1.2. Cơ sở lý luận về quản lý nhân lực tại Doanh nghiệp
1.2.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến công tác quản lý nhân lực tại Doanh nghiệp
1.2.3.1. Các nhân tố khách quan
* Khung cảnh kinh tế
Tình hình kinh tế và thời cơ kinh doanh ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý nhân sự. Khi có biến động về kinh tế thì doanh nghiệp phải biết điều chỉnh các hoạt động để có thể thích nghi và phát triển tốt. Cần duy trì lực lượng lao động có kỹ năng cao để khi có cơ hội mới sẽ sẵn sàng tiếp tục mở rộng kinh doanh. Hoặc nếu chuyển hướng kinh doanh sang mặt hàng mới, cần đào tạo lại công nhân. Doanh nghiệp một mặt phải duy trì các lao động có tay nghề, mặt khác để giảm chi phí lao động thì doanh nghiệp phải cân nhắc việc giảm giờ làm việc, cho nhân viên tạm nghỉ việc hoặc giảm phúc lợi.
* Dân số và lực lượng lao động
Với tốc độ phát triển dân số với lực lượng lao động tăng đòi hỏi phải tạo thêm nhiều việc làm mới; ngược lại sẽ làm lão hóa đội ngũ lao động trong công ty và khan hiếm nguồn nhân lực.
* Văn hóa, xã hội
Đặc thù văn hóa - xã hội của mỗi nước, mỗi vùng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quản lý nhân sự với nấc thang giá trị khác nhau, về giới tính, đẳng cấp...
* Khoa học kỹ thuật công nghệ
Khoa học kỹ thuật công nghệ phát triển đặt ra nhiều thách thức về quản lý nhân sự; đòi hỏi tăng cường việc đào tạo, đào tạo lại nghề nghiệp, sắp xếp lại lực lượng lao động và thu hút nguồn nhân lực mới có kỹ năng cao.
* Khách hàng
Khách hàng mua sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp, quản lý nhân viên sao cho vừa lòng khách hàng là ưu tiên nhất. Không có khách hàng tức là không có việc làm, doanh thu quyết định tiền lương và phúc lợi. Phải bố trí nhân viên đúng để có thể phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.
* Đối thủ cạnh tranh
Đối thủ cạnh tranh cũng là những nhân tố ảnh hưởng đến quản lý nhân sự. Đó là sự cạnh tranh về tài nguyên nhân lực, doanh nghiệp phải biết thu hút, duy trì và phát triển lực lượng lao động, không để mất nhân tài vào tay đối thủ.
1.2.3.2. Các nhân tố chủ quan
* Quy mô, cơ cấu tổ chức của Doanh nghiệp
Tùy theo từng quy mô, bộ máy quản lý của từng Doanh nghiệp mà quản lý nhân lực sẽ được bố trí và tổ chức hoạt động khác nhau. Đối với quy mô tổ chức lớn thì công tác quản lý nhân sự sẽ phức tạp hơn, còn đối với quy mô tổ chức tổ chức nhỏ thì công tác quản lý nhân sự sẽ ngược lại.
* Chính sách, kế hoạch nguồn nhân lực
Chính sách quản lý nguồn nhân lực cần nêu rõ tại sao lại cần quản lý nguồn nhân lực, nội dung của quản lý nguồn nhân lực là gì, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động, người chủ doanh nghiệp trong quản lý nguồn nhân lực. Chính sách quản lý nguồn nhân lực rõ ràng sẽ khuyến khích người lao động học tập để làm việc tốt hơn và nó cũng chỉ rõ cam kết cần thực hiện để quản lý nguồn nhân lực.
Doanh nghiệp cần có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực để phát triển kinh doanh của Doanh nghiệp, các hoạt động tuyển dụng, đào tạo và bố trí sử dụng cần phản ánh tầm nhìn, chiến lược của tổ chức.
Mọi hoạt động phải hướng tới mục tiêu chung của Doanh nghiệp. Để thực hiện mục tiêu đó Doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch phù hợp với mục tiêu chung với những nhiệm vụ đặt ra.
Công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh gia năng lực nguồn nhân lực đều nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển đã đặt ra của Doanh nghiệp
* Văn hóa Doanh nghiệp
Bầu không khí, văn hóa của Doanh nghiệp là một hệ thống các giá trị, niềm tin, các chuẩn mực được chia sẻ, nó thống nhất các thành viên trong một tổ chức. Các tổ chức thành công là các tổ chức nuôi dưỡng, khuyến khích sự thích ứng năng động, sáng tạo của lao động.