Tai biến, biến chứng do điều trị

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kết quả điều trị u nguyên bào thận theo phác đồ SIOP 2001 tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Trang 95 - 96)

- Dạng tế bào mầm

4.1.6.Tai biến, biến chứng do điều trị

Chúng tôi có 1 trường hợp tử vong và xét nghiệm cho thấy có suy gan, thận nặng kèm theo rối loạn đông máu. Trừ trường hợp này, trong quá trình điều trị hóa chất, không có bệnh nhân nào bị suy gan, thận nặng hoặc suy giảm nặng chức năng các cơ quan khác (không tính các trường hợp làm xét nghiệm ngay trước khi bệnh nhân tử vong).

Khi đánh giá mức độ độc tính do điều trị lên các hệ cơ quan theo tiêu chuẩn mà SIOP áp dụng, chúng tôi thấy phần lớn là không có hoặc ở mức độ nhẹ, chỉ có 8 trường hợp ở mức độ III, không có mức độ IV.

Trong các bệnh nhân còn lại, biến chứng nặng nhất là sốt giảm bạch cầu hạt: có 7 bệnh nhân với 24 lượt bị sốt và giảm bạch cầu hạt ở mức độ III trong quá trình điều trị. Trong đó 23/24 lượt là ở các bệnh nhân được điều trị theo chế độ nguy cơ cao (điều trị ban đầu sau phẫu thuật hoặc điều trị tái phát). 20/60 bệnh nhân có thiếu máu hoặc giảm tiểu cầu, phần lớn ở mức độ nhẹ, chỉ có 5 bệnh nhân cần được truyền máu do thiếu máu ở mức độ trung bình. Chúng tôi không tính truyền máu trong phẫu thuật. Tất cả bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi có kết quả xét nghiệm chức năng gan, thận trước và sau phẫu thuật trong giới hạn bình thường. Điều đó có nghĩa khi bệnh nhân có tổn thương thận do u, sau khi cắt 1 bên thận, chức năng thận vẫn đảm bảo, thậm chí ở bệnh nhân có u ở 2 bên đồng thời. Điều này cũng phù hợp với kết quả của các nước phát triển, chưa thấy có nghiên cứu nào thông báo có biểu hiện suy gan, thận do cắt 1 thận ở các bệnh nhân u nguyên bào thận. Kết quả này được giải thích bằng khả năng bù trừ của thận còn lại và chức năng gan chưa bị ảnh hưởng do không có bệnh nhân nào bị di căn gan gây tổn thương nặng.

Có 3/60 bệnh nhân có tăng ure, creatinine trong quá trình điều trị (không tính đến các trường hợp suy thận trước tử vong), giảm độ thanh thải creatinine và được chẩn đoán là suy thận cấp, tuy vậy can thiệp điều trị chỉ ở mức đơn giản là tăng lượng dịch truyền và dùng lợi tiểu đã khắc phục được. 3 bệnh nhân này giảm độ thanh thải creatinine khi đang được điều trị với chế độ nguy cơ cao. Như vậy việc cắt 1 thận và điều trị hóa chất không gây tình trạng suy thận nặng ở bệnh nhân.

Có 8/60 bệnh nhân có tăng men gan GOT, GPT trong quá trình điều trị (không tính các trường hợp suy chức năng gan trước tử vong) và cần điều trị hỗ trợ tuy không được chẩn đoán là suy gan.

Tất cả bệnh nhân khi kết thúc điều trị đều có các chỉ số chức năng gan, thận (ure, creatinine, GOT,GPT) trong giới hạn bình thường.

Có 51 lượt bệnh nhân phải điều trị nội trú do các bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi, ỉa chảy…

Chúng tôi không có trường họp nào bị xơ phổi hoặc tổn thương khác của phổi, dựa trên phim Xq phổi, sau điều trị.

Như vậy có thể nhận xét là với phác đồ SIOP 2001, hầu hết các biến chứng nặng chỉ gặp ở các bệnh nhân được điều trị với chế độ nguy cơ cao: bao gồm hóa chất mạnh, kéo dài và kết hợp với xạ trị.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kết quả điều trị u nguyên bào thận theo phác đồ SIOP 2001 tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Trang 95 - 96)