Thứ nhất, về tài nguyên du lịch nhân văn vật thể. Trên địa bàn thành phố
Đà Nẵng có một hệ thống các đình, chùa, miếu theo kiến trúc Á Đông như chùa Linh Ứng, chùa Quan Âm, chùa Tam Bảo, Tam Thai, danh thắng Ngũ Hành Sơn, các bảo tàng mà tiêu biểu là Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm và Bảo tàng Đà Nẵng. Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm là bảo tàng trưng bày hiện vật Chăm quy mô lớn nhất ở Việt Nam còn Bảo tàng Đà Nẵng là nơi gìn giữ hệ thống những cổ vật chứa đựng trong đó những câu chuyện về lịch sử, con người Đà Nẵng. Bên cạnh đó, phía Tây thành phố là Khu du lịch Bà Nà với hệ thống cáp treo đạt bốn kỷ lục thế giới cùng khu vui chơi giải trí trong nhà Fantasy Park lớn nhất Đông Nam Á và làng Pháp lớn nhất Việt Nam.
Thứ hai, về tài nguyên du lịch nhân văn phi vật thể. Thành phố Đà Nẵng
hiện nay vẫn duy trì được các làng nghề truyền thống của mình. Nổi tiếng nhất là làng đá Mỹ nghệ Non nước, làng chiếu Cẩm Nê – nổi tiếng với các
loại chiếu hoa truyền thống, làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với nghề cá và truyền thống đi biển của ngư dân.
Các lễ hội truyền thống của Đà Nẵng cũng thu hút được sự chú ý của khách du lịch. Lễ hội lớn nhất ở Đà Nẵng là Lễ hội Quan Thế Âm, là lễ hội cấp quốc gia và hiện là một trong 15 lễ hội lớn nhất cả nước. Lễ hội Pháo hoa Quốc tế được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008 cũng đã tạo thêm nhiều điều thú vị, thu hút hàng nghìn người đến Đà Nẵng. Ẩm thực Đà Nẵng chịu ảnh hưởng của ẩm thực vùng ven biển miền Trung Việt Nam, đặc biệt là vùng đất xứ Quảng nhưng vẫn có những nét đặc trưng riêng. Điều này khiến khách du lịch thích thú và có ấn tượng tốt về du lịch địa phương.
Việc sở hữu nhiều tài nguyên du lịch nhân văn giúp thành phố Đà Nẵng phát triển được nhiều loại hình du lịch, cả du lịch văn hố và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thoả mãn được đa dạng nhu cầu của khách du lịch tạo ra các điểm nhấn về du lịch, khiến thành phố Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách.