6. Cấu trúc luận văn
3.2.2. Sử dụng Phương ngữ
Phương ngữ là vấn đề được các nhà ngôn ngữ học quan tâm rất nhiều. Theo Đái Xuân Ninh, Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Quang, Vương Toàn trong cuốn Ngôn ngữ:
khuynh hướng - lĩnh vực - khái niệm (tập hai) cho rằng: “phương ngữ là hình thức
ngôn ngữ có hệ thống từ vựng, ngữ pháp và ngữ âm riêng biệt được sử dụng ở một phạm vi lãnh thổ hay xã hội hẹp hơn là ngôn ngữ; là hệ thống kí hiệu và quy tắc kết hợp có nguồn gốc chung với hệ thống khác được coi là ngôn ngữ (cho toàn dân tộc), các phương ngữ (có người gọi là tiếng địa phương, phương ngôn) khác nhau trước
hết ở cách phát âm, sau đó là vốn từ vựng” [64, tr. 232]. Còn theo Hoàng Thị Châu, tác giả cuốn Phương ngữ học tiếng Việt định nghĩa một cách khác ngắn gọn hơn về phương ngữ: “Phương ngữ là một thuật ngữ ngôn ngữ học để chỉ sự biểu hiện của ngôn ngữ toàn dân ở một địa phương cụ thể với những nét khác biệt của nó so với
ngôn ngữ toàn dân hay với một phương ngữ khác” [5, tr. 24]. Qua nhiều ý kiến, quan
niệm và định nghĩa trên, ở đây, chúng tôi nhận thấy và đề xuất cách hiểu như sau: Phương ngữ là tiếng nói riêng của một vùng địa phương hay một cộng đồng dân cư ở một khu vực nhất định nào đó trong một nước, và nó có sự khác biệt về mặt từ ngữ, cách nói khác việt so với ngôn ngữ toàn dân, nhưng lại có mặt ý nghĩa như nhau.
Đến với nhà văn Nhụy Nguyên, chúng ta biết rằng anh là người gốc miền trung, sinh ra tại Hà tĩnh, học đại học và trưởng thành ở Huế, cho nên trong sáng tác văn chương của Nhụy Nguyên, bình diện phương ngữ Huế được sử dụng rất nhiều, đó là đặc trưng nghệ thuật rất khác lạ của nhà văn. Xuyên suốt các tác phẩm văn xuôi của Nhụy Nguyên, chúng ta bắt gặp rất nhiều những từ ngữ mang tính địa phương Trung Bộ, đặc biệt ở đây là từ ngữ địa phương Huế.
Khảo sát các thể loại văn xuôi của Nhụy Nguyên, chúng tôi nhận thấy Phương ngữ Huế nổi bật trong truyện ngắn là hơn cả, như các từ: “Mạ, bữa ni, O, xị đế, gần
gụi, mô, mụ, ngó lên…” những từ phương ngữ ấy đã tạo nên một sắc màu Huế, một
không gian Huế trong tác phẩm của anh.
Với tập truyện ngắn Trôi trên dòng thời gian trắng xóa, từ “Mạ” được tác giả sử dụng dày đặc trong truyện Mưa hoa bên sườn đồi, truyện kể về những cây mai vàng cuối đông mọc ở chùa làng. Những cây mai còn gắn liền với mảnh vườn quê hương và bóng hình của mẹ. “Cây mai cao vút tận nóc nhà, tôi phải bắc thang trẩy lá. Mạ đứng dưới ngó lên, nói anh chị tính bán, mạ không cho… Tôi bùi ngùi. Cây mai quá thân thương. Tết nào cũng ra như thăm ân nhân. Bây giờ chợt nghĩ khác, phải chăng
tôi quý nó bởi còn mạ” [35, tr. 145]. Từ “Mạ” là từ đồng nghĩa với từ “Mẹ” của tiếng
phổ thông, từ Mạ được sử dụng phổ biến ở Huế, Quảng Trị, Quảng Bình. Nếu ai đến Huế có thể ban đầu rất lạ lẫm với người dân nơi đây gọi Mẹ là Mạ, không có gì lạ lẫm cả, từ Mạ là một loại từ được cho là rất Huế, người Huế luôn tự hào về những di sản văn hóa của tổ tiên để lại, kể cả ngôn ngữ. Từ nếp sống, văn hóa, phong tục tập quán đến ngôn từ và giọng nói, người Huế gọi đó là chất Huế, nếu mất đi những bản sắc ấy thì mất đi chất Huế. Họ luôn tự hào và ra sức bảo tồn những di sản ấy của tiền nhân,
đặc biệt là mảng văn hóa cung đình, một nền văn hóa của một thời đại vàng son đã qua. Quay trở lại, từ Mạ trong truyện ngắn của Nhụy Nguyên không chỉ đơn thuần về mặt ngôn ngữ, mà nó còn thể hiện cao tính văn hóa vùng miền trong văn học, ngôn ngữ địa phương đã mang lại cho tác phẩm của Nhụy Nguyên chạm thấu đến với những độc giả thân quen gốc Huế. Riêng đối với truyện Mưa hoa bên sườn đồi tần số xuất hiện của từ “Mạ” là 74 từ trên tổng số 76 từ của tập truyện ngắn Trôi trên dòng
thời gian trắng xóa. Qua đó chúng ta có thể thấy được tác giả đã sử dụng từ phương
ngữ “Mạ” trong truyện này là nêu cao văn hóa phương ngữ của xứ Huế trong văn học Việt Nam.
Không chỉ dừng lại ở đó, phương ngữ Huế còn được thể hiện trong truyện ngắn
Máu đang lọc bởi sự lặng yên thông qua từ “xị đế”. Năm 2011, người viết vào Huế đi
học, khi nghe người dân nơi đây nói với nhau: “ra mua xị đế vô nhậu hè”, cũng ngỡ ngàng chẳng hiểu gì, dần dần về sau mới hiểu “xị đế” có nghĩa là “rượu”. Truyện được lấy bối cảnh ở bệnh viện, miêu tả sinh hoạt của các nhân vật trong đó, như một máy thu âm giờ chỉ có phát lại và nghe thôi, đoạn tả về những người uống nhầm nước tiểu tưởng là nước chè: “Nhưng sự thật đã có người uống nhầm rồi. Phụt ngay ẹo ngay. Còn phải
nói. Lập tức chạy ra mua xị đế tu một hơi” [35, tr. 129]. Tác giả đã rất tài giỏi khi sử
dụng từ “xị đế” mang đậm chất địa phương vào tác phẩm, mà từ ấy chắc hẳn giới độc giả ngoại tỉnh đọc vào sẽ không hiểu. Vì sao, Nhụy Nguyên lại sử dụng nghệ thuật này vào truyện ngắn của anh. Theo chúng tôi được biết, Nhụy Nguyên là một nhà văn rất yêu Huế, yêu bản sắc văn hóa của Huế, yêu những di sản phi vật thể của Huế, có lẽ nào việc sử dụng phương ngữ Huế vào tác phẩm với mục đích cho các bạn đọc khắp mọi miền biết về Huế, đây cũng là sự quảng bá Huế theo phong cách của Nhụy Nguyên.
Bên cạnh đó, tập truyện ngắn Bóng thuyền ảnh hiện cũng được sử dụng khá nhiều từ phương ngữ Huế: “Con ơi con đuổi O nớ đi giùm mẹ, O cứ đứng đó hoài” [41, tr. 12]; “Mẹ dạo này hình như lẩn thẩn. cả chiều nằng nặc con ơi ra đuổi O nớ đi
chứ để họ đứng đó hoài. Em ra có ai mô” [41, tr. 14]; “Bữa ni đừng có bước lên bước
xuống thềm Miếu nữa rồi ngã gãy chân lại khổ” [41, tr. 15]. Những từ ngữ địa
phương như: O nớ, ai mô, bữa ni….đã tạo nên một không gian, một bức tranh Huế. Những giá trị nghệ thuật ấy, ở tập truyện Bóng thuyền ảnh hiện xuất hiện rất nhiều, chúng tôi chỉ nêu những từ ngữ nổi bật mang đậm chất phương ngữ để bàn luận trong tiểu mục này.
“O” là từ địa phương của Huế nói riêng và miền Trung Bộ nói chung, từ “O” đồng nghĩa với từ “Cô” của tiếng phổ thông. “O” và “Cô” được sử dụng để chỉ vai vế bà con trong dòng họ, em gái của bố mình thì gọi là Cô, ở Huế gọi là “O”. Từ “O” cũng được gọi cho những cô gái xứ Huế trung niên, những cô bán hàng ở chợ Bến Ngự, Đông Ba, An Cựu… “O ơi O, bán cho cháu bó rau O hí” đó là những ngôn từ địa phương mà người Huế thường xưng hô. Từ “O” đối với Huế là một từ rất thân thiết, có sự gần gũi trong các mối quan hệ với nhau. Nó đương tương như từ “Cô” của người miền Bắc, rất dễ gần và dễ thương. Đặc sản của Huế ngoài món ăn ra, thì ngôn ngữ Huế cũng là một đặc sản mà theo cách người Huế nói vui với nhau.
“Bữa ni” là từ đồng nghĩa của từ “Bữa nay, Hôm nay” tiếng phổ thông, dùng để chỉ cho thời gian của một ngày. “Ai mô” là từ đồng nghĩa với từ “Ai đâu” của tiếng phổ thông, dùng để chỉ cho từ để hỏi. Phương ngữ Huế có cả một bảng hệ thống từ ngữ đối chiếu với từ ngữ phổ thông, để cho những ai muốn hiểu rõ hơn về từ ngữ địa phương của Huế. Bàn về phương ngữ trong văn xuôi của Nhụy Nguyên, chúng tôi chỉ khảo sát và phân tích một số điểm tiêu biểu nổi bật như trên.
Tóm lại, phương ngữ trong giao tiếp đời sống thì vô cùng phong phú và đa dạng, giờ đây chúng ta cảm nhận nó từ góc nhìn văn học lại còn hứng thú hơn. Với những chất liệu của vốn từ ngữ địa phương và sự thâm uyên kiến thức văn hóa vùng miền, Nhụy Nguyên không chỉ thành công ở thể loại truyện ngắn mà còn ở nhiều thể loại khác, như tùy bút và bút ký. Rất nhiều người biết đến cái tên Nhụy Nguyên từ những bài thơ Thiền được đăng trên facebook và các mạng xã hội khác. Có thể kết luận, Nhụy Nguyên chuyển tải những phương ngữ vào những tác phẩm của mình trở thành những bài học vô cùng quý giá về việc bảo tồn phương ngữ địa phương, từ nhận thức đến hành động, từ cảm nhận đến hân hoan, bừng tỉnh và mỉm cười với những ẩn ý sâu sắc của Nhụy Nguyên trong văn chương của anh.