Dự báo tình hình kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nâng cao năng lực cạnh tranh của dịch vụ Khách hàng cá nhân cao cấp tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quân Đội (Trang 95 - 96)

4.1. Định hướng phát triển dịch vụ khách hàng cá nhân cap cấp tại Ngân hàng

4.1.1. Dự báo tình hình kinh tế xã hội

Năm 2017 kết thúc với một con số ấn tượng: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao nhất kể từ năm 2009 đến nay và đạt 6,81%; Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với 2016, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra; tín dụng tăng trưởng 18,24%; lãi suất cho vay giảm nhẹ (phổ biến giảm 0,5% năm) thanh khoản của các tổ chức tín dụng bảo đảm; tỷ giá cơ bản ổn định. Xuất khẩu tăng 21,2%; nhập khẩu tăng 20,6% so với 2016; xuất siêu: 2,9 tỷ USD; dự trữ ngoại tệ tăng; cán cân vãng lai thặng dư liên tục 7 năm liền.

Tiếp đà đó, quý I/2018 ghi nhận mức tăng trưởng 7,39%, cao nhất so với các quý I kể từ 2009 đến nay. Lạm phát ở mức thấp, so với tháng 12/2017 tăng 0,97%, so với tháng 3/2017 tăng 2,66%, so với tháng 2/2018 giảm 0,27%.

Việt Nam đạt được những con số ấn tượng trên là nhờ những động lực tăng trưởng của nền kinh tế như: môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, đầu tư nước ngoài FDI tăng; tăng trưởng xuất khẩu, thúc đẩy công nghiệp chế tạo, chế biến tăng cao; sự phục hồi mạnh mẽ của ngành nông nghiệp và nhu cầu nội địa tăng.

Theo các chuyên gia kinh tế, kinh tế thế giới trong các năm 2018 và 2019 được dự báo tăng trưởng tốt hơn 2017. IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu đạt mức 3,9% trong hai năm 2018 và 2019. Các tổ chức tài chính khác cũng dự báo tăng trưởng tích cực hơn 2017. Đó sẽ là những thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn rất nhiều những trở ngại khách quan có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam, từ căng thẳng chính trị giữa các nước lớn đến các chính sách kinh tế, thương mại, các biện pháp bảo hộ mậu dịch…

Xung đột chính trị với việc đối đầu giữa Nga và Mỹ ở Syria sẽ tác động đến ổn định toàn cầu và tăng trưởng kinh tế thế giới. Thêm vào đó, xu hướng bảo hộ thương mại đang ngày càng mạnh lên ở Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với những biện pháp bảo hộ như chống bán phá giá, chống trợ cấp... cũng là yếu tố không thuận lợi cho kinh tế Việt Nam.

Từ những đánh giá trên có thể dự báo từ năm 2018 - 2020, môi trường kinh doanh ở nước ta tiếp tục được cải thiện. Khu vực tư nhân sẽ trưởng thành hơn, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước mạnh hơn và các FTA mới ký kết hoặc kết thúc đàm phán sẽ có hiệu lực từ 2019 sẽ là những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.

Với các kịch bản dự đoán triển vọng của nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng của phân khúc người giàu của Việt Nam, ta có thể đánh giá việc tập trung phát triển dịch vụ KHCNCC trong thời gian tới là triển vọng và rất tiềm năng.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nâng cao năng lực cạnh tranh của dịch vụ Khách hàng cá nhân cao cấp tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quân Đội (Trang 95 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)