Hoạt động M&A giúp quá trình chuyển tải các tài sản của công ty theo hướng sử dụng chúng tốt nhất có thể bằng cách phân bổ lại quyền kiểm soát Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện có nhận thấy rằng những xung đột lợi ích, như xung đột đại diện, bất cân xứng thông tin và chi phí giao dịch có thể ngăn cản việc chuyển giao quyền kiểm soát một cách hiệu quả (Rosi và Volpin, 2004) Theo đó, động cơ chính để các doanh nghiệp đi vào M&A thường là các chiến lược nâng cao giá trị (value-enhancing strategies), bao gồm đạt được hiệu quả kinh tế theo quy mô và phạm vi (scale and scope economies), đạt được sức mạnh thị trường (market
power), cộng hưởng được đa dạng hóa thu nhập và cải thiện các khía cạnh khác của kết quả tài chính (Andrade và cộng sự, 2001; Lambrecht, 2004) Một số nghiên cứu cũng nhận thấy các động cơ khác giải thích sự xuất hiện của các thương vụ M&A như xây dựng đế chế quản lý (managerial empire building) như Jensen (1986), sự kiêu ngạo trong quản lý và cơ chế quản trị công ty (Akhtar, 2016) hoặc sự thổi phồng giá trị của các công ty thâu tóm (Sheifer và Vishny, 2003) Một số nghiên cứu gần đây, chẳng hạn Dang và cộng sự (2018), Dang và cộng sự (2022) nhận thấy vai trò quan trọng của các nhân tố môi trường bên ngoài, bao gồm cả môi trường thể chế và rủi ro chính sách đối với sự thành bại của các thương vụ M&A
Nhìn chung, các nghiên cứu hiện có đã vẽ lên một bức tranh khá đầy đủ về động cơ cũng như những nhân tố khác nhau, cả cấp vĩ mô và cấp độ công ty, cấp độ thương vụ đối với hoạt động M&A Trong phần này, tác giả tiến hành tổng hợp các nghiên cứu hiện có ở một phạm vi hẹp hơn, chỉ tập trung vào hai nhân tố vi mô đang ngày càng nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, các thực thể đầu tư và các các cơ quan quản lý nhà nước, đó là môi trường thông tin và chất lượng quản trị công ty, và liên kết hai nhân tố này với quá trình xây dựng và ra quyết định tái cấu trúc công ty thông qua M&A