Nghiên cứu định tính được thực hiện thông qua kỹ thuật phỏng vấn sâu nhóm người đã từng làm công việc trợ lý KTV tại Việt Nam qua những chia sẻ chân thực, thoải mái về vấn đề nghiên cứu để làm rõ hơn các tác động, nguyên nhân và các vấn đề xung quanh quyết định nghỉ việc của trợ lý KTV trong các công ty kiểm toán độc lập tại Việt Nam.
Mục tiêu phỏng vấn: Việc thực hiện phỏng vấn người đã từng làm trợ lý KTV tại Việt Nam giúp nhóm nghiên cứu tìm hiểu thực tế để khẳng định những nhận định đưa ra là sát thực tế, tìm hiểu và hoàn thiện những yếu tố có thể liên quan, là tiền đề để hình thành kết luận cho bài nghiên cứu. Chọn lọc những biến độc lập ảnh hưởng tới quyết định nghỉ việc của trợ lý KTV dựa trên các lý thuyết như tháp nhu cầu của Maslow (1943), thuyết hai nhân tố của Frederick Herzberg (1959), mô hình đặc điểm công việc của Hackman và Oldham (1974) và kết quả nghiên cứu của Gertsson và các cộng sự (2017) được trình bày ở phần tổng quan. Xác định mối quan hệ giữa các biến và xây dựng mô hình nghiên cứu đề xuất. Ngoài ra, tiến hành điều chỉnh, bổ sung thang đo và bảng hỏi cho những bước nghiên cứu sau.
Đối tượng nghiên cứu: Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn với 10 người đã từng làm công việc trợ lý KTV ở các công ty kiểm toán tại Việt Nam, có thể đã nghỉ hoặc vẫn tiếp tục làm và phát triển từ công việc trợ lý KTV. Để thực hiện phỏng vấn nhóm nghiên cứu đã gửi bảng câu hỏi thông qua phần mềm Google Drive cho những đối tượng trên. Nội dung phỏng vấn bao gồm những câu hỏi mở về sự khác biệt giữa các công ty kiểm toán trong nước và quốc tế, hành vi liên quan đến quyết định nghỉ việc, các nhân tố nào đã đề xuất là thúc đẩy/cản trở quyết định đó (chi tiết câu hỏi ở phần phụ lục 2).
Kết quả phỏng vấn: Sau khi gửi bảng hỏi trực tiếp nhóm nghiên cứu đã nhận được 10 câu trả lời, trong đó có 5 câu trả lời có nội dung tương tự nhau. Những người tham gia phỏng vấn có độ tuổi từ 26 - 30 tuổi, có trình độ đại học, họ đã từng làm trợ lý kiểm toán tại các công ty kiểm toán độc lập tại Việt Nam (Non - Big4), trong đó có 8 người làm việc ở Hà Nội và 2 người làm việc tại TP. Hồ Chí Minh.
Tóm tắt kết quả:
Thứ nhất, họ cho rằng công ty kiểm toán quốc tế có mức thu nhập cao hơn, chế độ phúc lợi, chính sách đối với nhân viên và môi trường làm việc tốt hơn, đặc biệt ở đó họ sẽ được đào tạo chuyên nghiệp hơn so với công ty kiểm toán trong nước.
Thứ hai, điều quan trọng đối với trợ lý KTV khi đưa ra quyết định nghỉ việc liên quan đến mức thu nhập, cơ hội thăng tiến, lương/thưởng, áp lực công việc, kinh nghiệm và cơ hội học hỏi.
Thứ ba, khi quan sát các đồng nghiệp đã từ bỏ công việc, theo họ đồng nghiệp nghỉ việc do công việc quá vất vả và nhiều áp lực, lương/thưởng thấp so với khối lượng công việc, họ không thích cách làm việc của cấp trên bên cạnh đó họ cảm thấy mình không được trân trọng.
Thứ tư, ngoài những khó khăn trên thì họ nhận thấy rằng môi trường làm việc cũng khá năng động, nhìn thấy được cơ hội phát triển từ công việc.
Thứ năm, đối với bảy nhân tố mà nhóm nghiên cứu đã đưa ra trong bảng phỏng vấn thì hầu hết họ đều cho rằng nhân tố chính sách phát triển nghề nghiệp, lương/thưởng có tác động thúc đẩy quyết định nghỉ việc của trợ lý KTV.
Thứ sáu, các đối tượng khảo sát hầu như đều cho ý kiến hoàn toàn đồng ý với thang đo và mô hình mà nhóm đã đề xuất. Tuy nhiên có góp ý về biến quan sát “Tôi có đủ thời gian để hoàn thành công việc trợ lý KTV” gây khó hiểu cho người khảo sát và đề xuất đổi thành “Khối lượng công việc quá lớn”.
Từ kết quả phỏng vấn trên, nhóm nghiên cứu khẳng định lại các biến độc lập bao gồm: “Chính sách phát triển sự nghiệp”, “Cấp quản lý”, “Làm việc nhóm”, “Lương - thưởng”, “Điều kiện làm việc”, “Nhận thức nghề nghiệp” và “Mức độ hài lòng với tổ chức” đều có tác động đối với quyết định nghỉ việc với trợ lý KTV. Tiếp nhận ý kiến góp ý của chuyên gia, nhóm tiến hành điều chỉnh thay thế biến quan sát “Tôi có đủ thời gian để hoàn thành công việc trợ lý KTV” thành “Khối lượng công việc quá lớn”. Ngoại trừ biến quan sát trên thì các biến quan sát còn lại là phù hợp và không có điều chỉnh thêm. Có thể kết luận những nhận định nhóm nghiên cứu đưa ra hoàn toàn sát với thực tế tạo cơ sở cho việc đưa ra kết luận của bài nghiên cứu.
Trên cơ sở về bảng hỏi đã được xây dựng và có điều chỉnh sau khi phỏng vấn chuyên gia, để các câu hỏi được đảm bảo thích hợp và rõ ràng nhóm tiến hành khảo sát thử nghiệm đối với một nhóm 5 KTV tại công ty TNHH PwC Việt Nam. Nhóm nghiên cứu cho các KTV tham gia trả lời bảng hỏi, sau đó bàn luận với nhau về các nội dung, vấn đề xuất hiện trong bảng hỏi và ghi lại kết quả. Dựa trên kết quả của cuộc thảo luận, các KTV tham gia khảo sát đều đồng ý với kết cấu và nội dung bảng hỏi đã trình bày rõ ràng, phù hợp, không
có sự hiểu lầm về ngôn ngữ, nội dung hỏi. Dựa trên cơ sở đó nhóm nghiên cứu tiến hành gửi bảng hỏi rộng rãi, phục vụ cho nghiên cứu định lượng.