6. Cấu trúc luận văn
2.2.1. Con người với triết lý Vô minh, vô ngã
Vô minh hay vô ngã chính là nguồn gốc của mọi khổ đau, vì không thấy ánh sáng của thiện pháp nên phải chịu sự chi phối bởi sanh tử. Vô minh là chấp ngã, chấp là có ta, chấp vào cái thân xác này là của ta nên tìm mọi cách để bảo vệ những thứ không phải của mình nhằm thỏa mãn tham ái và dục vọng của bản thân. Chính vì bị vô minh che lấp nên tìm đủ mọi cách để tận hưởng cuộc đời, sa đọa vào dục lạc, muôn đời chịu sự luân hồi, nghiệp báo khó mà giải thoát. Vì muốn thỏa mãn bản ngã nên con người thường tham cầu, khi chưa có thì lại muốn có, khi đã có rồi lại muốn có nhiều hơn. Cuộc đời cứ u mê luẩn quẩn trong dục vọng và tham ái, mong cầu mà bất thành thì lại sân hận và kháng cự, tất thảy hệ lụy trên cũng đều do vô minh. Con người không hiểu rõ chân lý của hạnh phúc là gì? Đôi khi trên con đường tìm kiếm hạnh phúc, con người lại sa đọa vào những điều bất thiện và khổ đau. Hồ Anh Thái, nhà văn nổi tiếng trong giới văn học Phật giáo, ông thấu hiểu nhiều giáo lý nhà Phật, đặc biệt trong cuốn tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi, ông so sánh trạng thái u mê, vô minh với màn sương mù dày đặc: “Chính lúc ấy một cảm giác vô minh. Cái tăm tối mù lòa ngu dốt. Cả thế giới cùng lúc chìm trong vô minh. Rõ ràng ta không mê muội, ta không ngủ mơ. Rõ ràng ta đang tỉnh táo. Nhưng cái tỉnh táo trong chốn
mù lòa dốt nát cũng vô tác dụng. Tỉnh như thế cũng không thấy được đường ra” [67,
tr. 12]. Triết lý vô minh được Hồ Anh Thái thể hiện rất tuyệt vời “Tỉnh như thế cũng
không thấy được đường ra”. Một sự cảnh tỉnh con người về tác hại của vô minh, khi
mà xã hội ngày càng văn minh, hiện đại. Con người ngày càng đòi hỏi nhu cầu hưởng thụ, thì dục vọng ngày càng tăng trưởng. Chính vì thế, trong văn xuôi của Nhụy Nguyên sự thức tỉnh con người về vô minh được thể hiện rất tinh tế và đậm nét nghệ thuật. Nó vừa mang tính chất văn học phản ảnh xã hội thời hiện đại, vừa mang tính chất thức tỉnh con người của đạo lý nhân sinh trong thế giới vội vã ngày nay.
Tùy bút Thuyền trôi trên sa mạc trong tập tùy bút của Nhuỵ Nguyên. Tác giả đã hóa thân vào chính nhân vật là người viết thư để gửi gắm những tâm tư về sự tu tập của mình: “Mình đã tu. Bạn ạ. Bất ngờ lắm? Giật mình phải không. Tu rồi mới hiểu. Lâu nay mình chấp thủ dựng lô cốt tự nhốt mình lại. Học Phật nghe pháp rồi bỗng sinh “nghi”. Đời người trăm tuổi là bao so với hàng tỉ năm tồn tại của trái đất; còn
dõi thêm ra các dải ngân hà chẳng khác ta nhìn vòng đời của một chú kiến. Bạn hãy đặt con kiến lên quả địa cầu nhựa rồi thử quay một vòng xem nó có rơi không? Con kiến nhỏ đến mức nó không cảm nhận được sự quay của trái đất ấy kia mà. Sao chúng ta nhỏ bé đến tội nghiệp, lại có bản ngã lớn vậy nhỉ. Không ai nhanh hơn ai
tính tại thời điểm nhắm bờ giác ngộ lướt biển vô minh” [34, tr. 209]. Ở đó, anh nhấn
mạnh về sự giác ngộ, bởi lẽ khi giác ngộ chúng ta mới có thể thấy được vô minh và đoạn diệt sự khổ đau ấy. Nó như là bức thông điệp mà tác giả muốn cảnh tỉnh con người, lời văn được bộc bạch từ tận đáy lòng, anh dốc hết tất cả những gì mà anh ngộ ra được từ sự tu tập. Người viết thư cảnh tỉnh bằng câu kinh Pháp cú rằng: “Được sinh làm người là khó, được sống trọn đời còn khó hơn, được nghe Chánh pháp là
khó”; “Tín huệ văn pháp nan trung nan” [34, tr. 209]. Theo Nhụy Nguyên muốn
chấm dứt được khổ đau thì phải chấm dứt dục lạc, mà muốn chấm dứt dục lạc thì trước hết phải thuần hóa được tâm mình: “Chưa chiến thắng thuần hóa được tâm nên
mình chưa thể dứt dục lạc” [34, tr. 209]. Con người cần phải tu tập thì mới chấm dứt
được sự luân hồi khổ đau của lục đạo, nếu cả đời này chỉ làm thiện mà không quy y theo Phật, không hành trì tu tập thì vẫn không thể nào giải thoát về cõi Tịnh độ của đức Phật A Di Đà được: “Bạn vẫn nghĩ chết rồi cũng sẽ được đầu thai lại làm người phải không? Thật không dễ vậy. Nếu suốt đời bạn giúp người hành thiện chăng nữa mà không nương Phật, không thiền định và niệm “A Di Đà Phật” thì phước báu lắm
chỉ lên được cõi Trời. Sau kiếp sống ở thiên giới sẽ về đâu?” [34, tr. 215]. Điểm đặc
trưng trong văn xuôi của Nhụy Nguyên, là anh trình bày cho người đọc thấu hiểu vô minh, sau đó anh lại đưa ra cho nhân vật và người đọc con đường tu tập để giải thoát. Ở góc độ này, người viết nhận thấy Nhụy Nguyên như là vị sứ giả của Như Lai, với phương cách sáng tác văn học để chuyển tải triết lý Phật giáo, nhằm gửi gắm đến mọi người những bài học nhân văn, tốt đẹp và sâu thẳm hơn đó là hoằng dương giáo pháp theo cách riêng của Nhụy Nguyên. Theo anh, hành thiện thôi chưa đủ để giải thoát cùng lắm chỉ sanh lên cõi Trời thôi, còn nếu chúng ta biết thiền định, niệm Phật A Di Đà thì sự giải thoát mới thành tựu. Cái nhìn của anh chính là cái nhìn của người đã tu, đã ngộ, mà cái nhìn đó là của bậc xuất trần nhập cảnh tu hành. Vì thế cho nên, nhà văn Nguyễn Khắc Phê từng nói trong bài viết của ông rằng: “Một điều dễ nhận thấy là trong các tùy bút, truyện ngắn và cả bài phê bình của Nhụy Nguyên đều có dấu ấn của một cây bút “đã tu… đọc kinh… chú tâm niệm Phật…” - Nhụy Nguyên đã viết
như vậy trong một lá thư gửi bạn, in cuối tập tùy bút (“Thuyền trôi trên sa mạc”). Đã đành, không thể dẫn sáng tác rồi suy ra cuộc đời tác giả, nhưng nếu “tu” như Nhụy Nguyên đã viết trong lá thư rằng “Mình đang “luyện” trở thành một người hoàn
toàn vô hại với mọi loài” thì chỉ có những điều tốt đẹp mà thôi” [82]. Ở đây chúng ta
nhận thấy trong truyện ngắn, tùy bút của Nhụy Nguyên, con người vô minh được miêu tả dày đặc. Bởi đâu mà con người vô minh lại xuất hiện nhiều như thế trong tác phẩm của anh. Chúng ta xét lại góc độ Tứ diệu đế, con người hầu như ai cũng chịu khổ đau, mà khổ đau là do dục vọng, tham ái và vô minh. Tác phẩm của Nhụy Nguyên là một bản trình bày về nỗi khổ của con người, ở góc độ cảm quan Phật giáo, chúng tôi nhìn vào tác phẩm và nhận thấy những nỗi khổ ấy của các nhân vật, đa số được xuất phát bởi sự tham ái và vô minh. Cho nên ở tiểu mục này, khi chúng tôi bàn về con người vô minh chúng tôi muốn xét kỹ về các nguyên nhân dẫn đến khổ đau. Nguyên nhân ấy chúng tôi cho rằng, đó là do vô minh gây nên, cũng chính hiểu thấu tư tưởng này, nên nhà văn đã dụng ý đem tư tưởng này vào tác phẩm của mình.
Con người sinh ra trong cõi này chính là cõi Dục giới, ắt hẳn ai ai cũng đều chịu sự chi phối của dục vọng, đơn thuần là người nào biết tiết chế và người nào sống sa đọa với dục vọng mà thôi. Dục vọng xuất phát từ tâm tưởng, con người một khi đã thỏa mãn với dục vọng này, rồi lại sinh ra tham cầu dục vọng mới. Mà dục vọng là điều không có chỗ tận cùng. Nếu con người không biết tiết chế dục vọng thì rất dễ bị rơi xuống hố sâu của dục vọng. Trong truyện ngắn của Nhụy Nguyên cũng thế, những con người vô minh được biểu hiện rất đậm nét. Bằng sự quan sát tinh tường của nhà văn nên việc miêu tả con người vô minh rất tinh tế. Đến với truyện ngắn Phật
ở ngoài khơi xa, có lẽ đây là truyện mà Nhụy Nguyên tâm đắc nhất, bởi lẽ ở đấy hiện
hữu nhiều giá trị tư tưởng, triết lý. Nó là sự biểu hiện của tư tưởng Tứ đế, giải thoát, vô minh, những tư tưởng ấy được thể hiện thông qua con người. Cũng vậy, con người trong Phật ở ngoài khơi xa là sự đối lập về tư tưởng. Nếu như Chân luôn hướng đến con đường giải thoát, chặt đứt vô minh thì bạn của anh lại là người luôn hướng đến con đường hưởng thú vui dục lạc, chính vì vô minh che lấp nên dục vọng và tham ái trong con người của anh ta không thể nào dập tắt được.
Đạo Phật hướng con người tới lối sống thoát tục, từ bỏ những dục vọng tầm thường, sống với từ bi hỷ xả, hướng đến giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Trong văn xuôi của Nhụy Nguyên, nhiều nhân vật thấu hiểu triết lý từ bi của đức Phật, sùng bái đạo
Phật nhưng ngọn lửa dục vọng vẫn rừng rực cháy trong họ. Những toan tính, tham vọng cá nhân đã khiến họ lún sâu vào tội ác. Họ tập sống tốt có khi là để che giấu những tội lỗi mà họ đã gây ra. Dục vọng trong con người bạn của Chân đã lấn át quá sâu, trở thành một con người đầy dục vọng. Anh ta cặp bồ, rồi còn quan hệ bất chính với Phương (vợ của Chân) với con người như thế khi được gặp Chân “một con người thoát tục hướng đến sự thánh thiện cầu giải thoát” thế mà anh ta hoàn toàn không nhận ra được giá trị gì, ngược lại còn bị vô minh che lấp để lén lút quan hệ bất chính với vợ của Chân. Chân nhận ra được giá trị của con đường giải thoát anh đã từ bỏ gia đình đi tu. Còn bạn của Chân thì cứ chìm đắm trong cảnh giới vô minh, tham đắm trong thú vui dục lạc. Truyện như là một kết cấu đảo, rất đậm nét “Duyên” của nhà Phật. Cuối câu chuyện, lại chính là con trai của người bạn cũ của Chân gặp Chân đang tu ở một ngôi chùa ngoài đảo. Rồi Chân chợt nhận ra, cậu ta là con của người bạn cũ của mình, bao nhiêu hình ảnh của người vợ và người bạn lại gợi dậy trong lòng của Chân. Tác giả đã sử dụng tiếng mõ như để làm trầm đục lại sự dậy sóng của vô minh. Qua đấy, chúng ta thấy nhân vật Chân tuy đã ở chốn tu hành, nhưng những nỗi đau trong lòng anh ta vẫn còn chìm trong đáy lòng. Đợi đến lúc nó lại khởi lên
“Sư lặng lẽ tới ngồi trước bàn Phật, tay cầm dùi mõ…cốc…cốc…cốc…cốc… tiếng
mõ trầm đục… biển mê dậy sóng” [35, tr. 39]. Cuối cùng, tác giả nói câu: “biển mê
dậy sóng”. Liệu chân sư đã quên đi tất cả những nỗi đau đó, hay đơn thuần chỉ là nhớ đến trong một lúc, rồi chợt thoáng mất đi. Tất cả đều ở khoảng trống vô vọng của tác giả, để hiểu rằng: “Một chút giận, hai chút hờn, lận đận cả đời ri cũng khổ” (Thiền sư Thích Thiện Siêu). Trong truyện ngắn Phật ở ngoài khơi xa, Nhụy Nguyên lại phản ánh nỗi ưu tư của những con người mộ đạo nhưng còn vướng nặng nghiệp trần, đặt ta một câu hỏi rất suy tưởng rằng... Nếu bỏ lại tất cả yêu thương tục trần để truy nguyên sự thanh tịnh, đốn ngộ của bản tâm... thì phía sau có gì đổ vỡ (?); trong lúc triết lý tột cùng của nhà Phật vẫn sẽ đưa đến sự giải thoát ở bất cứ hoàn cảnh nào khi một hành giả nhẫn nại hành trì đúng tinh thần kinh điển.
Vô minh chính là khi ánh sáng trí tuệ bị che lấp đi, con người cũng thế, nếu không thoát ra được khỏi vô minh thì mãi mãi chỉ nằm trong bóng tối ấy. Những dụng ý tình tiết này, chúng tôi nhận ra được những tâm tư của chính tác giả. Cho nên, ở Nhụy Nguyên có một chất liệu mà ai đi qua văn chương của anh thì đều khó mà quên được.