2.2.1. Khái niệm, căn cứ hình thành chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người dân vùng DTTS
2.2.1.1. Khái niệm Chính sách nhà ở
Mặc dù chính sách của nhà nước là vấn đề nghiên cứu từ rất lâu, nhưng thuật ngữ “chính sách” ít được đề cập đến trong các nghiên cứu về chính sách.
Theo Anderson (1984): “Chính sách là một chuỗi (tập hợp) những hành động có mục đích nhằm giải quyết một vấn đề”, còn theo Considine (1994), “Chính sách là một hành động mang tính quyền lực nhà nước nhằm sử dụng nguồn lực để thúc đẩy một giá trị ưu tiên”, Dye (1992) thì lại cho rằng: “Chính sách công là những gì chính phủ lựa chọn làm hoặc không làm”.
Theo từ điển Bách Khoa Việt Nam: “Chính sách là những chuẩn tắc cụ thể để thực hiện đường lối nhiệm vụ. Chính sách được thực hiện trong một thời gian nhất định, trên những lĩnh vực cụ thể nào đó”.
Tùy vào mục đích, đối tượng tác động, chủ thể ra quyết định, mà có nhiều loại chính sách: chính sách công, chính sách tổ chức, chính sách doanh nghiệp…
Trong khung khổ nghiên cứu của luận án, Chính sách hỗ trợ nhà ở của nhà nước Việt Nam, có tính chất là một chính sách công, và vì vậy chính sách công mang một số đặc điểm sau: (i) mang tính quyền lực nhà nước, thực thi bởi các cơ quan nhà nước thông qua sử dụng các nguồn lực công và ràng buộc pháp lý mà lĩnh vực tư không thể; (ii) mang tính định hướng mục tiêu, nhằm đạt được những mục đích cụ thể, hoặc giải quyết các vấn đề đặc thù trong cộng đồng; (iii) mang tính phương tiện, bao gồm những hoạt động, nguồn lực của chính phủ thiết kếđể đạt tới kết quả nhất định, (iv) mang tính chính trị, là kết quả của một sự thoả thuận, đàm phán, cạnh tranh giữa các ý tưởng, các lợi ích, các hệ tư tưởng tác động thúc đẩy hệ thống chính trị (Althaus, Bridgman & Davis 2013).
Xét về khía cạnh lý thuyết, cho đến nay chưa có một lý thuyết chính thống nào đề cập đến khái niệm chính sách nhà ở. Mặc dù vậy, cũng đã có một số nghiên cứu đề cập đến khái niệm về chính sách nhà ở như Nguyễn Ngọc Châu (2001), và Đỗ Thanh Tùng (2007).
Theo Nguyễn Ngọc Châu (2001), “Chính sách nhà ở thể hiện những hoạt động mà Chính phủ và các văn bản pháp luật điều tiết và quản lý các vấn đề liên quan tới
việc tham gia của mọi thành phần kinh tế trong quá trình xây dựng và cung cấp dịch vụ nhà ở cho người dân”
Đồng quan điểm với Nguyễn Ngọc Châu, Đỗ Thanh Tùng (2007) cho rằng “Chính sách nhà ở là những cơ chế hoạt động mà nhà nước tiến hành để cung cấp các dịch vụ nhà ở cho dân cư. Nhà nước can thiệp, có giới hạn bằng các văn bản pháp luật buộc mọi đối tượng phải tuân thủ.
Như vậy, có thể thấy chính sách nhà ở là những cơ chế hoạt động (bao gồm các chuẩn tắc cụ thể) liên quan đến lĩnh vực nhà ở, mà chính nhà nước tiến hành, điều tiết và quản lý.
Chính sách nhà ở đối với người dân vùng DTTS
Vùng DTTS là vùng đặc biệt khó khăn, đời sống người dân nghèo nàn, cơ sở hạ tầng thiếu và chất lượng thấp, thiên tai, lũ lụt xảy ra thường xuyên cùng với tập quán du canh du cư, khiến cho tình trạng không nhà ở, đất ở của người dân nơi đây diễn ra thường xuyên và có xu hướng ngày càng tăng cao. Để người dân có cuộc sống đảm bảo, có nơi ăn chốn ở cốđịnh, có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, sớm thoát nghèo, chính phủ đã thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn. Đây được coi là một trong các chính sách đặc thù dành cho người DTTS và người dân vùng DTTS. Chính sách HTNO đối vớingười dân vùng DTTS là một chính sách nằm trong tổng thể các chính sách KTXH do nhà nước ban hành, vì vậy căn cứ dựa trên khái niệm về chính sách KTXH cùng với mục đích, mục tiêu của chính sách mà có thể hiểu chính sách HTNO đối với người dân vùng DTTS là “tổng thể các quan điểm, tư tưởng, giải pháp và công cụ mà nhà nước sử dụng để tác động lên các chủ thể kinh tế xã hội, nhằm hỗ trợ về: nhà ở, đất ở, vốn vay, cho đối tượng chính là hộ đồng bảo DTTS tại chỗ, định cư thường trú tại địa phương hoặc hộ nghèo sinh sống tại vùng DTTS ”
Chính sách HTNO đối với người dân vùng DTTS Việt Nam được thể hiện ở nhiều văn bản chính sách và qua nhiều giai đoạn từ 2004 đến nay, được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại 06 Quyết định: số 134/2004/QĐ-TTg ngày 27/4/2004; số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009, số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013; số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016; số 74/2008/QĐ-TTg ngày 09/06/2008; số 29/2013/QĐ-TTg ngày 20/05/2013 (Bộ KH&ĐT, 2019). Trong đó, các quyết định liên quan trực tiếp đến chính sách HTNO đối với người dân vùng DTTS khu vực Tây Bắc là: 134/2004/QĐ- TTg ngày 27/4/2004; 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009, 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013; 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016;
2.2.1.2. Căn cứ hình thành chính sách HTNO đối với người dân vùng DTTS
Theo Đoàn Thị Thu Hà và cộng sự (2008) trong giáo trình phân tích chính sách KTXH, căn cứ để lựa chọn vấn đề cho các chính sách hay chính là căn cứ hình thành nên các chính sách đó chính là tính quan trọng, tính bức xúc trong đời sống KTXH, thể hiện ở 3 giác độ: (i) Vấn đề trở thành mâu thuẫn ngày càng gay gắt hoặc trở thành vật cản đối với sự phát triển của đất nước; (ii) Vấn đề là mối quan tâm, lo lắng của nhiều người, có ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống KTXH; (iii) Vấn đề có nhiều khả năng trở thành nguy cơ trong tương lai. Người dân vùng DTTS vốn có điều kiện sống khó khăn, kém phát triển hơn các vùng khác trong cả nước, được coi là lõi nghèo của cả nước. Đồng thời, nhà ở/đất ở được coi là điều kiện sản xuất và sinh hoạt tối thiểu của người dân, không có nhà ở, đất ở người dân không đảm bảo được cuộc sống, dẫn đến đói nghèo, kéo theo làm cản trở sự phát triển KTXH của toàn vùng cũng như của cả nước. Sự kém phát triển, đi kèm với nhiều bất ổn và nguy cơ, đó là phá rừng làm rẫy, hủy hoại môi trường, tệ nạn xã hội và mất an ninh khu vực… vì vậy đảm bảo điều kiện sống tối thiểu cho người dân vùng DTTS là một trong những yêu cầu quan trọng và bức thiết là căn cứ quan trọng để hình thành nên chính sách HTNO đối với người dân vùng DTTS.
Ở một cách tiếp cận khác, Đỗ Thị Hải Hà (2020), cho rằng, để một chính sách được hình thành phải căn cứ vào: (i) chính trị, pháp lý; (ii) thực tiễn; (iii) khoa học.
Xét về mặt chính trị, chính sách HTNO đối với người dân vùng DTTS là một bộ phận trong các công cụ quản lý của nhà nước, do đó thể chế chính trị và mục đích chính trị là căn cứ cơ bản để hình thành chính sách HTNO đối với người dân vùng DTTS. Nội dung chính sách HTNO đối với người dân vùng DTTS đều được thể hiện trong các quyết định đều dựa trên các căn cứ chính trị cụ thể, thể hiện dưới các văn kiện của Đảng, ví dụ như Nghị quyết số 76/2014/QH13, Nghị quyết số 80/NQ-CP (theo Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016).
Xét về mặt pháp lý, chính sách HTNO đối với người dân vùng DTTS là do nhà nước ban hành do đó nội dung, mục đích, công cụ chính sách… đều không được vượt qua khỏi khung khổ pháp luật và phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Trên thực tế, các Quyết định liên quan đến chính sách HTNO đối với người dân vùng DTTS khi được ban hành đều căn cứ vào Luật tổ chức chính phủ và pháp luật vềđất ở.
Xét về mặt thực tiễn, chính sách HTNO đối với người dân vùng DTTS đều dựa trên nhu cầu thực tế thiếu đất ở của người dân vùng DTTS từ các địa phương cung cấp.
Xét về mặt khoa học, dựa trên phương pháp luận biện chứng và phân tích dự báo về các nguy cơ và kết quả của thực tiễn nếu không thực hiện chính sách, đồng thời phân tích tính khả thi và dự báo những lợi ích mà chính sách đem lại là một căn cứ cần phải xem xét trước khi xây dựng bất cứ chính sách nào, trong đó có chính sách HTNO đối với người dân vùng DTTS. Dự báo các nguy cơ tụt hậu, khoảng cách ngày càng xa về phát triển kinh tế, trình độ dân trí, nguy cơ về bất ổn an ninh chính trị vùng DTTS, tác động tiêu cực đến vấn đề sức khỏe… vì không có nhà ở/đất ở là sở cứ để hình thành chính sách HTNO.