III. CÁC HÌNH THỨC BIỂU HIỆN CỦA GIÁ TRỊ THẶNG DƯ TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
3. Địa tô tư bản chủ nghĩa
Tư bản kinh doanh nông nghiệp là bộ phận tư bản xã hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Cũng như các lĩnh vực sản xuất khác, tư bản kinh doanh trong nông nghiệp cũng thu được lợi nhuận bình quân. Khác với các lĩnh vực sản xuất khác, để kinh doanh trong nông nghiệp tư bản phải thuê đất của địa chủ và trả tiền thuê đất cho địa chủ gọi là địa tô.
Kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhà tư bản không những phải bù đắp được chi phí sản xuất, thu được lợi nhuận bình quân, mà còn phải trả địa tô cho người cho thuê đất. Địa tô tư bản chủ nghĩa là lợi nhuận siêu ngạch dôi ra ngoài lợi
nhuận bình quân mà nhà tư bản kinh doanh nông nghiệp phải trả cho địa chủ vì đã kinh doanh trên ruộng đất của địa chủ.
Địa tô tư bản chủ nghĩa có nhiều loại hình, trong đó chủ yếu là địa tô chênh lệch và địa tô tuyệt đối.
- Địa tô chênh lệch là lợi nhuận siêu ngạch dôi ra ngoài lợi nhuận bình quân được hình thành trên những ruộng đất có điều kiện kinh doanh trung bình và thuận lợi. Địa tô chênh lệch có hai loại: địa tô chênh lệch I và địa tô chênh lệch II.
+ Địa tô chênh lệch I, được hình thành trên những ruộng đất có điều kiện tự nhiên trung bình và thuận lợi, bao gồm những thuận lợi về mức độ màu mỡ của đất và vị trí địa lý của đất.
+ Địa tô chênh lệch II, do thâm canh mà có. Sự hình thành địa tô chênh lệch II dẫn đến mâu thuẫn giữa hai giai cấp nhà tư bản kinh doanh nông nghiệp và địa chủ, trong đó địa chủ luôn muốn cho thuê đất với thời hạn càng ngắn càng tốt, còn nhà tư bản kinh doanh nông nghiệp lại muốn thời hạn thuê đất càng dài càng tốt.
- Địa tô tuyệt đối là địa tô thu được do nông nghiệp lạc hậu tương đối so với công nghiệp và các ngành sản xuất khác, đồng thời độc quyền tư hữu ruộng đất trong nông nghiệp ngăn cản không cho nông nghiệp tham gia vào cạnh tranh bình quân hóa tỷ suất lợi nhuận.
Ví dụ:
Trong công nghiệp: 800c + 200v + 200m = 1200 Trong nông nghiệp: 600c + 400v + 400m = 1400
Giá trị thặng dư được tạo ra trong nông nghiệp lớn hơn trong công nghiệp là 400 m - 200m = 200m. Nếu như phần 200m trong công nghiệp tham gia vào quá trình bình quân hóa lợi nhuận, làm cho lợi nhuận bình quân có mức 200 thì nhà tư bản kinh doanh nông nghiệp cũng chỉ được nhận lợi nhuận bằng lợi nhuận bình quân. Phần giá trị thặng dư dôi ra ngoài mức lợi nhuận bình quân được giữ lại để nộp địa tô tuyệt đối cho địa chủ.
Giá cả của đất đai không phải là biểu hiện bằng tiền của giá trị đất đai. Vì đất đai xét một cách thuần tuý tự nhiên thì không phải là sản phẩm của lao động, không có lao động kết tinh, không có giá trị. Vì vậy, giá cả của đất đai phản ánh quan hệ kinh tế phái sinh đặc biệt. Giá cả đất đai là địa tô tư bản hóa, được tính theo sự biến động của địa tô và tỷ suất lợi tức tiền gửi vào ngân hàng. Công thức tính giá cả đất đai
Địa tô Giá cả đất đai =
Tỷ suất lợi tức tiền gửi ngân hàng
1. Mối quan hệ giữa các phạm trù giá trị thặng dư, phạm trù giá trị; hai phương pháp sản xuất giá trị thặng dư.
2. Nội dung cơ bản của lý luận tích lũy tư bản và khả năng vận dụng vào thực tiễn.
3. Vai trò cơ bản của lợi nhuận và lợi nhuận bình quân, phân biệt các phạm trù lợi nhuận, lợi tức và địa tô.
CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Giá trị thặng dư và các phương pháp sản xuất giá trị thặng dư? 2. Tích lũy tư bản và các nhân tố ảnh hưởng đến quy mô tích lũy? 3. Nội dung và khả năng vận dụng lý luận lợi nhuận, lợi tức, địa tô?
TÀI LIỆU HỌC TẬP:
1. Bộ Giáo dục và đào tạo (2019), Giáo trình kinh tế chính trị Mác - Lênin dành cho bậc Đại học không chuyên lý luận chính trị, Nxb Giáo dục, HN.
2. Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên (2020). Đề cương bài giảng Kinh tế chính trị Mác – Lênin (Dành cho sinh viên đại học khối ngành không chuyên lý luận chính trị)
Chương 4