Trên thế giới, ở mỗi quốc gia đều tồn tại các nhóm dân tộc chiếm đa số và nhóm dân tộc thiểu số, tuy nhiên quan niệm về “dân tộc thiểu số” ở mỗi quốc gia trên thế giới lại không giống nhau. Trong cuốn “Vấn đề tộc người ở các nước phương Tây và cái nhìn tham chiếu cho Việt Nam”, Nguyễn Văn Chính (2014) đã đưa ra nhận định rằng ở Việt nam, thuật ngữ “dân tộc thiểu số" (ethnic minorities) được sử dụng phổ biến trong các văn kiện chính thức của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể xã hội. Ngược lại, ở các nước phương Tây, thuật ngữ dân tộc thiểu số không hẳn là một khái niệm phổ biến. Khái niệm này thường được hiểu khác nhau với những ngụ ý khác nhau tùy vào điều kiện lịch sử, chính trị và xã hội cụ thể ở mỗi nước. Thông thường, ở các nước phương Tây như châu Âu và Mỹ, người ta phân chia dân tộc thiểu số thành hai nhóm, gọi là thiểu số lịch sử (historical minorities) và thiểu số nhập cư (immigrant minorities).
Quan điểm cho rằng dân tộc thiểu số là nhóm người di cư (immigrant minorities), theo (United Nations, 1995): “Dân tộc thiểu số dùng để chỉ một nhóm người từ một quốc gia khác đến cư trú trên lãnh thổ của quốc gia thuộc liên hiệp Âu châu và có quốc tịch khối Âu châu”. Khái niệm này được đa số các nước Châu Âu sử dụng để nhằm nói đến một bộ phận người dân di cư, chiếm số lượng ít ỏi trong xã hội các nước Châu Âu. Trong khi đó, dân tộc thiểu số được hiểu như là nhóm dân tộc bản địa (thổ dân) được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (2007) đề cập trong bản tuyên ngôn về quyền của dân tộc bản địa “là nhóm người đã từng có mặt trên một khu vực đất đai rõ ràng trước trào lưu thực dân của các nhóm dân tộc khác vào lãnh thổ của họ”.
Tiếp cận khái niệm dân tộc thiểu số trên cả hai nhóm: dân tộc thiểu số bản địa và dân tộc thiểu số nhập cư, có thể kểđến như Roberta Medda-windischer (2017) cho rằng “dân tộc thiểu số bao gồm dân tộc thiểu số bản địa là các nhóm dân cư có nguồn gốc lịch sử lâu đời, định cư trên vùng lãnh thổ của họ từ trước khi có làn sóng di cư từ nơi khác tới hoặc những người nước ngoài nhập cư vào sinh sống tại một quốc gia có chủ quyền”. Hay Capotorti (1977) cho rằng thiểu số là bất kì nhóm người nào: (i) cư trú trong một quốc gia có chủ quyền trên cơ sở tạm thời hoặc lâu dài, có số lượng ít hơn phần còn lại của dân số của tiểu bang hoặc khu vực của tiểu bang đó, có các thành
viên có chung đặc điểm về dân tộc, văn hóa, tôn giáo hoặc ngôn ngữ để phân biệt họ với phần còn lại của dân số, mong muốn được coi như một nhóm khác biệt.
Ngoài ra khái niệm về dân tộc thiểu số còn được sử dụng rộng rãi trong các văn kiện pháp lý quốc tế. Theo Tòa án công lý quốc tế (PCIJ - Permanent Court of International Justice) (1930) “một cộng đồng thiểu số là một nhóm người sống trên một quốc gia hoặc địa phương nhất định, có những đặc điểm đồng nhất về chủng tộc, tín ngưỡng, ngôn ngữ và truyền thống, có sự giúp đỡ lẫn nhau, có quan điểm thống nhất trong việc bảo lưu những yếu tố truyền thống, duy trì tôn giáo, tín ngưỡng và hướng dẫn, giáo dục trẻ em trong cộng đồng theo tinh thần và truyền thống của chủng tộc họ”.
Vào năm 1992, Liên Hiệp Quốc đã chính thức thông qua “Tuyên ngôn về quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc hay tộc người, tôn giáo và ngôn ngữ, trong đó thuật ngữ “dân tộc thiểu số” được xác định dùng để chỉ một nhóm người cư trú trên lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền mà họ là công dân; duy trì mối quan hệ lâu dài với quốc gia mà họ đang sinh sống, thể hiện bản sắc riêng về chủng tộc, văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ của mình, đủ tư cách đại diện cho nhóm dân tộc của họ mặc dù có số lượng ít hơn ở nước này; có mối quan tâm đến bảo tồn bản sắc chung của mình, bao gồm các yếu tố văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo và ngôn ngữ”.
Ngoài ra, tiếp cận ở tính tổn thương, Louis Wirth (1945) cho rằng: “dân tộc thiểu số là một nhóm người, có một số nét đặc thù về ngoại hình hay văn hóa, bị đối xử khác biệt và không bằng những thành viên khác của xã hội mà họ sinh sống, do đó tự coi mình là đối tượng của một sự phân biệt tập thể” (theo Phan Thị Nhật Tài và cộng sự, 2020).
Ở Việt Nam, khái niệm dân tộc thiểu số được tìm thấy ở một số các văn kiện của Đảng, Nhà nước và một số nghiên cứu về các vấn đề dân tộc, có thể kể đến như Nghịđịnh 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc trong đó nêu “dân tộc thiểu số là những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam” (Dân tộc đa sốđược định nghĩa là “dân tộc có số dân chiếm trên 50% tổng dân số của cả nước theo điều tra dân số quốc gia”. Ở Việt Nam, mặc dù Việt Nam với tư cách là thành viên đã ký vào Tuyên bố về quyền của người bản địa của Đại hội đồng Liên hiệp quốc (2007) nhưng Việt Nam không đồng nhất khái niệm người dân tộc thiểu số với người bản địa mà thuật ngữ “dân tộc thiểu số” để chỉ chung cho những người không thuộc dân tộc Kinh, thể hiện chủ trương “thống nhất trong đa dạng” của Chính phủ.
Theo Đỗ Thị Hải Hà (2020), thuật ngữ dân tộc thiểu số cũng được đề cập là “nhằm để chỉ nhóm người dễ bị tổn thương, có bản sắc văn hóa xã hội khác biệt và có những đặc điểm ở các mức độ khác nhau. Dân tộc thiểu số thể hiện trong mối tương quan về số lượng dân số (nhân khẩu) giữa các nhóm dân tộc trong một quốc gia, và dân tộc thiểu số là các dân tộc chiếm số dân ít hơn so với dân tộc đông nhất”.
Còn theo Phan Thị Nhật Tài và cộng sự (2020), nhóm dân tộc thiểu số được dùng để “chỉ các nhóm người có những sự khác biệt về một phương diện nào đó với cộng đồng người chung trong xã hội. Họ có sự khác biệt với nhóm người đa số về phương diện ngôn ngữ và văn hóa, khác biệt về nhận thức và tôn giáo, về hoàn cảnh kinh tế, điều kiện sống và thu nhập… và đi kèm theo đó là sự khác biệt về phương thức ứng xử của cộng đồng với chính họ”.
Như vậy, có thể thấy thuật ngữ dân tộc thiểu sốở các quốc gia khác nhau và các góc độ tiếp cận khác nhau, có cách hiểu và sử dụng khác nhau. Trong khung khổ của nghiên cứu, luận án sử dụng khái niệm dân tộc thiểu số theo NghịĐịnh 05/2011/NĐ- CPđể thực hiện phân tích chính sách HTNO đối với người dân tộc thiểu số.