CHƢƠNG 2 : CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
2.2. Năng lực vận dụng Toán học vào thực tiễn của học sinh tiểu học
2.2.1. Năng lực
Có nhiều cách hiểu khác nhau về năng lực, theo từ điển tiếng Việt năng lực có nghĩa là khả năng làm việc tốt, nhờ có phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn. Về khía cạnh tâm lý, năng lực được hiểu là những đặc điểm tâm lí của nhân cách, là điều kiện chủ quan để thực hiện có kết quả một dạng hoạt động nhất định, năng lực là sự kết hợp giữa khả năng bẩm sinh (năng lực tự nhiên) và khả năng có được qua quá trình đào tạo (kĩ năng); theo nhà tâm lí học Nga V.A.Cruchetxki thì: “Năng lực được hiểu như là: Một phức hợp các đặc điểm tâm lí cá nhân của con người đáp ứng những yêu cầu của một hoạt động nào đó và là điều kiện để thực hiện thành công hoạt động đó” [27, tr.15], cách hiểu khác năng lực là sự tổng hợp những thuộc tính của cá nhân con người, đáp ứng những yêu cầu của hoạt động và đảm bảo cho hoạt động đạt được những kết quả cao hay năng lực là khả năng sử dụng kiến thức, vận dụng kĩ năng với thái độ tốt giải quyết hiệu quả vấn đề trong thực tiễn luôn biến đổi. Năng lực cũng là tổ hợp các thuộc tính độc đáo của khả năng con người phù hợp với một hoạt động nhất định, bảo đảm cho những hoạt động đó có kết quả.
Trong tài liệu này chúng ta thống nhất cách hiểu: Năng lực là khả năng sử dụng kiến thức, vận dụng kĩ năng với thái độ tốt giải quyết hiệu quả vấn đề trong thực tiễn luôn biến đổi.
Năng lực thường được phân chia thành hai loại cơ bản là: năng lực chung và năng lực riêng biệt. Năng lực chung: là những năng lực cần cho nhiều hoạt động khác nhau, là điều kiện cần thiết để giúp cho nhiều lĩnh vực hoạt động có kết quả. Năng lực riêng biệt: là những năng lực thể hiện độc đáo các sản phẩm riêng biệt có tính chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu của một lĩnh vực, hoạt động chuyên biệt với kết quả cao. Chẳng hạn như năng lực Toán học. Hai loại năng lực chung và riêng luôn bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Như chúng ta đã biết kiến thức, kĩ năng, kĩ xảo không đồng nhất với năng lực nhưng có quan hệ mật thiết với năng lực. Năng lực góp phần làm cho sự tiếp thu kiến thức, phát triển kĩ năng, kĩ xảo một cách tốt hơn. Năng lực mỗi người dựa trên cơ sở tư chất nhưng điều chủ yếu là năng lực được hình thành, rèn luyện và phát triển trong những hoạt động tích cực của con người dưới sự tác động của rèn luyện dạy học và giáo dục. Mối quan hệ giữa năng lực với kiến thức, kĩ năng, thái độ. Một năng lực là tổ hợp đo lường được các kiến thức, kĩ năng và thái độ mà con người cần vận dụng để thực hiện tốt một nhiệm vụ trong một bối cảnh thực và có nhiều tác động bên ngoài. Để thực hiện một nhiệm vụ, một công việc có thể cần nhiều năng lực khác nhau. Vì năng lực được thể hiện thông qua việc thực hiện nhiệm vụ nên người học cần chuyển hóa những kiến thức, kĩ năng, thái độ của bản thân vào giải quyết những tình huống mới trong thực tế cuộc sống. Do đó, có thể nói kiến thức là cơ sở để hình thành năng lực, là nguồn lực để người học tìm được các giải pháp tối ưu để thực hiện nhiệm vụ, hoặc có cách ứng xử phù hợp trong cuộc sống. Khả năng đáp ứng phù hợp với cuộc sống là đặc trưng quan trọng của năng lực, tuy nhiên, khả năng đó có được lại dựa trên việc sử dụng linh hoạt các kiến thức, kĩ năng cần thiết trong mỗi con người trong từng hoàn cảnh cụ thể. Kiến thức là cơ sở để hình thành và rèn luyện năng lực, là những kiến thức mà người học phải năng động, tích cực, tự giác vận dụng được. Có thể hình dung việc hình thành và rèn luyện năng lực được diễn ra theo hình bậc thang, trong đó các kiến thức có trước được sử dụng để kiến tạo kiến thức mới, kiến thức mới lại là cơ sở để hình thành năng lực mới.
Kĩ năng theo nghĩa hẹp là những thao tác, những cách thức thực hành, vận dụng kiến thức, kinh nghiệm đã có để thực hiện một công việc nào đó, kĩ năng hiểu theo nghĩa rộng, bao hàm những kiến thức, những hiểu biết và trải nghiệm,... giúp cá nhân có thể thích ứng khi hoàn cảnh thay đổi. Kiến thức, kĩ năng là cơ sở cần thiết để hình thành năng lực trong một lĩnh vực hoạt động nào đó. Không thể có năng lực toán học nếu không có kiến thức và không được thực hành, luyện tập trong những dạng bài toán khác nhau. Ngược lại, nếu chỉ có kiến thức, kĩ năng trong một lĩnh vực toán thì chưa hẳn đã được coi là có năng lực toán, mà còn cần đến việc sử dụng hiệu quả các nguồn
kiến thức, kĩ năng cùng với thái độ, tránh nhiệm của bản thân để thực hiện thành công các nhiệm vụ và giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
2.2.2. Năng lực Toán học
Theo cách hiểu trên về năng lực và vai trò của môn Toán trong việc phát triển, rèn luyện những thành phần quan trọng của năng lực cho học sinh. Thì chúng ta có thể hiểu: Năng lực Toán học của học sinh là những năng lực cần có khi học sinh học xong chương trình môn Toán. Những năng lực này đáp ứng việc tiếp thu những tri thức toán học, khả năng học tập môn Toán, khả năng vận dụng kiến thức toán vào cuộc sống,... Những năng lực Toán học được luận văn đề cập đến bao gồm: Năng lực thu nhận thông tin Toán học, lưu trữ thông tin toán học, xử lý thông tin toán học, năng lực vận dụng Toán học vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống.
2.2.3. Năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn
Năng lực vận dụng kiến thức của học sinh là khả năng của bản thân người học huy động, sử dụng những kiến thức, kĩ năng đã học trên lớp hoặc học qua trải nghiệm thực tế của cuộc sống để giải quyết những vấn đề đặt ra trong những tình huống đa dạng và phức tạp của đời sống một cách hiệu quả và có khả năng biến đổi nó để phù hợp với thực tế cuộc sống. Năng lực vận dụng kiến thức thể hiện ở phẩm chất, nhân cách của con người trong quá trình hoạt động để thỏa mãn nhu cầu chiếm lĩnh tri thức.
Với cách hiểu trên, cấu trúc năng lực vận dụng kiến thức của HS có thể được mô tả dưới dạng các tiêu chí sau:
- Nắm vững kiến thức để vận dụng vào thực tiễn.
- Có khả năng phát hiện, phân tích và chuyển các tình huống thực tiễn thành các dạng toán đã học.
- Xác định và tìm hiểu các thông tin liên quan đến tình huống thực tiễn.
- Lập kế hoạch, đề xuất các giải pháp, chọn giải pháp phù hợp để giải quyết tình huống.
- Có khả năng chuyển từ kiến thức đã học thành các tình huống thường gặp trong thực tế.
Từ các tiêu chí trên của năng lực vận dụng kiến thức có thể mô tả thành các mức độ khác nhau để thông qua đó GV có thể xây dựng thang đánh giá mức độ phát triển năng lực của HS thông qua dạy học tích hợp các môn học. Có nhiều cách khác nhau để xác định các mức độ của năng lực vận dụng kiến thức của HS, cụ thể:
- Theo cơ sở kiến thức khoa học cần vận dụng để xác định các mức độ khác nhau như: HS chỉ cần vận dụng một kiến thức khoa học hoặc vận dụng nhiều kiến thức khoa học để giải quyết một vấn đề.
- Theo mức độ quen thuộc hay tính sáng tạo của HS. - Theo mức độ tham gia của HS trong giải quyết vấn đề.
- Theo mức độ nhận thức của HS: tái hiện kiến thức để trả lời câu hỏi mang tính lí thuyết; vận dụng kiến thức để giải thích các sự kiện, hiện tượng của lí thuyết; vận dụng
kiến thức để giải quyết những tình huống xảy ra trong thực tiễn; vận dụng kiến thức, kĩ năng để giải quyết những tình huống trong thực tiễn, khả năng liên hệ các kiến thức đã học với các tình huống thực tế hoặc những công trình nghiên cứu khoa học vừa sức, đề ra kế hoạch hành động cụ thể hoặc viết báo cáo.
2.2.4. Năng lực vận dụng kiến thức Toán học vào thực tiễn
Vận dụng kiến thức Toán học vào thực tiễn bao gồm cả việc vận dụng kiến thức đã có để giải quyết các vấn đề thuộc về nhận thức và việc vận dụng kiến thức vào thực tiễn sản xuất trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày như làm bài thực hành, làm thí nghiệm, làm mô hình, vận dụng vào các môn học khác có nhiều ứng dụng trực tiếp trong đời sống như hóa học, vật lí, sinh học, ...hoặc tính toán đơn thuần hàng ngày. Trong đó, năng lực vận dụng là tổ hợp các thuộc tính độc đáo của phẩm chất riêng biệt của khả năng con người để thích nghi với đời sống thực tế. Năng lực vận dụng kiến thức Toán học vào thực tiễn là khả năng của chủ thể vận dụng những kiến thức toán đã thu nhận được trong một chủ đề nào đó để áp dụng vào thực tiễn, như vận dụng kiến thức hình học không gian để tính thể tích của các đồ vật trong cuộc sống hàng ngày, vận dụng kiến thức tỉ số lượng giác để đo chiều cao của một vật thật ngoài thực tế trong đó có một điểm ta không thể đến được, đo khoảng cách giữa hai điểm trong đó có một điểm không đến được, ... Năng lực vận dụng kiến thức thúc đẩy việc gắn kiến thức lí thuyết và thực hành trong nhà trường với thực tiễn đời sống, đẩy mạnh thực hiện dạy học theo phương châm "học đi đôi với hành".
Theo như cách phân tích ở trên, trong luận văn này ta hiểu năng lực vận dụng kiến thức Toán học vào thực tiễn là khả năng vận dụng thành thạo và thường xuyên những kiến thức Toán đã thu nhận được để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.
2.2.5. Bồi dưỡng năng lực vận dụng Toán học vào thực tiễn cho học sinh Tiểu học học
Đối với học sinh Tiểu học, hoạt động vận dụng Toán học vào thực tiễn tương đối thống nhất, chỉ là hoạt động học tập và các hoạt động thông thường trong đời sống. Tuy nhiên, năng lực vận dụng Toán học vào thực tiễn của mỗi người trong cuộc sống lao động sau này, đều được đặt nền móng từ những yếu tố của năng lực vận dụng Toán học vào thực tiễn khi còn là HS.
Tâm lí học xác định rằng năng lực của một cá nhân chỉ có thể phát triển thông qua hoạt động của cá nhân đó.Vì vậy, để phát triển năng lực vận dụng Toán học vào thực tiễn cho HS lớp 5 thông qua dạy học phải tổ chức cho HS tập luyện vận dụng Toán học vào thực tiễn thông qua khai thác những nội dung thực tế, những tình huống thực tế được đưa vào trong quá trình dạy học. Trong những hoạt động kiến tạo tri thức, phát triển năng lực cho HS, cần chú ý khai thác những tri thức, kĩ năng có liên quan đến hoạt động vận dụng Toán học vào thực tiễn.
Trong luận văn, năng lực vận dụng Toán học vào thực tiễn được xét là ở cấp độ phổ biến, các kiến thức Toán học vận dụng chỉ là các kiến thức ở lớp 5.