Điều chỉnh huyết động theo đích

Một phần của tài liệu Nghiên cứu những biến đổi huyết động và lượng nước ngoài mạch phổi bằng phương pháp PiCCO ở bệnh nhân mổ tim mở (Trang 44 - 47)

Tỉ lệ biến chứng sau mổ tim vẫn còn cao [56], một số nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 9,2% BN cần chăm sóc dài ngày tại hồi sức [61], tiên lượng xa xấu do tình trạng huyết động không ổn định, rối loạn chức năng các cơ quan [60], [133]. Các BN này thường có biến chứng nặng và kéo theo chi phí điều trị tăng cao. Tưới máu mô không đủ liên quan đến tỉ lệ tử vong và biến chứng

cao hơn [68], [86]. Điều chỉnh hợp lý huyết động giúp cải thiện cung cấp oxy cho mô và cải thiện kết quả điều trị và giảm giá thành phẫu thuật [40], [51]. Do đó điều chỉnh huyết động hợp lý được coi là chiến lược quan trọng trong điều trị các BN hồi sức nặng [111], [113].

Điều chỉnh huyết động theo đích (ĐCHĐTĐ) bao gồm các biện pháp theo dõi và điều trị tích cực huyết động ở BN có nguy cơ cao biến chứng và tử vong. Mục đích của ĐCHĐTĐ là đảm bảo đủ oxy cho mô và duy trì sự sống.

Nhiều nghiên cứu cho thấy áp dụng ĐCHĐTĐ giúp cải thiện kết quả điều trị: Nghiên cứu áp dụng ĐCHĐTĐ với mục tiêu là tối ưu SV và CO ở BN phẫu thuật có nguy cơ cao và ở các BN nhiễm khuẩn cho thấy cải thiện kết quả điều trị [127], [134]. Nghiên cứu ở 62 BN phẫu thuật không phải tim mạch cho thấy ĐCHĐTĐ với mục tiêu DO2I ≥ 600 ml/phút/m2

làm giảm biến chứng và thời gian nằm viện so với nhóm điều trị thường quy [127]. Nghiên cứu phân tích cộng gộp năm 2009 dựa trên 16 nghiên cứu khác ở các BN phẫu thuật lớn đã khẳng định áp dụng ĐCHĐTĐ với mục tiêu duy trì đủ oxy máu giúp cải thiện kết quả điều trị, giảm biến chứng về tiêu hóa sau mổ [62]. Ở BN mổ tim, nghiên cứu áp dụng ĐCHĐTĐ với mục tiêu là độ bão hòa oxy tĩnh mạch trung tâm (ScvO2 : Central venous oxygen saturation) > 65% giúp

làm giảm thời gian nằm viện và biến chứng. ScvO2 có thể sử dụng để thay độ bão hòa oxy tĩnh mạch trộn (SvO2 : Mixed venous oxygen saturation) trong hướng dẫn điều trị sốc nhiễm khuẩn. Tuy nhiên ở BN mổ tim, có độ chênh lệch đáng kể giữa SvO2 và ScvO2 [155]. Kapoor và cộng sự nghiên cứu trên BN mổ tim với mục tiêu chính là duy trì ScvO2 > 70% và SVI: 30 - 65 ml/m2 cho thấy ở nhóm ĐCHĐTĐ, thời gian thở máy, thời gian sử dụng thuốc cường tim, thời gian nằm hồi sức và nằm viện giảm [85]. Nghiên cứu của Mc - Kendry và cộng sự cũng cho thấy hiệu quả của ĐCHĐTĐ trong giảm thời gian nằm hồi sức và thời gian nằm viện ở các BN mổ tim [107].

Mục tiêu trong ĐCHĐTĐ thường bao gồm các thông số liên quan đến lưu lượng máu như: CO hoặc chỉ số cung cấp oxy (DO2I: Oxygen Delivery Index). Điều trị dựa vào các thông số này có tác dụng cải thiện kết quả điều trị ở các BN mổ có nguy cơ cao. Hầu hết tác giả cho rằng sự thiếu hụt oxy mô do giảm dòng máu, giảm oxy máu hoặc giảm thể tích có thể gây tổn thương ty lạp thể, rối loạn vi tuần hoàn và sau đó là suy chức năng các cơ quan [111]. Ngược lại, duy trì đủ tưới máu mô đóng vai trò như là chìa khóa để ngăn cản các kết quả không có lợi. Để đo lưu lượng máu tưới cho mô ngoại vi là khó khăn, mặc dù cung cấp oxy cho mô xấp xỉ bằng sử dụng DO2I. Tuy nhiên do DO2I cần phải tính toán từ các kết quả đo khí máu [106], do đó việc sử dụng CI như là một mục tiêu trong ĐCHĐTĐ là phù hợp, thông số này được đo dễ dàng và liên tục bằng phương pháp PiCCO.

Theo định luật Frank - Starling, tiền gánh là yếu tố chính quyết định chức năng tim, do đó tối ưu tiền gánh là vấn đề đặc biệt quan trọng ở các BN có giảm chức năng tim. Theo dõi áp lực đổ đầy như CVP và PAOP là không chính xác trong đánh giá tiền gánh ở BN thở máy [76], [91], [96] [111], [113]. Ngược lại, nhiều nghiên cứu cho thấy GEDV và ITBV có độ chính xác cao hơn áp lực đổ đầy trong đánh giá tiền gánh [38]. Hơn nữa, đo EVLW được coi như một phương pháp tin cậy trong đánh giá phù phổi [152].

Như vậy CI, GEDVI, EVLWI là các thông số quan trọng trong ĐCHĐTĐ. Nghiên cứu của Goeperf và cộng sự [65] áp dụng ĐCHĐTĐ dựa các thông số trên cho thấy hiệu quả giảm thời gian nằm hồi sức, giảm liều và thời gian sử dụng thuốc vận mạch. Nghiên cứu của Smetkin [159] trên BN mổ tim chia làm 2 nhóm, nhóm điều chỉnh dịch dựa vào CVP, HATB và tần số tim và nhóm ĐCHĐTĐ dựa vào ITBVI, CI, HATB, ScvO2, cho thấy nhóm ĐCHĐTĐ có thời gian nằm hồi sức, thời gian nằm viện giảm.

Như vậy, điều chỉnh huyết động theo đích dựa vào các thông số CI, GEDVI, EVLWI, HATB đo từ hệ thống PiCCO cho thấy hiệu quả giảm thời

gian nằm hồi sức, giảm liều và thời gian sử dụng thuốc vận mạch. Tuy nhiên mỗi nghiên cứu lại sử dụng một số mục tiêu và thiết bị theo dõi khác nhau. Chưa có nghiên cứu nào ở Việt Nam nghiên cứu về ĐCHĐTĐ dựa trên các thông số đo từ phương pháp PiCCO ở bệnh nhân phẫu thuật tim mở.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu những biến đổi huyết động và lượng nước ngoài mạch phổi bằng phương pháp PiCCO ở bệnh nhân mổ tim mở (Trang 44 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(183 trang)