ương trên thế giới
Đánh giá chính xác tình trạng huyết động và từ đó đưa ra các quyết định điều trị đúng đắn, khoa học là việc làm rất quan trọng giúp làm giảm tỉ lệ biến chứng và tử vong trong hồi sức các BN nặng.
Từ những năm 1970, phương pháp đặt catheter ĐM phổi đã trở thành “tiêu chuẩn vàng” trong đánh giá cung lượng tim và theo dõi huyết động chuyên sâu. Tuy nhiên những biến chứng về kỹ thuật khi sử dụng catheter ĐM phổi đã làm hạn chế khả năng ứng dụng rộng rãi của nó trong thực hành lâm sàng. Có thể kể đến một số nguy cơ thường gặp như: Nhiễm trùng, thuyên tắc mạch, huyết khối, loạn nhịp thất, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, tổn thương van tim, thủng tim, thủng ĐM phổi do catheter, tràn máu màng tim gây hội chứng ép tim cấp, đặc biệt là nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu áp dụng phương pháp đặt catheter ĐM phổi ở những BN nặng cho thấy: Chỉ định đặt catheter ĐM phổi đôi khi làm cho các bác sỹ phải cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích, mặc dù nó giúp rút ngắn thời gian nằm viện song lại tăng tỉ lệ tử vong. Catheter ĐM phổi được sử dụng để đo áp lực ĐM phổi và CO giúp hướng dẫn cho bù dịch và điều chỉnh huyết động. Nhiều nghiên cứu chỉ ra catheter ĐM phổi không có lợi ở các BN hồi sức [144], ở các BN tim mạch [167] và ở các BN phẫu thuật có nguy cơ cao [156].
Trong một tuyên bố đồng thuận năm 2000 của hội tim phổi - huyết học và cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo không sử dụng catheter ĐM phổi cho các phẫu thuật lớn [29]. Do đó trong những năm gần đây, các nhà khoa học ngày càng áp dụng nhiều phương pháp theo dõi huyết động ít xâm nhập hơn, bao gồm: Siêu âm tim qua thực quản, siêu âm Doppler, đo kháng trở sinh học lồng ngực (Thoracic bioimpedance), phương pháp thở lại CO2 từng phần (Partial rebreathing of CO2), đo tỉ trọng
chất chỉ thị qua sóng mạch (Pulse dye densitometry), hòa loãng Lithium (LiCCO), phân tích sóng mạch và hòa loãng nhiệt qua phổi (PiCCO).
Nghiên cứu của Bajorat và cộng sự [25] đánh giá giá trị của các phương pháp đo cung lượng tim trên, kết quả là chỉ có phương pháp hòa loãng nhiệt qua ĐM phổi và hòa loãng nhiệt qua phổi có thể thay thế cho nhau khi theo dõi huyết động ở BN có tình trạng huyết động không ổn định.
Nghiên cứu của Bettex năm 2004 ở 30 BN sau mổ bắc cầu vành, cho thấy cung lượng tim đo bằng phương pháp hòa loãng nhiệt chính xác hơn phương pháp siêu âm qua thực quản [30].
Nghiên cứu của Mielck và cộng sự ở 22 BN mổ bắc cầu vành cho thấy có mối tương quan chặt chẽ giữa phương pháp hòa loãng nhiệt qua ĐM phổi và phương pháp phân tích sóng mạch. [114].
Nghiên cứu phân tích từ 75 nghiên cứu khác đánh giá mức độ chính xác của phương pháp PiCCO, LiDCO và LiDCO-TMrapid, Flotrac Vigileo và PRAM (Vytech, Ý) trong xác định SV và CO cho thấy phương pháp PiCCO và LiDCO có độ chính xác cao hơn [43].
Hiện nay nhiều cơ sở điều trị trên thế giới đã áp dụng phương pháp PiCCO như một theo dõi thường quy cho các trường hợp có rối loạn huyết động nặng mà không cần đặt catheter ĐM phổi.