Đối với nhà trường, các bộ phận tư vấn nghề nghiệp

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN Ý ĐỊNH TRỞ THÀNH FREELANCER (NGƯỜI LÀM NGHỀ TỰ DO) CỦA GIỚI TRẺ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI (Trang 106 - 108)

CHƯƠNG 5 : MỘT SỐ KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

5.2 Kiến nghị

5.2.3. Đối với nhà trường, các bộ phận tư vấn nghề nghiệp

Một thực tế mà trong quá trình khảo sát nhóm nghiên cứu phát hiện được đó là, đa phần các bạn trẻ tìm hiểu được những thông tin về Freelance trên các phương tiện

thông tin đại chúng như mạng xã hội, truyền thông hoặc qua bạn bè và hầu hết các đáp viên đều công nhận rằng, chương trình giáo dục hướng nghiệp tại trường học gần như không cung cấp cho họ thông tin về loại hình việc làm tự do. Điều này phản ánh phần nào những bất cập trong giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp trong đào tạo nhân lực. Một số khuyến nghị được đưa ra để khắc phục tình trạng này, đó là:

Đổi mới chương trình học theo hướng nâng cao khả năng tư duy độc lập, sáng tạo và giáo dục kĩ năng sống dành cho học sinh, sinh viên

Hướng nghiệp ít khi để ý đến tạo lập tinh thần kinh doanh/tự làm chủ mà chủ yếu dẫn dắt các em đến các công việc làm công ăn lương. Giáo dục Việt Nam giờ vẫn còn đặt nặng kiến thức sách vở, chú trọng quá nhiều vào lý thuyết. Trong khi đó, với sự bùng nổ của Cách mạng công nghiệp 4.0 với trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao, con người thời đại nay cần có những kỹ năng về tư duy phản biện, khả năng sáng tạo và những kĩ năng mang tính toàn cầu hơn. Chính vì vậy mà giáo dục cần xây dựng một khung chương trình mới, phải xen lẫn giữa con chữ và thực tế xã hội đang diễn ra với mục đích giáo dục học sinh, sinh viên giữ vai trò chủ động trong mọi công việc.

Đào tạo bài bản đội ngũ tư vấn, giáo dục hướng nghiệp

Qua quá trình phỏng vấn các bậc phụ huynh, những người trung niên, nhóm tác giả thấy rằng, đa số người lớn vẫn chưa có cái nhìn đúng đắn và cởi mở về Freelance. Mặc khác, một thực trạng tại rất nhiều trường THPT hiện nay là những người làm công tác giáo dục và tư vấn nghề nghiệp hầu như không được đào tạo chuyên môn chính thống, họ thường là các giáo viên bộ môn hay giáo viên chủ nhiệm được giao trách nhiệm phụ trách hướng dẫn giáo dục hướng nghiệp. Do vậy, điều đó có thể dẫn tới những tư vấn chủ quan, không chính xác dựa theo bản năng hay kinh nghiệm cá nhân.

Đội ngũ giáo dục và tư vấn hướng nghiệp trong các trường phổ thông, trường Đại học cần được đào tạo và chọn lọc bài bản, thường xuyên được bồi dưỡng và cập nhật thông tin. Giáo viên, cán bộ tư vấn phải có những hiểu biết về thị trường lao động, về yêu cầu của các công việc khác nhau.

Tích cực tổ chức các chương trình thực tiễn gắn liền với giáo trình học

Để hỗ trợ thanh niên làm việc Freelance, nhà trường nên đứng ra tổ chức các chương trình ươm tạo việc làm cho học sinh, sinh viên. Các trường đại học nên đa dạng hóa hình thức giáo dục Freelance thông qua các hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp hoặc các cuộc thi, các dự án. Các chương trình định hướng nghề nghiệp và truyền thông về tinh thần doanh nhân thường phát huy tác dụng cao nhất ở độ tuổi 18- 24, khi những người trẻ tuổi thường tích cực hơn trong việc tham gia vào các hoạt động đào tạo, trải nghiệm và lựa chọn nghề nghiệp. Những hoạt động này có thể được đưa vào trong các chương trình ngoại khóa của các trường cao đẳng, đại học, trường dạy nghề hoặc thông qua các đoàn thanh niên để tiếp cận với thanh niên ngoài trường.

Ngoài ra, công tác tư vấn nghề nghiệp không được dừng lại khi sinh viên đã tốt nghiệp, mà cần được tiếp tục khi sau họ đang ở giai đoạn tìm việc hoặc đã có việc làm. Trong phần này, việc tổ chức những cuộc giao lưu giữa cựu sinh viên với các sinh viên đang học cũng có vai trò hữu ích. Những chia sẻ và những trải nghiệm của người đi trước là tấm gương để sinh viên phấn đấu, rèn luyện để thích ứng và điều chỉnh hướng đi cho phù hợp hơn.

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN Ý ĐỊNH TRỞ THÀNH FREELANCER (NGƯỜI LÀM NGHỀ TỰ DO) CỦA GIỚI TRẺ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI (Trang 106 - 108)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(160 trang)
w