “Hạ Long cạn giữa đại ngàn” hùng vĩ.
Trong những năm qua, dù tỷ lệ hộ nghèo đã và đang có xu hướng giảm song vẫn còn rất cao, trình độ phát triển kinh tế- xã hội của huyện Lâm Bình so với các huyện khác trong tỉnh còn chênh lệch rất lớn cần sự quan tâm đầu tư thỏa đáng của địa phương trong thời gian tới, nhất là đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân Lâm Bình.