Từ các nghiên cứu đã tìm hiểu và những mô hình đã đề cập ở phần cơ sở lý thuyết, nhóm lựa chọn mô hình nghiên cứu của Gertsson làm nền tảng và mở rộng phát triển chúng. Gertsson đã nghiên cứu 3 nhóm nhân tố ảnh hưởng đến quyết định nghỉ việc của trợ lý KTV, gồm: Môi trường làm việc, Điều kiện làm việc, Nhận thức nghề nghiệp. Kết quả nghiên cứu của Gertsson và các cộng sự (2017) cho rằng môi trường làm việc không ảnh hưởng đến quyết định nghỉ việc của trợ lý KTV. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nhận thấy tùy thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, đặc điểm văn hóa xã hội của từng khu vực địa lý vào từng thời điếm nhất định mô hình nghiên cứu đều được thay đổi trên một số khía cạnh để phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Thông qua các tài liệu thu thập được và qua nghiên cứu định tính, nhóm nghiên cứu đã hiệu chỉnh, thay đổi một số biến quan sát để phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đã kế thừa và phát triển nhân tố Điều kiện làm việc và Nhận thức nghề nghiệp trong mô hình. Bên cạnh đó, yếu tố Môi trường làm việc được cụ thể hóa và từ đó hình thành các nhân tố độc lập: Chính sách phát triển sự nghiệp; Cấp quản lý; Làm việc nhóm; Lương, thưởng; Mức độ hài lòng với tổ chức. Như vậy, nhóm đã đưa ra 7 biến độc lập chính ảnh hưởng đến biến phụ thuộc “Quyết định nghỉ việc”. 7 biến độc lập đó bao gồm: Chính sách phát triển sự nghiệp; Cấp quản lý; Làm việc nhóm; Lương, thưởng; Mức độ hài lòng với tổ chức; Điều kiện làm việc; Nhận thức nghề nghiệp. Các tác giả cũng xem xét đến tác động của các biến nhân khẩu học: Tuổi, Giới tính, Số năm kinh nghiệm, Chứng chỉ hành nghề lên quyết định nghỉ việc của trợ lý KTV tại Việt Nam. Mô hình nghiên cứu đề xuất được trình bày ở Hình 3.1.
Hình 3.1: Mô hình nghiên cứu đề xuất
Dựa vào mô hình nghiên cứu đề xuất ở Hình 3.1, các giả thuyết sẽ được hình thành như sau:
Chính sách phát triển sự nghiệp
Chính sách phát triển sự nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng để duy trì và nâng cao sự gắn bó giữa nhân viên và tổ chức. Nó liên quan đến các cơ hội phát triển kỹ năng, cơ hội thăng tiến trong công việc. Đối với những người mới vào nghề, đào tạo đóng vai trò thiết yếu để phát triển về kiến thức, kĩ năng, là nền tảng để phát triển sự nghiệp (Sturges và các cộng sự, 2000). Các chương trình học tập, trau dồi, phát triển điểm mạnh, khắc phục điểm yếu có thể có những tác động lớn đến quyết định việc tiếp tục làm việc hay nghỉ việc của người lao động nói chung và của các trợ lý KTV nói riêng. Trong quá trình làm việc, các nhân viên đều mong muốn mình có thể phát huy được hết năng lực bản thân, gia tăng kiến thức, kinh nghiệm và đạt được những vị trí cao hơn trên con đường sự
nghiệp. Một quy trình thăng tiến rõ ràng sẽ định hướng và tạo động lực cho nhân viên tiếp tục cống hiến, làm việc lâu dài trong tổ chức.
Vì vậy, giả thuyết H1 được phát biểu như sau:
H1: Chính sách phát triển sự nghiệp càng tốt thì quyết định nghỉ việc càng giảm.
Cấp quản lý
Tùy từng loại hình hoạt động, cơ cấu tổ chức của mỗi đơn vị sẽ tạo nên các đặc điểm khác nhau của cấp quản lý. Tương tự, mỗi nhà quản lý cấp cơ sở, cấp trung, cấp cao đều có những quan điểm, phong cách lãnh đạo khác nhau. Thông qua phong cách lãnh đạo, mỗi người lãnh đạo sẽ có cách thức điển hình để thực hiện chức năng và ứng xử với nhân viên cấp dưới (Huỳnh Thị Thu Sương và Lê Thị Kiềm Diễm, 2017). Những nhà lãnh đạo không độc đoán, chuyên quyền, luôn quan tâm đến nhân viên sẽ hình thành phong cách quản lý tốt, phù hợp, tăng sự thỏa mãn trong công việc, phù hợp với các giá trị cá nhân, tạo đóng góp tích cực đến hiệu quả công việc; từ đó sẽ tác động đến việc gắn bó lâu dài với tổ chức. Ngoài ra có nghiên cứu cho rằng hành vi lãnh đạo có mối quan hệ ngược chiều với ý định nghỉ việc (Well và Cs, 2003).
Vì vậy, giả thuyết H2 được phát biểu như sau:
H2: Cấp quản lý càng tốt thì quyết định nghỉ việc càng giảm.
Làm việc nhóm
Làm việc nhóm mang lại những tác dụng tích cực với cả tổ chức và cá nhân. Đặc biệt, trong các công ty kiểm toán, làm việc nhóm đóng vai trò rất quan trọng. Để mỗi cuộc kiểm toán diễn ra thuận lợi, các thành viên trong cuộc kiểm toán, trong đó có trợ lý KTV cần có sự phối hợp làm việc để đảm bảo tiến độ và tính chính xác, hiệu quả. Mối quan hệ tích cực với đồng nghiệp, sự trao đổi thuận lợi, kịp thời các thông tin, giúp đỡ nhau hoàn thành công việc,... cũng là các tiêu chí để trợ lý KTV quyết định tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp kiểm toán hay không.
Vì vậy, giả thuyết H3 được phát biểu như sau:
H3: Làm việc nhóm càng hiệu quả thì quyết định nghỉ việc càng giảm.
Lương, thưởng
Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải trả cho người lao động khi họ cung ứng sức lao động, theo quy định của pháp luật hoặc theo sự thỏa thuận hợp pháp của các bên trong hợp đồng lao động. Tiền lương được trả theo chất lượng, năng
suất lao động và hiệu quả công việc nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Tiền lương có thể được coi như thu nhập của người lao động, bao gồm tiền lương cơ bản, các khoản tiền phụ cấp lương và tiền thưởng. Tiền lương ảnh hưởng đến động lực làm việc, là yếu tố rất người lao động quan tâm, họ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng điều này khi quyết định là sẽ tiếp tục làm việc cho tổ chức hay nghỉ việc hoặc chuyển công việc khác.
Vì vậy, giả thuyết H4 được phát biểu như sau:
H4: Lương, thưởng càng cao thì quyết định nghỉ việc càng giảm.
Mức độ hài lòng với tổ chức
Mức độ hài lòng này là cảm nhận trực tiếp của mỗi nhân viên về các yếu tố rất cơ bản trong nơi làm việc của họ. Mức độ hài lòng với tổ chức được thể hiện trên các khía cạnh sau: hài lòng với cơ sở vật chất mà tổ chức cung cấp cho nhân viên trong quá trình làm việc, hài lòng về giờ giấc làm việc, niềm hứng khởi làm việc mỗi ngày. Sự hài lòng cao với tổ chức sẽ đem lại nguồn năng lượng tích cực khiến người lao động cảm thấy thoải mái, cân nhắc về tương lai làm việc lâu dài hơn trong tổ chức đó. Vì vậy, giả thuyết H5 được phát biểu như sau:
H5: Mức độ hài lòng với tổ chức càng cao thì quyết định nghỉ việc càng giảm.
Điều kiện làm việc
Điều kiện làm việc là một yếu tố quyết định sự hài lòng của công việc. Điều kiện làm việc bao gồm các yếu tố kỹ thuật, tổ chức lao động, áp lực về công việc, kinh tế, xã hội, tự nhiên xung quanh nơi làm việc của con người. Điều kiện làm việc được thể hiện thông qua các quy trình công nghệ, đối tượng lao động, công cụ lao động, năng lực của người lao động và sự tương tác giữa các yếu tố này tạo nên điều kiện làm việc của con người trong hoạt động lao động sản xuất. Do đó, các quy trình lao động khác nhau sẽ tạo ra một môi trường làm việc rất khác nhau và đồng thời mức độ ảnh hưởng của chúng đến người lao động cũng sẽ là khác nhau. Nếu điều kiện làm việc không đáp ứng được kỳ vọng của nhân viên ví dụ như áp lực về khối lượng công việc lớn, cường độ cao,... sẽ khiến họ cảm thấy mất cân bằng giữa công việc - cuộc sống, điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định nghỉ việc của cá nhân người lao động.
Vì vậy, giả thuyết H6 được phát biểu như sau:
H6: Điều kiện làm việc không thuận lợi thì quyết định nghỉ việc càng tăng.
Nhận thức nghề nghiệp là hoạt động mà cá nhân hiểu biết được giá trị của nghề nghiệp nào đó (mà họ quan tâm) trong xã hội và những yêu cầu của xã hội đối với nghề nghiệp đó. Cụ thể hơn, cá nhân nhận biết được nghề nghiệp mà họ quan tâm có mối tương quan chặt chẽ với những đặc điểm của cá nhân, bao gồm: nhân khẩu học – giới tính, độ tuổi, chiều cao, cân nặng, sở thích, sở trường, kiến thức, kỹ năng tích lũy được (O’brien & Fassinger, 1993; Rainey & Borders, 1997); kể cả ảnh hưởng của các thành viên trong gia đình (Feldt, Kokko, Kinnunen, & Pulkkinen, 2005).
Vì vậy giả thuyết H7 được phát biểu như sau:
H7: Nhận thức nghề nghiệp càng tăng thì quyết định nghỉ việc càng giảm.