Nguồn nhân lực nữ trong lực lượng Công an nhân dân

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) chính sách phát triển nguồn nhân lực nữ trong lực lượng công an nhân dân (Trang 38 - 44)

8. Kết cấu của luận án

2.1.1. Nguồn nhân lực nữ trong lực lượng Công an nhân dân

Nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực được nhìn nhận, xem xét và nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau, tùy theo mục đích nghiên cứu, cụ thể:

Dưới góc độ kinh tế - chính trị học, NNL là tổng hòa các yếu tố thể lực và trí lực tồn tại trong toàn bộ lực lượng lao động xã hội của một quốc gia, ở đó kết tinh truyền thống và kinh nghiệm lao động sáng tạo trong lịch sử của dân tộc được vận dụng để sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần, phục vụ cho nhu cầu hiện tại và tương lai của đất nước [54].

Trong lý thuyết về tăng trưởng kinh tế, NNL được nhìn nhận như một phương tiện chủ yếu, bảo đảm tốc độ tăng trưởng sản xuất và dịch vụ. Trong lý luận về vốn, NNL được đề cập đến như một loại vốn, một thành tố cơ bản, tất yếu của quá trình sản xuất và kinh doanh [50].

Liên hợp quốc cho rằng: NNL là tất cả những kiến thức, kỹ năng và năng lực của con người có quan hệ tới sự phát triển của đất nước [50]. Như vậy, NNL được xem xét như là một nguồn vốn trong mối quan hệ hữu cơ với các nguồn lực khác.

Theo tác giả Phạm Minh Hạc, NNL được hiểu là số dân và chất lượng con người, bao gồm cả thể chất và tinh thần, sức khoẻ và trí tuệ, năng lực và phẩm chất đạo đức của người lao động. Nó là tổng thể NNL hiện có thực tế và tiềm năng được chuẩn bị sẵn sàng để tham gia phát triển KT - XH của một quốc gia hay một số địa phương nào đó [79].

Như vậy, có thể hiểu một cách khái quát, NNL chính là nguồn lực lao động của chủ thể là con người, nó cũng là yếu tố cấu thành LLSX, giữ vị trí cơ bản, hàng đầu, là động lực cho sự phát triển bền vững, bởi những khả năng thực tế và tiềm năng to lớn, vô tận của chính NNL. Vì vậy, NNL được thể hiện qua ba đặc điểm cấu thành, đó là:

- Số lượng NNL nhằm trả lời cho câu hỏi có bao nhiêu lao động trong hiện tại và cần bao nhiêu trong tương lai để đáp ứng các yêu cầu phát triển tổ chức, số lượng nhân lực được xác định dựa vào các yếu tố như nhu cầu thực tế công việc đòi hỏi, dự báo quy mô phát triển tổ chức.

- Cơ cấuNNL là yếu tố không thể thiếu khi xem xét, đánh giá NNL, thể hiện ở các phương diện khác nhau như cơ cấu theo độ tuổi, giới tính, trình độ đào tạo, phân bố theo vùng miền, nhóm ngành nghề.

- Chất lượngNNL là yếu tố tổng hợp của nhiều yếu tố bộ phận như trí tuệ, trình độ, sự hiểu biết, đạo đức, kỹ năng, sức khỏe, thẩm mỹ…của người lao động. Trong các yếu tố trên thì trí lực, thể lực và tâm lực là ba yếu tố quan trọng trong xem xét việc đánh giá chất lượng NNL.

NCS cho rằng nguồn nhân lực là tổng thể số lượng, cơ cấu và chất lượng con người, với tổng hòa các tiêu chí về trí lực, thể lực và những phẩm chất đạo đức, tinh thần tạo nên năng lực của họ, đã, đang và sẽ được huy động vào quá trình lao động sáng tạo vì sự phát triển của một tổ chức hoặc toàn xã hội.

Nguồn nhân lực nữ

Phụ nữ gồm những người về mặt sinh học thuộc giống cái. Con người phụ nữ và nam giới vừa là thực thể tự nhiên vừa là thực thể xã hội, nhưng khác biệt về mặt sinh học tự nhiên của cơ thể. Người ta thường dùng từ “nữ giới” để phân biệt với “nam giới”, là một trong hai giới tính truyền thống, cơ bản và đặc trưng của loài người. Những đặc điểm sinh học giới tính là bẩm sinh và không thể thay đổi, nó liên quan đến nhiều vấn đề xã hội khác.

Con người là nguồn lực có vai trò quyết định đối với sự phát triển KT - XH, trong đó, phụ nữ là bộ phận cơ bản cấu thành nguồn lực ấy. Với hơn một nửa dân số và chiếm phần đông trong lực lượng lao động thì NNLN luôn là nội dung lớn đối với chiến lược phát triển của các quốc gia.

Theo nghĩa hẹp, NNLN với tư cách là lực lượng lao động của xã hội, được hiểu là những người trong độ tuổi lao động và đang tham gia lao động. Ở Việt Nam, độ tuổi lao động của phụ nữ được quy định theo Bộ Luật Lao động năm 2019, tuổi lao động tối thiểu là từ đủ 15 tuổi; tuổi nghỉ hưu đối với người lao động trong điều kiện bình thường sẽ được điều chỉnh theo lộ trình, năm 2021 là 55 tuổi

cộng 4 tháng, sau đó mỗi năm tăng lên 04 tháng cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035 [102].

Theo nghĩa rộng, NNLN gồm tổng hợp các tiêu chí của bộ phận dân số là nữ giới đang có khả năng tham gia vào quá trình lao động xã hội và các thế hệ phụ nữ nối tiếp sẽ phục vụ xã hội. NNLN được hiểu không chỉ đơn thuần là lực lượng lao động nữ đang và sẽ có, mà còn bao gồm thể lực, trí lực, tâm lực của các cá nhân nữ trong một tổ chức, địa phương, quốc gia được sử dụng hoặc có khả năng sử dụng vào quá trình phát triển KT - XH [49].

Từ cách tiếp cận trên, trong phạm vi nghiên cứu của luận án, theo NCS: Nguồn nhân lực nữ là tổng thể số lượng, cơ cấu và chất lượng của lực lượng lao động nữ, với tổng hòa các tiêu chí về thể lực, trí lực và những phẩm chất đạo đức, tinh thần tạo nên năng lực của họ, đã, đang và sẽ được huy động vào quá trình lao động sáng tạo vì phát triển của một tổ chức hoặc toàn xã hội.

Nguồn nhân lực nữ trong lực lượng Công an nhân dân

Như đã trình bày ở phần tổng quan, cho đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu nào đưa ra khái niệm đầy đủ về NNL trong lực lượng CAND, hoặc nếu có chỉ là các khái niệm rất chung được nêu trong một số văn bản, báo cáo chuyên đề, tổng kết, chưa bao quát hết nội hàm của khái niệm NNL CAND, chẳng hạn:

- Luật CAND năm 2018 quy định những người hoạt động, phục vụ, làm việc trong CAND gồm: sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật; hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn và công nhân viên được tuyển chọn, tuyển dụng vào hoạt động, phục vụ, làm việc trong CAND, được Nhà nước phong hoặc không phong cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ [106]. Với sự xác định như vậy, NNL trong lực lượng CAND chỉ gồm 3 đối tượng: Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp trong CAND; hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn được tuyển từ số công dân trong độ tuổi đăng ký nghĩa vụ tham gia CAND, số lượng tuyển theo nhu cầu sử dụng hàng năm của Công an đơn vị, địa phương, thời hạn phục vụ là 2 năm; công nhân Công an được tuyển dụng vào làm việc trong

Công an nhân dân thuộc biên chế được Thủ tướng chính phủ duyệt hàng năm. - Thông tư 65/2021/TT-BCA ngày 11/6/2021 của Bộ Công an quy định về quản lý biên chế của lực lượng CAND lại nêu: (1) Biên chế của lực lượng CAND là số lượng sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân Công an phục vụ theo chế độ tuyển dụng làm việc chính thức, thường xuyên tại các đơn vị trong CAND do cấp có thẩm quyền phê duyệt theo định kỳ. (2) Quân số của lực lượng CAND là số lượng sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp; công nhân Công an phục vụ theo chế độ tuyển dụng; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động làm việc chính thức, thường xuyên tại các đơn vị CAND, được cấp có thẩm quyền phê duyệt [42]. - Theo Đề án Quy hoạch phát triển nhân lực cho ngành Công an giai đoạn 2011 - 2020: nhân lực ngành Công an là sức mạnh con người được huy động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH [14]. Nhân lực ngành Công an gồm 6 đối tượng: sỹ quan, hạ sỹ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp; hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn; công nhân Công an phục vụ theo chế độ tuyển dụng; hợp đồng lao động hưởng lương từ ngân sách Công an đơn vị, địa phương; Công an viên ở các xã; học sinh, sinh viên các trường CAND (sau đây viết tắt là cán bộ, chiến sĩ).

Xuất phát từ khái niệm NNL nói chung, theo NCS, khi nói đến NNL cụ thể của một ngành, một lực lượng, không thể không nói đến số lượng, cơ cấu đặc thù và chất lượng của NNL ấy.

Do đó, theo NCS, NNLN trong lực lượng CAND là tổng thể số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ nữ với tổng hòa các tiêu chí về thể lực, trí lực và những phẩm chất đạo đức, tinh thần của người Công an cách mạng, đã, đang và sẽ huy động vào quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo về ANQG, bảo đảm TTATXH của đất nước. Như vậy, NNLN trong lực lượng CAND là tổng thể số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ nữ sĩ quan, hạ sĩ quan làm việc theo chế độ chuyên nghiệp; nữ hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn; nữ công nhân Công an phục vụ theo chế độ tuyển dụng; hợp đồng lao động nữ hưởng lương từ ngân

sách Công an đơn vị, địa phương; nữ Công an viên ở các xã; nữ học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường trong lực lượng CAND.

Nguồn nhân lực nữ trong lực lượng CAND có đặc điểm:

NNLN trong lực lượng CAND là một bộ phận cấu thành của NNL CAND. Ngoài có các đặc điểm chung của NNL CAND, NNLN trong lực lượng CAND còn mang đặc điểm riêng về giới.

Một là, NNLN trong lực lượng CAND mang bản chất cách mạng, bản chất giai cấp và chính trị sâu sắc. Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH, đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; là lực lượng vũ trang chuyên chính bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Hoạt động của lực lượng CAND phải đảm bảo nguyên tắc đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý của Chính phủ và sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an [106].

Hai là, NNLN trong lực lượng CAND đa dạng về ngành nghề, trình độ đào tạo và được tuyển dụng theo quy trình chặt chẽ. Công tác Công an liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, đối ngoại. Đối tượng đấu tranh của CAND đa dạng về hệ loại, lĩnh vực, tính chất, thủ đoạn, phương tiện hoạt động. Từ đó, đặt ra yêu cầu đối với NNLN là phải đa dạng về độ tuổi, thành phần dân tộc, ngành nghề, trình độ chuyên môn, thậm chí cả năng khiếu. Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của lực lượng, NNLN trong lực lượng CAND dù là chuyên nghiệp, có thời hạn hay tuyển dụng đều phải trải qua quá trình tuyển lựa kỹ càng, chặt chẽ từ đầu sơ tuyển, tuyển sinh, tuyển chọn, tuyển dụng; qua thẩm tra xác minh các tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, kiểm tra sức khỏe, trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật, năng khiếu ngành nghề Công an.

Ba là, NNLN trong lực lượng CAND được Nhà nước bảo đảm về biên chế và ưu tiên chế độ, chính sách. NNL cùng với nguồn lực vật chất và phi vật chất khác tạo thành nguồn lực để CAND thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT. Do đó,

NNL CAND, trong đó có NNLN luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, tăng cường số lượng đảm bảo đủ NNL đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, khối lượng công tác bảo đảm ANTT trong từng giai đoạn; đồng thời được quan tâm về chính sách trong đào tạo, bồi dưỡng, tiền lương, phụ cấp, phúc lợi, bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe.

Bốn là, tính chất công tác của NNLN trong lực lượng CAND có cường độ cao, độc hại và nguy hiểm. Cuộc đấu tranh bảo vệ ANTT là trận tuyến thầm lặng, bí mật, không phân vùng, phân tuyến về không gian, diễn ra liên tục, không ngừng nghỉ, không phân định thời gian. Nhịp điệu chiến đấu diễn ra rất khẩn trương, việc xử lý các tình huống đòi hỏi phải có độ chính xác cao, nhiều khi phải sử dụng một lúc nhiều biện pháp, nhiều hướng, nhiều lực lượng. Chính vì thế, lao động trong CAND được xác định là lĩnh vực “lao động đặc biệt”, sử dụng với mức độ tập trung cao cả trí tuệ, sức lực, cả vũ khí và phương tiện khoa học kỹ thuật, có nhiều khi phải đổ máu, hi sinh tính mạng. Do đó, NNLN trong lực lượng CAND được xác định là lực lượng vũ trang, thực hiện nghĩa vụ bảo vệ ANQG, đảm bảo TTATXH, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Năm là, NNLN trong lực lượng CAND mangđặc điểm tự nhiên về giới tính, cấu tạo sinh học của giống cái, có khả năng thụ thai, mang thai, sinh con và nuôi con bằng sữa mẹ; có đặc điểm sinh học của giống cái, cấu trúc hình thể nhỏ, cân nặng nhẹ, thể lực, chiều cao thấp hơn so với nam giới. Về mặt xã hội, NNLN trong lực lượng CAND được sinh ra và lớn lên trong môi trường giáo dục và nền văn hóa Việt Nam, tư tưởng Nho giáo và định kiến giới đã ăn sâu vào tiềm thức không chỉ của nam giới mà cả nữ giới, nên trong thực tế, định kiến giới đã chi phối, ảnh hưởng khá sâu sắc đến vai trò, vị trí của NNL nam và nữ trong gia đình và xã hội, nhất là trong học tập, công tác, chiến đấu, kể cả tham gia lãnh đạo, chỉ huy.

Xuất phát từ đặc điểm giới tính, đặc điểm giới của NNLN và tính chất, yêu cầu công tác Công an, nên nhu cầu sử dụng NNLN trong lực lượng CAND có những điểm khác với các đơn vị hành chính sự nghiệp, số lượng NNLN trong lực lượng CAND chiếm tỷ lệ thấp hơn nhiều so với nam giới (trung bình dưới 15%

trong tổng số biên chế toàn lực lượng);mặc dù số lượng, tỷ lệ không nhiều, nhưng NNLN là bộ phận cấu thành quan trọng, không thể thiếu trong tổng thể NNL CAND và được bố trí ở tất cả các lực lượng, cấp Công an. Tuy nhiên, trong thực tế quá trình sử dụng, NNLN chủ yếu thường được bố trí và phát huy hiệu quả ở các công việc có tính chất tĩnh, phục vụ chiến đấu như tham mưu, tổng hợp, xây dựng lực lượng, hậu cần, cơ yếu, tài chính, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hay lực lượng an ninh chính trị nội bộ, quản lý xuất nhập cảnh, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) chính sách phát triển nguồn nhân lực nữ trong lực lượng công an nhân dân (Trang 38 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(189 trang)