Xét trên góc độ tổng quan, bản chất của kiểm toán chính là việc xác minh và bày tỏ ý kiến về thông tin của khách thể được kiểm toán bằng sự kiểm tra một cách độc lập từ bên ngoài, kết hợp với những phương pháp kỹ thuật do các kiểm toán viên có trình độ chuyên môn cao thực hiện. Hoạt động kiểm toán sẽ được nhà nước và các cơ quan có thẩm quyển quản lí và giám sát dựa trên ba phương diện chủ yếu:
Các thông tin công khai phải tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực chung được xã hội thừa nhận.
Các công ty kiểm toán và kiểm toán viên phải tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định liên quan.
Các sai lệch cũng như xuyên tạc các thông tin công khai nhằm mục đích đánh lừa cũng như gây thiệt hại cho người sử dụng thông tin sẽ được pháp luật can thiệp. Mọi cá nhân, tổ chức có liên quan đến các hành vi đó đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trong giai đầu của phát triển, kiểm toán được đồng nghĩa với kiểm tra kế toán và rà soát các thông tin từ chứng từ cho đến bảng cân đối kế toán. Nhưng trong cơ chế thị trường ngày nay, đối tượng quan tâm đến thông tin kế toán ngày càng mở rộng, chính vì vậy hoạt động kiểm toán cũng có những thay đổi và phát triển. Hoạt động kiểm toán không chỉ dừng lại ở kiểm toán các bảng khai tài chính mà được mở rộng trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Do đó, khái niệm về kiểm toán được nhiều nhà khoa học thừa nhận, đó là: “Kiểm toán là là xác minh và bày tỏ ý kiến về thực trạng hoạt động cần được kiểm toán bằng hệ thống phương pháp kĩ thuật của kiểm toán chứng từ và kiểm toán ngoài chứng từ do các kiểm toán viên có trình độ nghiệp vụ tương xứng thực hiện trên cơ sở hệ thống pháp lý có hiệu lực“