CHƯƠNG 5 KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH
5.4. XUẤT, KHUYẾN NGHỊ
Theo đánh giá của các tổ chức, chuyên gia kinh tế, những kết quả cải cách hành chính trong thời gian qua của ngành Thuế đã tác động tích cực đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được xã hội và cộng đồng người dân và DN đánh giá cao. Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nói chung và cải cách TTHC thuế nói riêng, ngành Thuế cần chú trọng triển khai một số vấn đề sau:
Triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tập trung rà soát, đơn giản các TTHC, cắt giảm mạnh chi phí, tạo thuận lợi cho người dân, DN theo Quyết định số 683/QĐ-BTC ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức
độ 3, 4 của Bộ Tài chính về tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2020. Trong đó, năm 2020, Tổng cục Thuế tích hợp 2 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 91 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Như vậy, trước mắt, tiếp tục thực hiện rà soát, xây dựng lộ trình chi tiết triển khai tích hợp các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đảm bảo đến quý IV/2020 hoàn thành tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó, đẩy mạnh thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, thu phạt xử lý vi phạm hành chính và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết TTHC, thực hiện dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tăng cường cải cách TTHC, rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa phương thức quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người dân, DN.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hiện đại hoá lĩnh vực thuế: Tiếp tục mở rộng triển khai các dịch vụ bằng phương thức điện tử (khai, nộp, hoàn thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà, nộp thuế điện tử lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản)…
Đẩy mạnh triển khai áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế trên toàn quốc thông qua việc ban hành các bộ tiêu chí xác định, phân loại rủi ro và các quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý đăng ký thuế, khai thuế. Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chống chuyển giá, gian lận thuế, trốn thuế..., tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia, tổ chức quốc tế trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành Thuế.
Đẩy mạnh triển khai các dịch vụ thuế điện tử hướng đến mục tiêu tối thiểu 65% tổ chức, DN thực hiện đăng ký thuế điện tử, 95% DN khai thuế điện tử, 95% DN nộp thuế điện tử, các khoản thanh toán điện tử chiếm trên 75% giá trị của tổng số thu thuế đối với các sắc thuế chính, thực hiện hoàn thuế điện tử; áp dụng chế độ kế toán thuế nội địa trên toàn quốc.
Chú trọng phát triển các ứng dụng phục vụ quản lý rủi ro trong quản lý thuế và kho cơ sở dữ liệu cũng như hệ thống khai thác dữ liệu, tổng hợp báo cáo phục vụ quản lý thuế theo hướng tập trung; xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng đối với
từng vị trí cán bộ công nghệ thông tin và tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ sử dụng, khai thác ứng dụng công nghệ thông tin cho 100% cán bộ thuế.
Phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và DN thông qua việc đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ thuế điện tử, triển khai có hiệu quả hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, dịch vụ một cửa điện tử và hỗ trợ trực tuyến tập trung tại Tổng cục Thuế.