3.3. Thực trạng xây dựng thương hiệu
3.3.2. Tầm nhìn thương hiệu
Tầm nhìn thương hiệu được Tập đoàn xác định theo định hướng chung đó là thương hiệu cho mọi người dân, trở thành thương hiệu gắn liền với mọi hoạt động của người dân Myanmar.
Việc nghiên cứu thị trường cũng được Viettel tiến hành bài bản và diễn ra trong nhiều năm.
a. Nghiên cứu sơ bộ thị trường
Viettel nghiên cứu thị trường Myanmar rất sớm, từ những năm 2009 và nhận định ban đầu là thị trường này rất tiềm năng.
Tiềm năng của thị trường Myanmar có lẽ thể hiện rõ ràng nhất qua việc tại thời điểm nhóm khảo sát đầu tiên của VIETTEL sang thị trường này “nằm vùng” đã không khỏi bất ngờ khi một SIM điện thoại tại đây có giá tới 2.000
USD. Kinh tế đóng cửa cùng sự độc quyền của mạng di động nhà nước MPT đã khiến việc sử dụng dịch vụ viễn thông tại Myanmar trở nên xa xỉ, chỉ phục vụ tầng lớp thượng lưu.
Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo đã quyết tâm sẽ gắn bó lâu dài với thị trường này vì 2 lý do chính. Một là, Myanmar và Việt Nam có nhiều nét văn hóa tương đồng như về vị trí, văn hóa và mối quan hệ chính trị vẫn luôn tốt đẹp giữa 2 quốc gia. Lý do thứ 2 là kinh tế quốc gia này còn nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt, thị trường viễn thông còn rất sơ khai, mạng nhà nước giữ vị trí độc quyền.
Sau nhiều năm theo đuổi cũng như 2 lần “trượt” giấy phép, VIETTEL hiểu rất rõ môi trường cạnh tranh mà mình sẽ gặp phải trong việc gia nhập ngành viễn thông đang để ngỏ này. Các đối thủ của VIETTEL đều là các nhà mạng lớn trên thế giới và có tiềm lực mạnh.
Có thể nói, nghiên cứu sơ bộ này giúp Viettel có một cái nhìn khá bao quát về thị trường mà mình sẽ đầu tư đồng thời là tiền đề để tìm ra được khoảng trống trên thị trường, giúp xác định đâu là thị trường mục tiêu, khách hàng mục tiêu.
b. Xác định thị trường và khách hàng mục tiêu
Sau khi có giấy phép chính thức kinh doanh viễn thông tại Myanmar, Viettel đã có những nghiên cứu sâu hơn và đưa ra một số nhận định như sau:
- Mặc dù triển khai tại thị trường này sớm hơn Viettel nhưng các nhà mạng đối thủ vẫn chỉ sử dụng các công nghệ cũ, đã lạc hậu là 2G và 3G trong dịch vụ viễn thông. Hơn nữa, các nhà mạng chỉ tập trung vào các thành phố lớn, du lịch trong khi đó những nơi hẻo lánh, nông thôn, vùng sâu, vùng xa hiện hầu như không có khái niệm về internet. Đây chính là cơ hội để VIETTEL có thể khai thác và phát triển.
- Chiến lược “lấy nông thôn nuôi thành thị”, “xung phong tuyến đầu” chính là những chiến lược làm nên sự thành công của VIETTEL ngày hôm nay rất phù hợp để áp dụng tại Myanmar.
- Tuy mới mở cửa thị trường viễn thông hơn 3 năm nhưng mật độ di động ở Myanmar đã nhảy vọt từ 10% lên 90%. 80% người dùng di động trên đất nước này sử dụng smartphone và phần lớn là điện thoại 2 sim 2 sóng. Đây là tốc độ phổ cập smartphone lập kỷ lục thế giới. Nhu cầu sử dụng điện thoại để truy cập internet rất lớn do hạ tầng wifi tại đất nước này còn thiếu và khó triển khai.
Như vậy khách hàng tại đây có nhu cầu rất lớn đối với các dịch vụ viễn thông và kỹ thuật số đặc biệt là những khu vực nông thôn, vùng sâu nơi mà việc tiếp cận với công nghệ là 1 điều xa xỉ. VIETTEL đã xác định cho mình thị trường mục tiêu là khu vực nông thôn, vùng sâu và khách hàng mục tiêu đó là tầng lớp người dân nghèo, người dân lao động thu nhập thấp.