Chương 1 : TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÍ LUẬN
3.2. Nhóm động từ hai diễn tố chỉ hoạt động tạo tác
3.2.4. Đặc điểm ngữ pháp của diễn tố thứ hai (diễn tố đối thể)
1) Về ý nghĩa:
Diễn tố thứ hai bên động từ tạo tác có các nét nghĩa sau:
- Chỉ đối thể cú pháp (xét trong mối quan hệ với ý nghĩa ngoại hướng cảu động từ hạt nhân).
- Chỉ kẻ chịu tác động của hoạt động (xét trong mối quan hệ với ý nghĩa tác động của động từ giữ vai trò hạt nhân).
- Chỉ kẻ được tạo ra (vật được tạo tác) bởi hoạt động tạo tác nêu ở động từ hạt nhân.
2) Về đặc điểm hình thức
a) Về cấu tạo: Diễn tố đối thể (bổ ngữ) bên động từ tạo tác thường được biểu hiện
bằng danh từ, cụm danh từ.
- Bằng danh từ. Ví dụ:
Nam vẽ tranh.
Gã viết nhạc, gã làm thơ. (Nguyễn Hữu Hồng Minh)
Bà Năm đã nấu xong cơm. (Nguyễn Khải)
- Bằng cụm danh từ. Ví dụ:
Xí nghiệp chúng tôi sản xuất loại hàng này.
Vậy thì tôi viết truyện tôi. (Nam Cao)
Tôi viết truyện một con chó mực. (Nam Cao)
b) Về vị trí: Diễn tố đối thể bên động từ tạo tác, ở dạng cơ bản, luôn đứng sau động
từ hạt nhân. Nó chỉ có khả năng chuyển lên trước động từ nhờ thao tác cải biến vị trí.
c) Về khả năng cải biến
- Về khả năng cải biến vị trí:
Khi mô hình câu hay cấu trúc với động từ hai diễn tố hiện thực hoá trong lời nói, diễn tố thứ hai thường có khả năng cải biến vị trí so với động từ hạt nhân. Cụ thể là khả năng chuyển lên đầu câu, trước động từ hạt nhân và trước cả diễn tố thứ nhất.
Ví dụ:
(1a) Thằng nào chẳng thích ăn món ngon. →
(1b) Món ngon thì thằng nào chẳng thích ăn. (Nam Cao)
(2a) Nguyễn Huy Canh đã xây dựng khu vườn của mình như một pháo đài. (Văn nghệ quân đội, số 2, 1999) →
(2b) Khu vườn của mình, Nguyễn Huy Canh đã xây dựng như một pháo đài.
- Về khả năng cải biến bị động
Khác với diễn tố thứ nhất chỉ có khả năng “tham gia cải biến bị động”, diễn tố thứ hai, nói chung, thường có khả năng trực tiếp được cải biến bị động. Khi được cải biến bị động, diễn tố thứ hai có sự thay đổi về bản chất cú pháp: từ chỗ chỉ đối thể cú pháp (là bổ ngữ), nó trở thành yếu tố chỉ chủ thể cú pháp (là chủ ngữ) mặc dù về nghĩa biểu hiện hay nghĩa sâu không có gì thay đổi (vẫn chỉ đối thể thực tế của hoạt động).
Ví dụ về cải biến bị động của diễn tố thứ hai trên thực tế đã được chỉ ra khi đề cập đến khả năng tham gia cải biến bị động của diễn tố thứ nhất. Ở đây, chỉ xin nêu thêm một vài ví dụ:
(1a) Ông cai đã ân xá cho thằng bé ngây thơ. →
(1b) Thằng bé ngây thơ đã được ông cai ân xá. (Ngô Tất Tố)
(2a) Người ta đốt hết đay.
(2b) Đay bị người ta đốt hết. (Nguyễn Khải)