Khó khăn và thách thức khi trở thành Freelancer

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN Ý ĐỊNH TRỞ THÀNH FREELANCER (NGƯỜI LÀM NGHỀ TỰ DO) CỦA GIỚI TRẺ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI (Trang 30 - 33)

CHƯƠNG 2 : CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ FREELANCER

2.1. Khái quát chung về Freelancer

2.1.2.2. Khó khăn và thách thức khi trở thành Freelancer

a. Trách nhiệm cá nhân và thời gian

Nghề tự do được xem là một kiểu nghề “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”. Sự tự do, độc lập trong đó đi kèm với nhiều trách nhiệm. Người làm Freelancer không được hưởng mức thu nhập ổn định, không có phụ cấp, đãi ngộ, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, lương hưu,…. Tất cả các khoản chi phí, kể cả thuế, đều thuộc trách nhiệm chi

trả của bản thân họ. Freelancers vừa là người chủ, vừa là người làm công cho chính mình. Bước vào con đường này đồng nghĩa với mọi gánh nặng công việc đều trút lên vai một cá nhân. Không những phải lo lắng về vấn đề kế toán thu chi, họ còn tự phải có kỷ luật với chính mình, tự quản lý, sắp xếp để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, tránh làm mất uy tín. Bất kì một quyết định nào từ Freelancers đều có thể mang lại những rủi ro và thiệt hại, khi đó, chính bản thân họ phải ‘đứng mũi chịu sào’, bởi không có công ty nào đứng ra đại diện hay giải quyết thay họ. Sự nghiệp Freelancer phụ thuộc vào việc giữ thu nhập ổn định, nên họ cần suy nghĩ về các dự án tương lai từ khi còn thực hiện công việc trong tay. Những người làm việc tự do có mục tiêu trong ngắn hạn là hoàn thành một dự án, nhận tiền và chuyển sang công việc tiếp theo. Do vậy họ phải có sự cân bằng tinh tế trong việc triển khai các dự án hiện tại đồng thời tìm kiếm dự án mới, để mắt đến tương lai.

Các dự án thông thường không cố định về thời gian làm việc. Có nhiều vấn đề mà Freelancers phải quan tâm đến, ví dụ như tìm kiếm khách hàng, phát triển mạng lưới, thương hiệu, kinh nghiệm và kỹ năng cá nhân,… (Osnowitz 2010, tr.65). Do vậy, người làm cần xem xét để sử dụng quỹ thời gian sao cho hiệu quả nhất. Trên hết, các Freelancers thường cảm thấy áp lực nếu nhận nhiều việc quá khả năng hoàn thành của

họ hoặc nhận việc với một thông báo, chỉ dẫn không rõ ràng, cụ thể. Điều này khiến họ tốn thời gian hoàn thành công việc hay phải ngồi làm trong cả ngày nghỉ lễ, thậm chí, ảnh hưởng đến kế hoạch dài hạn của Freelancers. Công sức dành cho những nhiệm vụ bổ sung của dự án, rồi áp lực công việc mà họ phải chịu tại thời điểm này đôi khi không được phản ánh lại trong giá cả cho dịch vụ Freelance.

b. Điều kiện thị trường và các mối quan hệ xã hội

Điều kiện thị trường là một thách thức lớn đối với những Freelancers mới vào nghề. Do ban đầu khách hàng có xu hướng tìm kiếm Freelancers thông qua các ‘mạng lưới’ giao tiếp, như đồng nghiệp, người thân và bạn bè, thị trường có thể coi là khá ‘đóng’. Điều này tức là, cơ hội gia nhập thị trường của mỗi cá nhân không giống nhau, dẫn đến sự cạnh tranh cũng kém công bằng. Mối quan hệ với khách hàng là một yếu tố quan trọng để quảng bá và bán dịch vụ, vì khách hàng cung cấp các ‘mạng lưới’ quan hệ giúp Freelancers tìm kiếm những khách hàng mới, những dự án mới. Tuy nhiên, việc thâm nhập vào ‘mạng lưới’ trên và thiết lập uy tín đối với khách hàng cũng khá khó khăn. Bởi đặc trưng của việc tiếp thị các dịch vụ tri thức là không có sản phẩm cụ thể được bán. Quá trình tiếp thị của bản thân Freelancers phụ thuộc vào việc họ tạo dựng được niềm tin và cam kết chất lượng dịch vụ đối với khách hàng. Mặt khác, thị trường cũng có thể coi là quá ‘mở’ khi có nhiều Freelancers cung cấp những dịch vụ tương tự nhau. Một số Freelancers sẵn sàng làm việc với mức lương tối thiểu, làm suy giảm khả năng thương lượng của Freelancers khác và củng cố cho các điều kiện thị trường trở nên tiêu cực. (Storey và cộng sự, 2005)

Để cải thiện thế mạnh trong một thị trường có tính cạnh tranh cao như hiện nay thì điều quan trọng là tự tạo cho bản thân các mối quan hệ xã hội, vì thế mà kỹ năng giao tiếp là rất cần thiết. Trên thực tế, thông qua đó họ đã tự xây dựng cho mình một mạng lưới khách hàng tiềm năng mà không phải bỏ ra một khoản chi phí nào cho việc quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng như: báo, tạp chí, tờ rơi, internet,... Năng lực xã hội là tiền đề để Freelancers giao tiếp với khách hàng và tương tác tốt trong các tổ chức. Những kỹ năng này không chỉ giúp Freelancers có cơ hội tiếp xúc với nhiều khách hàng mà còn giúp họ chia sẻ thông tin để tìm nhận những đơn hàng dịch vụ hay hợp đồng mới.

c. Thương hiệu và uy tín cá nhân

Uy tín và danh tiếng của người làm dịch vụ trong mắt khách hàng là những thứ không thể dùng tiền để mua được. Việc đầu tư vào các mối quan hệ để được khách hàng tin tưởng và giới thiệu giúp mỗi cá nhân tạo nên sự khác biệt, từ đó có được những thương vụ tốt nhất. Một thách thức trong ngành nghề tự do là làm thế nào để các Freelancers tự tiếp thị và bán được những dịch vụ mà mình cung cấp, bởi việc xây dựng hình ảnh cá nhân khá khó khăn khi không ít những người thuê ngoài thường tin tưởng các công ty có tư cách pháp nhân hơn là những Freelancers. Chuyên môn không thể tách biệt khỏi từng cá nhân và những phẩm chất, kỹ năng xã hội của Freelancers được coi là một phần của sản phẩm được bán (Pietiläinen và cộng sự 2007, tr.92). Về cơ bản, Freelancer tự bán tri thức, năng lực bản thân họ và tạo dựng thành một thương hiệu được tiếp thị cho các khách hàng tiềm năng. Xây dựng thương hiệu giúp Freelancer tách biệt so với những người khác, cung cấp cho khách hàng biết khuôn khổ năng lực bản thân và cách thức giải quyết công việc của họ. Để làm được điều này, quan trọng nhất là mỗi Freelancer cần hiểu rõ những giá trị, lợi ích được cung cấp bởi chính mình.

Một vấn đề khá ‘đau đầu’ về thương hiệu đó là: Đôi khi trong thực tế, các Freelancers phải đối mặt với những chỉ trích, phản ánh tiêu cực thậm chí là tẩy chay lâu dài, chỉ với một dự án, công việc hoàn thành trễ hạn hoặc không làm hài lòng khách hàng. Một đồn mười, uy tín của Freelancers bị ảnh hưởng nặng nề, số lượng hợp đồng đến với họ cũng sụt giảm theo. Hơn nữa, rất khó khăn để kiểm soát việc thương hiệu cá nhân được đánh giá bởi những khách hàng khác nhau. Quan điểm của người khác cũng có thể dễ dàng ảnh hưởng đến nhận định của Freelancers về năng lực bản thân, từ đó cản trở quá trình tiếp thị chính xác giá trị dịch vụ của họ (Storey và cộng sự, 2005). Vậy nên, điều quan trọng là, Freelancers phải hiểu rõ mức giá cho năng lực của chính mình.

d. Hiệu ứng quan hệ khách hàng.

Freelancers cần hiểu lý do mà khách hàng lựa chọn thuê họ, vì nó sẽ cung cấp thông tin thực tế về vị trí của chính họ trên thị trường kèm theo những thách thức đi liền với vị trí đó. Dù những người làm Freelance thường tính giá dịch vụ cao hơn so với nhân viên, nhưng nhìn chung các công ty, doanh nghiệp vẫn ít tốn kém hơn vì họ không cần phải chi trả thuế việc làm, bảo hiểm y tế, lương hưu, lương ốm, nghỉ lễ, thiết bị hoặc đào

tạo,… cho đối tác Freelancers của mình (Süb & Becker, 2013). Điều này có nghĩa là Freelancers phải chịu riêng tất cả các chi phí đó.

Trong suốt quá trình làm việc, sự tương tác với khách hàng là rất quan trọng để xây dựng mối quan hệ gắn kết và để cung cấp được dịch vụ làm hài lòng khách hàng. Khi khách hàng thỏa mãn với chất lượng sản phẩm và tác phong làm việc chuyên nghiệp, họ không những có thể tự nguyện trả công cao hơn thỏa thuận, mà còn mang lại tiếng tăm cho Freelancers, giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường. Ngoài ra, ở các thương vụ hợp tác, khách hàng yêu cầu lòng trung thành và các cam kết từ phía còn lại. Đây là lý do tại sao hợp đồng rất cần thiết, để tạo cho cả hai bên đối tác sự an toàn và tin tưởng. Nó đặc biệt quan trọng đối với Freelancers – người ở vị trí dễ bị ‘tổn thương’ hơn. Hợp đồng cần chi tiết nhất có thể vì trong trường hợp tranh chấp, nó sẽ trở thành tài liệu minh chứng cho Freelancers. Ví dụ, các yêu cầu về công việc và thời gian biểu nên được xác định rõ ràng, vì chúng có thể thay đổi trong suốt quá trình hoàn thành dự án.

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN Ý ĐỊNH TRỞ THÀNH FREELANCER (NGƯỜI LÀM NGHỀ TỰ DO) CỦA GIỚI TRẺ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(160 trang)
w