Con người với triết lý Sám hối, Hướng thiện

Một phần của tài liệu Cảm quan phật giáo trong văn xuôi của nhụy nguyên (Trang 63 - 66)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.3. Con người với triết lý Sám hối, Hướng thiện

Theo triết lí Phật giáo, cái thế gian điên đảo này đắm chìm và đau khổ bởi hai chữ Ái và Dục. Hầu hết con người, khi vừa sinh ra, dường như đã mang sẵn lòng tham dục rất đỗi vô minh. Ban đầu có lẽ chỉ là một phần của bản năng tồn tại, nhưng càng về sau thì lòng tham dục đó lại được con người dùng để khuyếch trương cái bản ngã của mình, thông qua bao nhiêu phù phiếm của trần gian: tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp, thức ăn, ngủ nghỉ, quyền lực và kiến thức. Những điều này đức Phật gọi chung là ngũ dục: “Tài, Danh, Sắc, Thực, Thụy” năm cái dục ham muốn của con người. Mỗi một con người đều chìm đắm trong ham muốn của mình, để thỏa mãn với dục vọng cá nhân của mỗi người.

Toàn bộ hệ thống kinh điển của Phật giáo, Đức Phật thuyết giảng không ngoài bốn yếu tố: “Chỉ rõ cái khổ - Nguyên nhân cái khổ - Phương pháp diệt khổ - Con đường giải thoát khổ”, mà chính cái nguyên nhân của khổ được đức Phật chỉ rõ đó là “dục vọng” lòng ham muốn của con người. Con người vì tạo ra nhiều tội lỗi, nhưng lại không biết mình đang tạo tội, đến lúc lãnh phải hậu quả thì lúc đấy mới ăn năn sám hối. Chính từ sự hối cải ấy của con người, nên triết lý Sám hối như là sự cứu rỗi cho những lỗi lầm của con người tạo ra. Sau khi sám hối, họ thường hướng đến sự thánh thiện để tái tạo một con người mới, con người tốt đẹp và tươi sáng hơn. Con người sám hối - hướng thiện là một loại hình nhân vật được đan xen trong những câu chuyện nhân quả, những tình tiết ấy được nhà văn miêu tả một cách rất tinh tế và xuất sắc.

Con người trong thế giới này cũng vậy, ngoài dục vọng và tham ái dẫn đến khổ đau, họ còn chịu sự tác động do ba độc “tham, sân, si” từ chính trong tâm thức của họ. Khi lòng tham, nóng nảy và ngu si của họ dẫn đến những việc làm bất thiện, để rồi họ nhận lấy những kết quả không tốt đẹp. Khi nghiệp bất thiện của họ ập đến, thì

họ mới bắt đầu ăn năn sám hối. Những giá trị này, được thể hiện rất rõ qua tùy bút

Thuyền trôi trên sa mạc, chính tác giả đã hóa thân vào người viết thư, anh nói những

lời ăn năn sám hối và hướng thiện: “Mình luôn nhớ đến bạn, kiểu như trước đây mình từng gây lỗi với bạn; mình muốn sám hối, xin bạn hãy đừng xa lánh. Mình đang

“luyện” trở thành một người hoàn toàn vô hại với mọi loài” [34, tr. 210]. Người viết

thư sám hối với người bạn của mình về những chuyện trước đây anh ta đã từng gây ra với bạn, giờ đây anh cố gắng trở thành một người tốt, một người vô hại. Qua sự sám hối những điều anh gây ra với bạn, anh còn sám hối với những lỗi lầm của mình gây đau thương với các con vật như cắt cổ gà, róc vảy cá, bắn chim giết thú v..v..: “Hễ cứ nhắm mắt định tâm, mình lại nhớ trước đây từng róc vảy cá cắt cổ gà, từng bắn chim giết thú, từng chặt đầu lũ chàng hương ếch nhái... mà rùng mình toát lạnh mồ hôi. Thì chỉ biết hy vọng thôi, chỉ biết ngày ngày cúi đầu sám hối mong được an trú dưới

ánh hào quang của Phật suốt phần đời còn lại” [34, tr. 213]. Phật tính trong anh đã

hiển lộ, anh biết nhận lỗi trước bạn mình và cả muôn loài vật mà anh đã gây ra những vết thương đến với họ. Sự sám hối và chí hướng thiện đấy, đã giúp cho anh biết tu tập, biết niệm Phật và hành thiền. Những điều trên, được nhà văn dụng tâm ý sâu sắc để lồng ghép vào những câu chuyện vốn được xem rất đỗi bình thường một cách tinh tế và như chúng ta đang chứng kiến đâu đó trong cuộc sống ngày nay.

Tập truyện ngắn gồm 14 truyện ngắn, với dung lượng khá khiêm tốn, nhưng thực sự là một thử thách đối với bạn đọc. Trôi trên dòng thời gian trắng xóa như một công án thiền, cần đọc thông qua tâm nhãn, hơn là sự thụ cảm thông thường bằng lí trí và xúc cảm. Truyện ngắn Phật ở ngoài khơi xa hội đủ nhiều triết lý Phật giáo, nó được xem là câu chuyện mà Nhụy Nguyên tâm đắc nhất, có lẽ một phần cũng vì nó dung chứa khá nhiều triết lý sống trong đó. Chắc hẳn sự sám hối cũng không thể thiếu trong truyện, khi mà người bạn của Chân sực nhớ về những việc làm không có nhân tâm của anh đối với Chân, tác giả như muốn gợi lên cho nhân vật một tâm thế tủi nhục, một sự trách cứ về chính bản thân của người gây ra tội lỗi trong sự sám hối đầy nghẹn lòng: “Lại nhớ đến một người bạn, người mà tôi và Phương tá hỏa kiếm tìm trong tủi nhục, trong sự kêu gào của lương tâm và trong niềm sám hối vô biên

trước mười phương chư thánh” [35, tr. 24]. Mạch truyện được đảo ngược theo thời

gian phi tuyến tính, làm cho người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, để rồi nhận ra được những ẩn ý sâu sắc mà tác giả đã lồng ghép vào truyện. Không chỉ dừng

lại ở đó, Nhụy Nguyên còn sử dụng triết lý sám hối cho tên truyện như là truyện

Apsara và dòng kinh sám hối truyện nói về những văn hóa Chăm, đưa bạn đọc quay

về với đất nước Chămpa, khi cô công chúa người Việt như là nguyên nhân của cuộc chiến giữa hai nước. Nhụy Nguyên đã khéo léo khai quật cả một không gian sử thi huyền thoại, đầy rẫy những biểu tượng văn hóa Chăm trong quá khứ: “Người ta khoác lên thân nàng tấm lụa trắng muốt. Bây giờ chỉ còn ba hầu chữ. Nàng theo đến tòa tháp lớn hình linga. Đỉnh hổng nhìn lên thấy khoảng trời tròn điểm vài ngôi sao mọc vội. Phía trong độc nhất bệ thờ sát tường. Trên bệ là linga-kosa bằng vàng

ròng, chóe lên. Một cái đầu thần Sila lồi ra ở đoạn trên của linga…” [35, tr. 199].

Truyện giúp cho người đọc hiểu chút về văn hóa Chăm và ở đấy sử dụng rất nhiều ngôn từ trong kinh sám hối. Từ “Sám hối” được đặt cho chính tên truyện, chúng tôi khảo sát một khía cạnh ở đây và khẳng định Nhụy Nguyên rất am hiểu về kinh điển và giáo lý nhà Phật, nên trong văn xuôi của anh luôn hiện hữu những triết lý nhân sinh trong cuộc sống của Phật giáo. Lại đến với truyện Vung tay chạm đến vô cùng, Nhụy Nguyên cũng đem triết lý sám hối hướng thiện vào truyện. Nhân vật Nường, sau khi chồng cô bị tai nạn do đem đầu tượng Hộ Pháp đi bán lấy tiền, từ sự hiễu rõ về nhân quả và sám hối của Nường, nên cô ta đến chùa sám hối với Sư trụ trì. Từ đấy Nường hành lễ Phật thường xuyên để sám hối những lỗi lầm của chồng mình gây nên, lòng hướng thiện của cô bắt đầu từ đấy. Những chi tiết nhỏ này, giúp người đọc hiểu ra được những giá trị triết lý nhân sinh trong đời sống và giá trị triết mỹ trong văn xuôi Việt Nam.

Truyện ngắn của Nhụy Nguyên như một bức tranh văn hóa, muốn truyền tải những giá trị tinh hoa văn hóa của con người đến cho bạn đọc. Những câu chuyện trong tập truyện ngắn giúp người đọc dần nhận ra văn hóa cũng như đạo đức nhân văn của con người. Khi biết nhận lỗi sám hối trước những sai trái của chính mình, hướng đến sự thánh thiện tốt đẹp để chuộc đi những lỗi lầm đã gây ra. Nhân vật trong truyện ngắn như là những nốt nhạc để hoàn thiện một bản nhạc tuyệt phẩm đến cho thính giả thưởng thức. Họ sống không nuối tiếc về cuộc đời của mình, sống để tô điểm những điều tốt đẹp nhất cho cuộc đời. Họ làm nổi bật những giá trị triết lý, dám đối diện với những điều họ làm và ăn năn sám hối những lỗi lầm, để hướng thiện và sống một cuộc sống bình an hơn.

Sự sám hối của các nhân vật phải trải qua ba giai đoạn là từ sự hối hận đến tự trách bản thân mình rồi mới đến Sám hối. Người kể chuyện trong Thuyền trôi trên sa

mạc cũng tự hối hận và tự trách bản thân mình rồi mới viết ra những điều sám hối cho người bạn và cả những loài vật mà anh đã làm tổn hại đến họ. Hay Nường trong Vung

tay chạm đến vô cùng, người bạn của Chân trong Phật ở ngoài khơi xa. Nếu như không

trải qua giai đoạn tự trách và hối hận, thì làm sao các nhân vật có thể tự mình nói lên những sám hối và oán trách bản thân mình như thế. Nhụy Nguyên như muốn đẩy các nhân vật này vào một bi kịch thảm thiết nhất của đời người, để rồi từ đó tự tâm cảnh tỉnh, sám hối lương tâm, đánh thức giác tri lòng lương thiện của con người, để tự giải thoát mình trên chính đôi chân và lý trí của mình.

Tóm lại con người sám hối hướng thiện trong văn xuôi của Nhụy Nguyên là sự thể hiện triết lý Sám hối của Phật giáo thông qua cách miêu tả của Nhụy Nguyên, với kiến thức am hiểu Phật giáo và bằng ngòi bút đầy sức lực của anh, những nhân vật bắt đầu và kết thúc là hai điểm khác biệt hoàn toàn, bắt đầu từ con người hung bạo, tàn ác; và kết thúc bằng con người lương thiện, nhẫn nhục chịu đựng tất cả mọi việc, đó là con người mới, con người cải tà quy chánh.

Đức Phật tán thán con người hai điều: một là biết lỗi và hối lỗi, hai là chừa bỏ, hay gọi cách khác đó là sám hối. Triết lý Sám hối được đức Phật đề cao và tán thán, bởi lẽ sám hối tức là ăn năn, chừa bỏ tội lỗi đã tạo ra, ăn năn nhưng phải chừa bỏ, thì đó mới vẹn toàn chữ Sám hối. Mà chức năng này chúng ta tìm thấy ngay trong những hình ảnh nhân vật đại diện cho triết lý sám hối, hướng thiện.

Một phần của tài liệu Cảm quan phật giáo trong văn xuôi của nhụy nguyên (Trang 63 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)