Sự đa dạng về thể loại trong sáng tác của Nhụy Nguyên

Một phần của tài liệu Cảm quan phật giáo trong văn xuôi của nhụy nguyên (Trang 26 - 29)

6. Cấu trúc luận văn

1.2.3. Sự đa dạng về thể loại trong sáng tác của Nhụy Nguyên

Nói đến sự đa dạng về thể loại sáng tác của Nhụy Nguyên, chúng tôi thật sự rất hứng khởi và nể phục, bởi vì tác giả đều thử sức và rất thành công, đạt được những thành tựu sâu sắc trong sự nghiệp với hầu hết các thể loại, như: thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, tùy bút, bút kí, tiểu luận. Trong những thể loại ấy, Nhụy Nguyên rất xuất sắc ở thể loại thơ và văn xuôi. Trong văn xuôi thì thể loại truyện ngắn rất thành công.

- Nhụy Nguyên với Truyện ngắn

Một trong những thành công lớn nhất của Nhụy Nguyên chính là ở thể loại truyện ngắn. Với hai tác phẩm: Trôi trên dòng thời gian trắng xóaBóng thuyền ảnh hiện. Trong hai tập truyện ngắn này, xuất hiện rất nhiều câu chuyện đời sống bình dị hàng ngày, nhưng lại mang đậm chất tư tưởng đạo lý Phật giáo, len lói những triết lý Nhân quả - Nghiệp báo, Sám hối - Hướng thiện. Điều đó mới thực sự gây ấn tượng mạnh đối với giới nghiên cứu văn chương và độc giả yêu thích văn học Phật giáo.

Truyện ngắn Trôi trên dòng thời gian trắng xóa được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao, trong đó nhà nghiên cứu Phan Tuấn Anh với bút hiệu Yến Thanh khẳng định tính khác biệt trong truyện ngắn của Nhụy Nguyên rằng: “Trôi trên dòng thời gian trắng xóa như một công án thiền, cần đọc thông qua tâm nhãn, hơn sự thụ cảm

thông thường bằng lí trí và xúc cảm”. Anh lại nhấn mạnh thêm: “Văn chương của

Nhụy Nguyên là thứ văn chương khó đọc, nhiều chỗ trở nên đánh đố bạn đọc bởi nhiều phạm trù triết mỹ thâm sâu, đòi hỏi bạn đọc phải có một tầm đón đợi nhất định

mới có thể thông hiểu.” [66]

Còn với Bóng thuyền ảnh hiện vừa mới xuất bản đầu năm 2020, nên chưa có ai chạm đến nghiên cứu. Tuy nhiên đối với người viết nhìn nhận, cả hai tác phẩm trên

của Nhụy Nguyên chính là sự khác biệt trong dòng chảy của văn xuôi đương đại. Cái chất của Nhụy Nguyên đấy chính là sự khác biệt trong lối viết và cách diễn đạt cùng với những ẩn ý sâu sắc của anh trong văn học. Nguyễn Khắc Phê nói về cây bút của Nhụy Nguyên rằng: “Trong các tùy bút, truyện ngắn và các bài phê bình của Nhụy Nguyên đều có dấu ấn của một cây bút “đã tu… đọc kinh… chú tâm niệm Phật…”. Nhụy Nguyên khác biệt với các tác giả văn học khác đó chính là sự trải nghiệm và chứng thực của anh với sự vi diệu, nhiệm màu của Phật Pháp. Anh là người thực hành giáo pháp của nhà Phật và từ đó chuyển tải vào trong văn chương, chứ không phải là nhà nghiên cứu hay là người đứng bên ngoài bức tường của Phật giáo để nhận xét và bình luận.

Hơn nữa, Nhụy Nguyên thường viết về những câu chuyện hết sức đời thường và gần gũi với cuộc sống, nó ẩn chứa trong từng câu chuyện là những triết mỹ và tư tưởng Phật giáo.

- Nhụy Nguyên với Tùy bút

Nhụy Nguyên cũng rất thành công ở thể loại Tùy bút với tác phẩm Ngôi nhà của cỏ. Đến với Tùy bút, Nhụy Nguyên như được bộc lộ những điều muốn nói từ sâu thẳm nội tâm của mình. Ngôi nhà của cỏ là tác phẩm xuất hiện khá nhiều câu chuyện nhân sinh, đạo lý Phật giáo.

Đến với thể loại tùy bút, Nhụy Nguyên như được vung sức để thể hiện mọi trạng thái tâm tình - lý trí vào tác phẩm. Nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Khắc Phê đã giành một vài dòng viết để tán dương tiêu biểu sự thành công này của Nhụy Nguyên trong bài viết: “Nhụy Nguyên mở lòng với sách” khẳng định về sự đa dạng về thể loại sáng tác của Nhụy Nguyên trong văn học Việt Nam đương đại.

- Nhụy Nguyên với Bút kí

Đến với thể loại Bút kí, tác phẩm Về những đỉnh tuyệt mù của Nhụy Nguyên, như là một bước thử thách trong sự nghiệp sáng tác văn chương của anh. Ở thể loại này, triết lý - tư tưởng Phật giáo chưa được thể hiện rõ. Tuy nhiên ở mỗi góc độ, đều có sự len lỏi bởi nhiều giá trị nhân sinh Phật giáo, có chiều sâu về tư tưởng hướng thiện và đậm chất tính đạo đức trong cuộc sống.

- Nhụy Nguyên với Thơ

Đối với thể loại Thơ trong sáng tác của Nhụy Nguyên, có lẽ là mảng sáng tác tâm đắc nhất của Nhụy Nguyên với hai tập thơ: Lập ThiềnKhi người ta cúi mặt.

Tuy nhiên về phong vị Thiền trong thơ của Nhụy Nguyên, chủ yếu tập trung ở giai đoạn sau này, đều là những tập thơ chưa in, chỉ rải rác in ở báo chí và một phần anh đưa lên trang cá nhân. Trong tập thơ Lập thiền, Nhụy Nguyên như muốn bày tỏ những điều mình đã được học từ các bậc chân tu. Được biết, hiện tại Nhụy Nguyên tu tập theo phương pháp Thiền - Tịnh song tu. Anh đã đi từ Thiền sang Tịnh cho nên với tập thơ Lập thiền này của Nhụy Nguyên như là một sự khởi đầu cho hành trình tu tập của mình, và là sự ra đời cho cuốn tiểu luận Sực nhớ quê hương là Cực Lạc sau này.

- Nhụy Nguyên với Tiểu luận

Tiểu luận là mảng sáng tác mà Nhụy Nguyên tâm huyết và dày công dồn sức để chuyển tải những tư tưởng - triết lý Phật giáo, anh có bảy cuốn tiểu luận viết về Phật giáo, thể hiện rõ quan điểm của mình về Phật giáo.

1. Sực nhớ quê hương là Cực Lạc (2018), NXB Hồng Đức

2. Vũ điệu ý niệm trong cơn đau bản thể (2018), NXB Hồng Đức

3. Phía sau văn bản của đời người (2018), NXB Hồng Đức

4. Mộng thoát luân hồi (2018), NXB Hồng Đức

5. Như thú vui trà đạo (2019), NXB Văn hóa – Văn nghệ

6. Mộng tinh khôi đến già (2020), NXB Văn hóa – Văn nghệ

7. Dưới đỉnh vô ngôn (2020), NXB Ananda Viet foundation

Ở thể loại tiểu luận này, là sự thể hiện bộc lộ tư tưởng của Nhụy Nguyên đối với Phật giáo, anh thể hiện rõ quan niệm của mình về Phật giáo, về con đường giác ngộ - giải thoát của Phật giáo, về sự gắn kết của Phật giáo đối với đời sống một cách bình dị và thực tại.

Trong cuốn Sực nhớ quê hương là Cực Lạc, Nhụy Nguyên đã trình bày rõ ràng về ranh giới của “mê” và “ngộ”; của “hoài nghi” và “tin tưởng”. Thể hiện rõ niềm tin chân tịnh đối với lời chư Phật đã nói. Cuốn tiểu luận Mộng thoát luân hồi cũng vậy, Nhụy Nguyên lại thể hiện một cách sâu sắc hơn khi mong muốn thoát khỏi luân hồi, để đạt đến cảnh giới Cực Lạc của chư Phật.

Hầu hết cả bảy cuốn tiểu luận trên, là sự thể hiện cái học/thực hành/chứng nghiệm/cảm nhận sự nhiệm màu của Phật giáo đối với Nhụy Nguyên. Đọc tiểu luận của Nhụy Nguyên, mà người viết như đang lạc vào khoa học tâm linh vậy. Nhụy Nguyên sử dụng ngôn ngữ khoa học để chứng minh cho sự nhiệm màu của giáo lý nhà Phật.

Ngoài năm thể loại trên, còn có một thể loại rất đặc biệt của Nhụy Nguyên, đó chính là thể loại Tiểu thuyết. Đối với Nhụy Nguyên, thể loại Tiểu thuyết chưa xuất bản một tác phẩm nào. Trong bài viết “Nhụy Nguyên - Trôi giữa hai chiều kích thời gian” của Yến Thanh (chính là Phan Tuấn Anh) có nói rằng: “Nhụy Nguyên kiệm lời và cũng kiệm viết, có bản thảo tiểu thuyết anh đã đưa tôi xem vài năm qua, rồi lại mang về, hứa sẽ xuất bản, rồi lại lỡ hẹn bao lần để chỉnh sửa, thế rồi cũng bỏ quên luôn bởi thấy chưa ưng ý hoặc vì một lí do nào đó chỉ riêng mình anh biết.” nhà phê bình Yến Thanh còn nói: “Tôi cứ tiếc mãi, vì có nhiều bản thảo theo tôi, nếu mạnh dạn in sớm vào thời điểm được viết, nhất định sẽ để lại một vài dư chấn trên văn đàn.” Khi hỏi về vấn đề này, Nhụy Nguyên trả lời rằng: “Nhụy Nguyên tự nhìn thấy sự viết của mình chưa đạt đến sự thành tựu về mọi mặt, chưa hoàn toàn đạt đến sự mong muốn của chính mình và cần phải sửa lại nhiều chỗ cho vừa ý. Cho nên Nhụy Nguyên sẽ hoàn thành tác phẩm lại một chút nữa rồi mới cho in tiểu thuyết này.”

Nhìn chung, thể loại sáng tác của Nhụy Nguyên rất phong phú và đa dạng. Đối với năm thể loại trên đây, mang dấu ấn của Phật giáo rất đậm nét, đó là nguồn cảm hứng và sự thành công trong sự nghiệp sáng tác văn chương của Nhụy Nguyên. Sự thành công đó, đã khẳng định rõ ở phương diện nội dung cũng như phương thức thể hiện trong mỗi tác phẩm của Nhụy Nguyên.

Một phần của tài liệu Cảm quan phật giáo trong văn xuôi của nhụy nguyên (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)