6. Bố cục luận văn
3.2.1. Đặc điểm ý nghĩa của động từ hạt nhân
Là một trong những nhóm tiêu biểu của tiểu loại động từ hai diễn tố, động từ tạo tác mang đầy đủ những đặc điểm ý nghĩa chung của động từ hai diễn tố; đồng thời, lại có những nét riêng đặc trưng cho tiểu loại của mình. Xét một cách tổng thể, có thể chỉ ra toàn bộ các đặc tính ý nghĩa có giá trị khu biệt ở động từ tạo tác như sau:
- Tính ngoại hướng (ngoại động): Với đặc tính này, động từ tạo tác cũng như các
động từ ngoại hướng nói chung, chỉ hoạt động xuất phát từ chủ thể hướng tới đối thể bên ngoài. Đặc tính này phân biệt động từ tạo tác (với tư cách là động từ ngoại hướng) với động từ nội hướng (nội động).
- Tính song trị: Cũng như các động từ hai diễn tố nói chung, động từ tạo tác chỉ
hoạt động xuất phát từ chủ thể hướng tới một đối thể. Đặc tính này phân biệt động từ tạo tác (với tư cách là động từ hai diễn tố) với động từ tam trị (động từ ba diễn tố).
- Tính chủ ý (tính chủ động, tính hành động): Động từ tạo tác phần lớn là động từ
mang tính chủ ý, tức là chỉ hoạt động mà chủ thể có thể tạo ra và làm chủ, điều khiển theo ý chí của mình. Dấu hiệu về tính chủ ý của động từ tạo tác là khả năng kết hợp về phía trước với các động từ tình thái như: định, toan, quyết định, cố… Chẳng hạn, với tư cách là động từ tạo tác, viết có thể kết hợp với định, toan (Tôi định viết một cuốn
tiểu thuyết.). Với tính chủ ý, động từ tạo tác phân biệt với động từ hai diễn tố không
chủ ý (sợ, được, bị…).
- Tính tác động: Động từ tạo tác chỉ hoạt động xuất phát từ chủ thể tác động vào
đối thể về mặt nào đó. Chẳng hạn, trong các cấu trúc như: đào mương, đắp đê, đúc
tượng, vẽ tranh, nấu cơm…, các động từ tạo tác (đào, đắp, đúc, vẽ, nấu) chỉ các hoạt
động có tác động nhất định đến đối thể (do các danh từ đứng sau biểu thị).
- Tính tạo thể: Động từ tạo tác chỉ các hoạt động mà kết quả là đối thể được tạo
ra. Chẳng hạn, ở những cấu trúc vừa dẫn trên đây, kết quả của các hoạt động tạo tác
(đào, đắp, đúc, vẽ, nấu) là các đối thể (mương, đê, tượng, tranh, cơm) được tạo ra
(trước khi hoạt động được thực hiện, các đối thể này chưa tồn tại).
Trong các nét nghĩa trên đây, ý nghĩa tạo tác là đặc điểm ngữ nghĩa riêng chỉ có ở động từ tạo tác, phân biệt động từ tạo tác không chỉ với tất cả các nhóm động từ khác trong
phạm trù động từ hai diễn tố mà còn với động từ nói chung. Ý nghĩa tạo tác còn có giá trị phân biệt động từ tạo tác với nhóm động từ khá gần gũi với nó là động từ chuyển tác (hai nhóm này đều là động từ chủ ý, tác động nhưng được phân biệt với nhau ở tính tạo tác - có ở động từ tạo tác và tính chuyển tác - có động từ chuyển tác).
Đặc điểm ý nghĩa chỉ ra ở trên của động từ tạo tác qui định thuộc tính kết trị của nó như sẽ được chỉ ra ở dưới đây.
3.2.2 Về thuộc tính kết trị
1) Nhận xét chung
Là một trong những nhóm động từ hai diễn tố tiêu biểu, về kết trị, động từ tạo tác có những đặc điểm chung của động từ hai diễn tố (chi phối hai thành tố cú pháp bắt buộc hay hai diễn tố: diễn tố chủ thể và diễn tố đối thể). Bên cạnh những đặc điểm chung về kết trị của động từ hai diễn tố, động từ tác động còn có những đặc điểm riêng phân biệt với các nhóm động từ hai diễn tố khác. Cụ thể:
- Động từ tạo tác thuộc về nhóm động từ hai diễn tố chi phối tất cả các diễn tố là thể từ (danh từ, đại từ). Với đặc điểm này, động từ tạo tác được phân biệt với các nhóm động từ hai diễn tố chi phối cả diễn tố thể từ lẫn diễn tố vị từ (nhóm động từ tình thái, động từ cảm nghĩ, nói năng, thụ cảm).
- Mặc dù có mô hình kết trị chung với động từ tác động, nửa tác động (trong đó có động từ chuyển tác), nhưng động từ tạo tác được phân biệt với các nhóm động từ này ở khả năng cải biến, đặc biệt là khả năng cải biến bị động của các diễn tố (như sẽ được xem xét ở dưới đây).
2) Về mô hình kết trị của nhóm động từ tạo tác
a) Mô hình cơ bản: N1 - V - N2, Ví dụ:
Nguyễn Đình Thi viết cả tiểu thuyết truyện vừa, truyện ngắn. (Văn 12)
Gã viết nhạc, gã làm thơ… (Nguyễn Hữu Hồng Minh)
Người đã sáng tác 113 bài thơ bằng chữ Trung ghi trong một cuốn sổ tay mà
Ông xây một cái cổng gạch có hai tấm của sổ. (Tô Hoài)
Nguyễn Huy Cảnh xây dựng khu vườn của mình như một pháo đài. (Văn nghệ
quân đội, số 2, 1999)
b) Mô hình không cơ bản: N2 - N1 - V
Khi kết trị của động từ được hiện thực hóa trong lời nói, các diễn tố có thể thay đổi vị trí của mình, cụ thể, chuyển lên đầu câu như phản ánh ở mô hình trên đây.
Ví dụ:
(1a) Tôi viết thư. →(1b) Thư, tôi viết.
(2a) Cô ả tự do múc chum nước của bà.→
(2b) Chum nước của bà, cô ả tự do múc. (Nam Cao)
Khi được đảo lên đầu câu, diễn tố đối thể (N2) được chủ đề hóa (trở thành đề ngữ của câu) và trong trường hợp này, giữa N2 và cụm chủ vị đứng sau thường xuất hiện từ
thì với tư cách là phương tiện phân giới đề - thuyết. Ví dụ:
(3a) Cần gì phải nể hạng ấy.→
(3b) Hạng ấy cần gì thì phải nể. (Nam Cao)
(4a) Mình nhuộm cả quần áo của tôi và của chúng nó đi.
(4b) Quần áo của tôi và của chúng nó thì đi mình nhuộm cả.
Trong mô hình cải biến, diễn tố đối thể (N2) mặc dù vẫn là thành tố phụ xét trong mối quan hệ với động từ hạt nhân (V) nhưng do bị biệt lập về vị trí (tách xa khỏi vị trí vốn có so với động từ) và về ngữ điệu (bị tách biệt bởi một quãng ngừng mà trên chữ viết được thể hiện bằng dấu phẩy) nên mối quan hệ cú pháp giữa nó với động từ đã có phần yếu đi. Trong trường hợp này, diễn tố đối thể được gọi là diễn tố biệt lập và được coi là biến thể không điển hình của diễn tố đối thể (xét trong mối quan hệ với diễn tố đối thể không biệt lập và có tính điển hình ở sau động từ).