nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư, các khái niệm và chính sách đầu tư kinh doanh:
- Dự thảo Luật này sửa đổi, bổ sung Điều 4 Luật Đầu tư để phân định rõ phạm vi điều chỉnh cũng như
nguyên tắc áp dụng của Luật Đầu tư và các Luật có liên quan, bao gồm Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
- Bổ sung khái niệm “chấp thuận chủ trương đầu tư” để làm rõ mục đích, bản chất của việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương thực hiện dự án; sửa đổi, bổ sung các khái niệm về “đầu tư kinh doanh”, “ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, “điều kiện đầu tư kinh doanh”, “điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài” và “vốn đầu tư” theo hướng làm rõ hình thức, nội dung cụ thể của khái niệm này nhằm bảo đảm tính khả thi, minh bạch và thống nhất trong quá trình thực hiện.
- Bổ sung một số quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý áp dụng các biện pháp cần thiết (như từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư...) trong trường hợp các hoạt động này gây phương hại đến an ninh, quốc phòng, di tích lịch sử, văn hóa, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng và môi trường; làm rõ nguyên tắc nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư kinh doanh, bảo đảm thực hiện dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch, tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường và quy định của pháp luật có liên quan.
- Thu hẹp dự án thuộc phạm vi bảo lãnh của Chính phủ và thực hiện thống nhất với Luật Quản lý nợ công; bãi bỏ các quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư để thực hiện thống nhất theo dự thảo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư.