Vai trò “đầu tàu” trong thu hút FDI của “Tứ giác động lực” gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau chưa rõ do có sự phát triển không đều giữa 4 địa phương. Tỉnh Kiên Giang nổi trội, xếp thứ 2 chỉ sau Long An, thu hút hơn 4.739 triệu USD, chiếm gần 21% tổng vốn FDI đăng ký toàn vùng. Trong khi Cần Thơ là trung tâm vùng ĐBSCL xếp thứ 6/13 tỉnh thành, chỉ thu hút được hơn 726 triệu USD, chiếm 3,2% tổng vốn toàn vùng. An Giang với nhiều lợi thế về biên mậu, nhưng đến nay mới thu hút 208 triệu USD vốn FDI, chiếm 0,9% tổng vốn toàn vùng, xếp thứ 11/13. Cà Mau xếp cuối bảng, mới thu hút hơn 149 triệu USD, chiếm 0,66% tổng vốn toàn vùng. Đây cũng là 2 tỉnh xếp thứ 50 và 54/63 tỉnh, thành cả nước thu hút vốn FDI.
Dù có nhiều đóng góp quan trọng cho cả nước, nhưng thu hút FDI của ĐBSCL chưa tương xứng với tiềm năng, vai trò, vị trí của vùng do những trở ngại về hạ tầng giao thông, nguồn lực đầu tư công hạn chế, thiếu động lực, lao động qua đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư, thiếu liên kết vùng. Vì vậy, mặc dù là “điểm sáng” ở thời kỳ đầu, nhưng ĐBSCL trong nhiều năm lại là “vùng trũng” trên bản đồ thu hút đầu tư nước ngoài của cả nước.
Kết quả thu hút FDI những năm gần đây của ĐBSCL đã có những khởi sắc nhờ những cải thiện về cơ sở hạ tầng, tập trung đầu tư phát triển 3 khâu đột phá là: giao thông, thủy lợi, giáo dục - đào tạo và dạy nghề. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn còn thấp, chưa tương xứng với vai trò của vùng trọng điểm nông nghiệp số 1. Là điểm sáng PCI cả nước, nhưng thu hút FDI của 13 tỉnh, thành trong năm 2018 chưa bằng một tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (1,5 tỷ USD so với 1,8 tỷ USD).