8. Cấu trúc luận văn
1.3.1. Đánh giá giáo viên
Từ các khái niệm về đánh giá đã nêu ở trên thì ta có thể hiểu đánh giá giáo viên là: Quá trình thu thập thông tin một cách hệ thống về thực trạng năng lực nghề nghiệp của giáo viên để từ đó đưa ra những nhận định xác thực trên cơ sở các thông tin thu được làm cơ sở đề xuất những biện pháp cải tiến nhằm nâng cao chất lượng giáo viên.
Đánh giá giáo viên thực chất là đánh giá năng lực nghề nghiệp của giáo viên. Năng lực nghề nghiệp biểu hiện ở phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực sư phạm của người giáo viên. Năng lực sư phạm là một năng lực chuyên biệt đặc trưng của nghề sư phạm. Năng lực sư phạm là tổ hợp các thuộc tính độc đáo của cá nhân phù hợp với những yêu cầu của hoạt động giáo dục và dạy học, đảm bảo cho hoạt động này có kết quả. Năng lực sư phạm cơ bản của
người giáo viên, bao gồm: năng lực tìm hiểu đối tượng và môi trường giáo dục; năng lực dạy học; năng lực giáo dục; năng lực hoạt động chính trị xã hội; năng lực phát triển nghề nghiệp [7].
1.3.2. Đánh giá giáo viên theo Chuẩn nghề nghiệp
ĐGGV theo Chuẩn nghề nghiệp là một quá trình thu thập các minh chứng thích hợp và đầy đủ nhằm xác định mức độ năng lực nghề nghiệp của giáo viên theo các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định của Chuẩn [7].
Trong khái niệm ĐGGV theo Chuẩn nghề nghiệp một số thuật ngữ được hiếu như sau:
- Tiêu chuẩn (Standard): là quy định về những nội dung cơ bản, đặc trưng thuộc mỗi lĩnh vực của chuẩn.
- Tiêu chí (Criteria): là yêu cầu và điều kiện cần đạt được ở một nội dung cụ thể của mỗi tiêu chuẩn.
- Mức (Level): là trình độ đạt được về mỗi tiêu chí.
- Minh chứng (Evidence): là các bằng chứng (tài liệu, tư liệu, sự vật, hiện tượng, nhân chứng) được dẫn ra để xác nhận một cách khách quan mức độ đạt được của tiêu chí.
Đánh giá giáo viên theo Chuẩn nghề nghiệp không phải chủ yếu để bình xét danh hiệu thi đua hằng năm, mà là xem xét những gì giáo viên phải thực hiện và đã thực hiện được, những gì giáo viên có thể thực hiện được. Trên cơ sở đó khuyến cáo giáo viên xây dựng chương trình, kế hoạch tự rèn luyện, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp [7].