Chương 1 : TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÍ LUẬN
2.2. Đặc điểm chung của động từ hai diễn tố
2.2.1. Về nguồn gốc
Động từ hai diễn tố có nguồn gốc thuần Việt và nguồn gốc Hán.
Các động từ có nguồn gốc thuần Việt như: ăn, đọc, viết, vẽ, xây, phá, đốt, xé, bắn,
giết, lắc, gật, buồn, thèm, rút, trốn, rời, nhớ, yêu, ghét, biết, hiểu...
Các động từ có nguồn gốc Hán (được đọc theo âm Hán- Việt) như: biểu diễn, thảo luận, điều tra, lưu tâm, ảnh hưởng, chủ trương, bảo vệ, kết thúc, nghiên cứu, đàm phán, câu kết...
Sự có mặt của động từ hai diễn tố có nguồn gốc Hán không chỉ cho thấy mối quan hệ về nguồn gốc giữa tiếng Việt và tiếng Trung mà còn phản ánh sự gần gũi giữa các từ loại nói chung, giữa động từ hai diễn tố nói riêng trong tiếng Việt và tiếng Trung về ý nghĩa và thuộc tính kết trị.
2.2.2. Về cấu tạo
Tiếng Việt và tiếng Trung đều là ngôn ngữ đơn lập, không biến hình. Điểm đáng chú ý là các động từ gốc Việt thì thường có cấu tạo một hình vị còn các động từ có nguồn gốc Hán thì thường được cấu tạo bởi hai hình vị.
Động từ hai diễn tố gồm có hai kiểu chính: cấu tạo là từ đơn (là từ một hình vị, ví
dụ: ăn, viết, đánh, đập, vẽ, xây, phá, đốt...) và cấu tạo là từ ghép (là từ hai hình vị, ví dụ:
sáng tác, kiến thiết, thỏa hiệp, tiếp tục, thừa nhận, lưu tâm, tôn trọng...). Hầu như không
có động từ hai diễn tố là có cấu tạo trên hai hình vị.
Như đã nói ở trên, ở dạng cấu tạo là từ đơn, động từ hai diễn tố thường là các từ thuần Việt (thí dụ: ăn, đốt, đánh, xây, phá, viết...). Tuy nhiên, đôi khi cũng gặp những từ Hán Việt (sinh, hủy, diệt…).
Những từ có dạng cấu tạo là từ ghép, phần lớn là từ Hán Việt. Ở dạng này, phổ biến nhất là các từ ghép đẳng lập (thí dụ: chú ý, sưu tầm, điều tra, thảo luận, tiêu diệt,
hủy diệt, khảo cứu...).