3.2. Thực trạng kinh doanh của Viettel tại Myanmar
3.2.2. Đặc điểm hoạt động kinh doanh
Myanmar là thị trường có quá trình xúc tiến đầu tư lâu nhất, có sự tham gia của nhiều nhân sự thuộc nhiều thế hệ của Viettel nhất và ngay chính TGĐ
Nguyễn Mạnh Hùng đã đích thân sang Myanmar không dưới 20 lần. Tiềm năng của thị trường Myanmar có lẽ thể hiện rõ ràng nhất qua việc tại thời điểm nhóm khảo sát đầu tiên sang thị trường “nằm vùng” này đã không khỏi bất ngờ khi một SIM điện thoại tại đây có giá tới 2.000 USD. Kinh tế đóng cửa cùng sự độc quyền của mạng di động nhà nước MPT đã khiến việc sử dụng dịch vụ viễn thông tại Myanmar trở nên xa xỉ, chỉ phục vụ tầng lớp thượng lưu.
Ngày 15/1/2013, Viettel nhận được tin Chính phủ Myanmar chính thức công bố mở thầu cấp 2 giấy phép viễn thông quốc tế nhưng Viettel vẫn không thể trúng thầu và có giấy phép kinh doanh tại thị trường này. Ngày 8/9/2016, Tổng giám đốc Viettel Global Nguyễn Thanh Nam (nay là Tổng Giám đốc Mytel) đã chính thức đặt bút ký vào Hợp đồng liên doanh giữa Viettel và đối tác Myanmar, là khởi đầu mới mang đầy sự nỗ lực, kỳ vọng của Viettel tại thị trường này.
Sau 1 năm gấp rút xây dựng hạ tầng, trung tuần tháng 2/2018, Mytel đã thực hiện cuộc gọi kỹ thuật đầu tiên. Các cuộc gọi đều sử dụng tính năng gọi hình ảnh (video call) trên nền tảng 4G LTE với chất lượng ổn định, tốc độ nhanh. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đánh dấu việc Mytel đã sẵn sàng mạng lưới để đi vào hoạt động kinh doanh viễn thông. Đồng thời, sự kiện này cũng thiết lập một kỷ lục mới trong xây dựng hạ tầng trong 11 thị trường nước ngoài mà Viettel đã đầu tư xây dựng, khi chỉ trong vòng 1 năm, đã hoàn thành xây dựng mạng lưới trên khắp đất nước Myanmar.
Mytel (Myanmar National Tele & Communications Co.,Ltd) là thương hiệu viễn thông liên doanh giữa Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) cùng Myanmar National Telecom Holding Public Limited (MNTH) và Star High Public Company Limited (Star High). Tổng vốn đầu tư của Mytel là 2 tỷ USD, trong đó Viettel nắm giữ 49% cổ phần.Với dự án này, Việt Nam từ vị trí số 10 vươn lên đứng thứ 7 trong số 49 quốc gia và vùng lãnh
thổ đầu tư vào Myanmar và trở thành nhà đầu tư lớn thứ 2 của khu vực ASEAN đầu tư vào quốc gia này (tính đến hết tháng 6/2017). Dự kiến khi khai trương, Mytel sẽ có 7.000 trạm phát sóng và 30.000 km cáp quang. Với số lượng hệ thống mạng lưới này, Mytel sẽ trở thành nhà mạng số 1 tại Myanmar có hệ thống mạng lưới lớn nhất, phủ tới 90% đất nước. Đồng thời, Mytel là mạng có vùng phủ cáp quang lớn nhất toàn quốc, đã duy trì kết nối quốc tế ổn định với 5 đường cáp đất liền và cáp quang biển. Mytel sẽ chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông rộng khắp trên toàn quốc, bao gồm di động, cố định, dịch vụ giá trị gia tăng, dịch vụ nội dung, ví điện tử, cũng như các giải pháp công nghệ thông tin khác. Ngoài dịch vụ thoại trên nền 2G để đáp ứng nhu cầu của người dân toàn quốc, dịch vụ Internet di động của Mytel được thực hiện hoàn toàn trên nền 4G LTE. Mytel là mạng có hạ tầng lớn nhất và vượt trội về 4G tại Myanmar, nhằm cung cấp cho khách hàng chất lượng dịch vụ tốt nhất, công nghệ tiên tiến nhất ngay từ khi khai trương.
Chỉ sau 1 năm xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng Mytel đã có mặt rộng khắp ở 300 trên tổng số 330 quận/huyện, tương đương khoảng 91% quận/huyện trên toàn lãnh thổ Myanmar, đóng góp 50% vào hạ tầng cáp quang của Myanmar. Trong khi đó, các đối thủ của Mytel là Ooredoo chỉ phủ sóng tại 200 quận/huyện, Telenor phủ 150 quận/huyện sau 4 năm khai trương, MPT có mặt tại 150 quận/huyện sau 14 năm.