Nhiều chính sách và nghiên cứu đã được thực hiện cho khu vực đồng bào DTTS, tuy nhiên khái niệm “người dân vùng dân tộc thiểu số” hầu như chưa được đề cập, các nghiên cứu hầu hết chỉ đề cập đến khái niệm và đặc điểm của người DTTS hay vùng DTTS. Xét về mặt thực tiễn, có thể thấy, người dân vùng DTTS là người dân sinh sống tại vùng DTTS. Trên thế giới, nhiều quốc gia với các chính sách về hòa hợp dân tộc, vì vậy mà có những vùng DTTS sẽ không chỉ có duy nhất một dân tộc (tộc người) sinh sống, do đó người dân vùng DTTS sẽ có sự trộn lẫn giữa người DTTS và người dân tộc đa số. Tại Việt Nam, theo UBDT (2020), vùng DTTS là nơi có trên 15% hộ dân sinh sống là hộ DTTS, như vậy người dân vùng DTTS có thể là người DTTS cũng có thể là người dân tộc Kinh. Họ có thể sống xen ghép cùng nhau, nhưng cũng có thể sống tách biệt theo nhóm dân tộc. Đặc điểm pha trộn dân cư vùng DTTS tạo nên sự giao thoa về văn hóa, đặc điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của Vùng DTTS cũng tạo nên đặc trưng tính cách con người vùng DTTS.
Một số đặc điểm người dân vùng DTTS Việt Nam:
(i) Phần lớn cộng đồng người dân vùng DTTS cư trú phân tán, xen kẽ nhau, không tập trung tại địa bàn cụ thể. Theo điều tra của UBDT (2020), không có tỉnh, huyện nào của Việt Nam chỉ có thuần nhất một dân tộc thiểu số cư trú.
(ii) Văn hóa buôn làng tồn tại, người có uy tín để kết nối và dẫn dắt thôn/bản/buôn… thường là các già làng trưởng bản, tuy nhiên người uy tín ở mỗi cộng đồng khác nhau lại khác nhau, ví dụ như với vùng người Dao thì là thầy cúng, với vùng người Mông là ông trưởng dòng họ, với vùng người Khmer thì là nhà sư.
(iii) Người DTTS thường có tâm lý tự ti, bảo thủ, mẫn cảm, không dễ tiếp nhận cái mới, để tạo nên sự thay đổi về nhận thức và hành vi trong cộng đồng người DTTS cần một khoảng một khoảng thời gian nhất định.
(iv) Đặc điểm trong đời sống sản xuất và sinh hoạt của đồng bào người dân vùng DTTS đa số là cuộc sống tự cung tự cấp, gắn bó với môi trường thiên nhiên, chấp nhận và thích nghi cuộc sống tự nhiên, ít áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tâm lý sản xuất “nhờ trời” là khá phổ biến.
(v) Phần đông người dân các DTTS có tâm lý dễ chán nản, bỏ cuộc khi gặp thất bại trong làm ăn, tâm lý này xuất phát từ thói quen khai thác các sản vật tự nhiên của rừng núi, dễ kiếm, ít thất bại.
(vi) Thiếu tính toán hợp lý trong chi tiêu, không có kế hoạch, tích lũy, nên khi mất mùa, thiên tai thường rơi vào tình trạng thiếu đói.
(vii) Tâm lý không muốn đi xa, tách rời khỏi cộng đồng thôn bản, tộc người nơi họ gắn bó sinh sống, dẫn đến tình trạng di dịch chuyển lao động ra ngoài khu vực nông thôn rất hạn chế. Ngoài ra, hầu hết lao động có trình độ thấp, chưa qua đào tạo nghề nên không tự tin thoát ra khỏi môi trường nông thôn để tự lập làm ăn sinh sống ở những địa bàn khác.
(viii) Đời sống người dân vùng DTTS còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển, trình độ phát triển kinh tế, xã hội không đồng đều, điều kiện sống và mức sống còn chênh lệch giữa các dân tộc.
(ix) Người dân vùng DTTS thường thiếu thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin hơn so với các vùng khác do điều kiện địa hình, đời sống kinh tế khó khăn, cùng với bất cập về ngôn ngữ và tỷ lệ mù chữ khá cao ở vùng DTTS.
Những đặc điểm này đã phần nào cho thấy khó khăn mà công tác truyền thông, tuyên truyền chính sách của Đảng và nhà nước nói chung, chính sách HTNO đối vớingười dân vùng DTTS nói riêng gặp phải. Khó khăn không chỉ bởi đặc điểm phân bố phân tán, còn ở yếu tố ngôn ngữ, điều kiện đời sống kinh tế và còn ở tâm lý lười thay đổi từ phía người dân, đặt ra yêu cầu cần phải có những giải pháp để phát huy hiệu quả thực hiện chính sách theo đúng đường lối chủ trương của Đảng và nhà nhước đề ra.