6. Cấu trúc luận văn
2.2. Cảm quan Phật giáo nhìn từ góc độ triết lý nhân sinh
Triết lý nhân sinh là một quan niệm có tính triết học, triết mỹ trong tư tưởng Phật giáo, theo quan niệm của phương Đông triết lý nhân sinh là bản tính tự nhiên của con người. Ở phương Tây thì cho rằng con người được cấu tạo nên từ vật chất. Còn theo triết học Mác-Lê Nin, quan niệm về con người là một thực thể thống nhất giữa mặt sinh học với mặt xã hội; Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội; Con người là chủ thể và là sản phẩm của lịch sử.
Đối với Phật giáo, triết lý nhân sinh được thể hiện trong giáo lý Thập nhị nhân duyên. Trong mười hai chi phần của Thập nhị nhân duyên thì vô minh là căn bản, do vô minh mới sinh ra mười một chi phần sau, còn nếu chặt đứt được vô minh thì đoạn
diệt tất cả những chi phần sau. Theo Phật giáo, nguồn gốc của con người và vũ trụ không do một lực lượng siêu nhiên nào sáng tạo ra, cũng không do một đấng sáng thế nào tạo dựng. Tất cả đều do nhân duyên mà kết thành và cho rằng thế giới là vô cùng, vô tận. Ngoài thế giới chúng ta đang ở thì còn vô số các thế giới khác đang tồn tại, điều này đã được đức Phật trình bày rất rõ trong kinh Hoa Nghiêm.
Văn học là nhân học, là khoa học về con người. Con người vừa là chủ thể, vừa là đối tượng chủ yếu của văn học. Không thể lý giải một hệ thống thơ văn mà bỏ qua con người được thể hiện trong đó. Hai chữ “nhân học” có một hàm nghĩa hết sức phong phú: “Tất cả những gì liên quan tới con người, thuộc về con người đều nằm trong phạm vi biểu hiện của văn học. Từ các mặt xã hội đến các thuộc tính tự nhiên, từ hữu thức đến vô thức, từ dã man đến văn minh, từ tội ác đến đạo đức, từ quá khứ
đến tương lai, từ thất vọng đến hy vọng, hễ thuộc về con người thì văn học biểu hiện”
[60, tr. 55]. Là nghệ thuật miêu tả, biểu hiện con người, văn xuôi, ngoài khả năng tái hiện bức tranh toàn cảnh của đời sống xã hội còn có khả năng đi sâu khám phá số phận con người. Quan niệm nghệ thuật về con người là cách hiểu, cách cảm nhận về con người thể hiện trong cách tái hiện, miêu tả con người của nhà văn. Quan niệm nghệ thuật về con người chi phối các yếu tố khác của nghệ thuật thể hiện gắn với đời sống văn học mỗi giai đoạn lịch sử.
Mỗi thời đại có quan niệm riêng về cuộc đời con người, người nghệ sĩ chiếm lĩnh cuộc sống ở nhiều chiều kích, mức độ khác nhau. Họ sẽ miêu tả, thể hiện những con người với chiều hướng số phận phù hợp với giới hạn thực tế của tư duy nghệ thuật, với khả năng, mức độ đào sâu vào bản chất đời sống. Do đó khi nghiên cứu bất cứ một tác phẩm văn học nào chúng ta không thể bỏ qua quan niệm nghệ thuật về con người.
Trong văn xuôi của Nhuỵ Nguyên, thế giới nhân vật có diện mạo đa dạng và phức hợp trong mối quan hệ nhiều chiều có sự đan cài giữa mê và ngộ, thanh cao và thấp kém, bi quan và lạc quan… Con người trong văn xuôi cũng được khai thác ở nhiều bình diện khác nhau: ý thức và vô thức; tình cảm và vật chất; đời sống tư tưởng và đời sống tự nhiên; những khát vọng cao cả và dục vọng tầm thường. Tuy vậy, một điều dễ nhận thấy là nhà văn coi thế giới tâm linh, đời sống tâm hồn con người, “con người bên trong con người” mới là đối tượng quan trọng nhất để chiếm lĩnh, khám phá, thể hiện. Từ đó, dưới cái nhìn của cảm quan Phật giáo, thông qua hai tập truyện ngắn, tùy bút và bút kí, nhà văn Nhụy Nguyên đã rất thành công trong việc khái quát
được ba kiểu con người cơ bản: con người với triết lý Vô minh - Vô ngã; con người với triết lý Nhân quả - Nghiệp báo; con người với triết lý Sám hối - Hướng thiện.