5. Cấu trúc của đề tài
1.4.1 “Thần tượng văn chương Nhật” Haruki Murakami
Haruki Murakami có lẽ là tên tuổi của văn học Nhật Bản được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Tuấn Khanh đã khẳng định: “Kenzaburo Oe đã giành được giải Nobel văn chương, nhưng dường như Haruki Murakami mới là tác giả nổi tiếng nhất, có ảnh hưởng nhất ở Nhật Bản cũng như ở nước ngoài” [8, tr.400]. Bắt đầu đăng đàn từ năm 1979 với tác phẩm
Lắng nghe gió hát (đoạt giải Gunzo), kể từ đó, Haruki Murakami đã tìm được con đường đi vào lòng công chúng bằng một văn phong riêng, không trộn lẫn.
Haruki Murakami sinh năm 1949 tại Kyoto, Nhật Bản nhưng hầu hết tuổi thơ của ông lại sống ở Shukugawa, Kobe. Ông sinh ra trong một gia đình có ông nội là tăng lữ Phật giáo, ông ngoại là thương gia vùng Osaka, bố mẹ là giáo viên dạy văn
học Nhật Bản. Tuy vậy, ông lại ít gần gũi với văn học, văn hóa truyền thống Nhật mà ngược lại, ông yêu thích các tác phẩm phương Tây nhiều hơn. Trong cuộc phỏng vấn với Larry Mc Caffery, ông thổ lộ: “Tôi nghĩ, việc tôi tìm đến những loại hình văn hóa này là một biểu hiện nổi loạn chống lại cho tôi (ông là một giáo viên văn học Nhật) và những tư tưởng Nhật Bản chính thống. Từ lúc tôi mười sáu tuổi, tôi đã không đọc tiểu thuyết Nhật Bản nữa mà tìm đến những nhà văn Nga, Pháp như Dostoyevsky, Stendhal và Balzac qua các bản dịch. Sau bốn năm học tiếng Anh ở trường phổ thông, tôi bắt đầu đọc văn học Mỹ tại các hiệu sách cũ. Nhờ đọc tiểu thuyết Mỹ, tôi thoát khỏi nỗi cô đơn của chính mình để được lạc vào một thế giới khác…” [6, tr.404]. Vì thế ông đã chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Những bản nhạc Pop, Rock thập niên 50, 60 của thế kỷ XX xuất hiện nhiều trong tác phẩm của ông. Sáng tác của Kurt Vonnegut, Elvis, F. Scott Fitzgerald… cũng được ông nhắc tới. Ngoài ra, Murakami còn rất đam mê và am hiểu nhạc Jazz.
Năm 1968, ông vào Đại học Waseda ở Tokyo, nghiên cứu kịch nói và điện ảnh. Tại đây ông gặp gỡ Yoko – người bạn đời sau này của ông. Tại trường đại học, ông trải nghiệm rất nhiều điều: các tác phẩm văn học, kịch bản phim được ông đọc say mê, cuộc nổi loạn của sinh viên năm 1968, làm thêm ở một cửa hàng bán đĩa nhạc… Chính niềm đam mê ông nhạc đã thôi thúc ông mở một quán rượu có chơi nhạc Jazz tên là “Peter Cat” ở Kokubunji, Tokyo cùng với vợ năm 1974. Quán rượu tồn tại đến năm 1982.
Sau này, Haruki Murakami kể lại, ý tưởng sáng tác đến với ông một cách tình cờ. Đó là khi ông đang xem một trận bóng chày ở sân vận động Meiji – Jingu. Khi nhìn cầu thủ người Mỹ xoay người ném bóng, ông “đột nhiên cảm thấy mình có thể viết một cái gì đó”. Mong muốn ấy lớn dần, chuyển thành khát khao mạnh mẽ, và, đến năm 1979, ông xuất bản tác phẩm đầu tay Lắng nghe gió hát. Tác phẩm đã mở đường cho sự nghiệp sáng tác của Murakami. Tiếp sau đó là Pinball, 1973
(1980), Cuộc săn cừu hoang (1982), Xứ sở kỳ diệu vô tình và nơi tận cùng thế giới
(1985). Những tác phẩm của Murakami đã thu hút độc giả bằng một văn phong mới mẻ và những vấn đề nhạy cảm. Chẳng hạn, Xứ sở kỳ diệu vô tình và nơi tận cùng
thế giới được xuất bản khi Nhật Bản bước vào thời kỳ bùng nổ kinh tế. Tác phẩm đã thể hiện những chiêm nghiệm của con người về sự đa chiều, đa diện của thực tại xã hội để nhận ra cuộc sống không phải là thiên đường. Cũng trong năm này, Murakami nhận giải thưởng Tanizaki Junichiro. Năm 1986, ông rời Nhật Bản sang sinh sống ở nước ngoài. Ông lang thang hết nước này đến nước khác và cuối cùng định cư tại Mỹ, trở thành thành viên Hiệp hội Nhà văn Princeton năm 1991. Điều đáng chú ý là năm 1987, ông xuất bản Rừng Na – uy – cuốn sách gây tiếng vang lớn và tác động mạnh mẽ đến thế hệ trẻ, tạo nên một hiệu ứng thực sự. Một năm sau,
Nhảy, nhảy, nhảy ra đời, là “một tác phẩm táo bạo nhất, nổi bật nhất, thông thái nhất của ông cho đến lúc này” (Alfred Birnbaum).
Năm 1992, ông cho ra mắt Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời. Có lẽ sức cuốn hút của tác phẩm được tỏa ra từ cách kể chuyện độc đáo của ông, khiến câu chuyện không đặc biệt cũng trở thành “cuốn tiểu thuyết cảm động sâu sắc nhất của ông” (The Boston Globe). Năm 1995, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết lớn trong đời:
Biên niên ký chim vặn dây cót. Ông viết tác phẩm này trong bốn năm ở Princeton, ngày ngày ra thư viện đọc đủ các loại sách. Cuốn tiểu thuyết đã thật sự khẳng định “tầm” của Murakami. Thế giới nhân vật thần bí và đầy biến ảo đã khiến người đọc bị choáng ngợp thực sự. Haruki Murakami đã thực sự thành công với chủ nghĩa phi lý và chủ nghĩa huyền thoại.
Năm 1995 cũng được đánh dấu bằng một sự kiện lớn: trận động đất ở Hanshin, Kobe và vụ rải chất độc sarin ở nhà ga xe điện ngầm Tokyo. Haruki Murakami hồi hương và viết các tác phẩm nhập cuộc hơn với không khí cuộc sống biến động từng ngày. Từ năm 1997 đến năm 2000, ông xuất bản Dưới lòng đất
(cuốn sách phi hư cấu đầu tiên) và Sau cơn động đất sau khi phỏng vấn các nạn nhân của vụ rải chất độc. Năm 1999, một lần nữa ông lại làm bạn đọc khắp nơi phải nghiêng mình khâm phục trước kiệt tác Người tình Sputnik: “Một cuốn tiểu thuyết hay, nhẹ như sợi lông, nhưng buồn da diết… một cuốn sách quyến rũ” (Sunday Herald).
Năm 2002, Kafka bên bờ biển ra đời, “gây tiếng vang lớn ở khắp châu Á, châu Âu và nước Mỹ, đây được coi là sự tiếp tục lối viết sử dụng ngụ ngôn, ẩn dụ, một sở trường của ông” [8, tr.428]. Tác phẩm đã được trao giải thường Franz Kafka tại Praha, Séc năm 2006 và Murakami là người thứ 6 nhận được giải thưởng cao quý này. Cũng trong năm 2006, Cây liễu mù và Người đàn bà ngủ, tập truyện mới nhất của Murakami vừa được P. Gabriel và Jay Rubin dịch sang tiếng Anh đã mang về cho nhà văn giải thưởng truyện ngắn quốc tế Franz Oconnor. Các tiểu thuyết khác nối tiếp nhau ra đời: Sau nửa đêm (2004), Tôi nghĩ gì khi tôi chạy bộ (2007),
1Q84 (2009) đã khẳng định thêm tài năng và thành công vang dội của Murakami. Tháng 9 năm 2007, ông được trao bằng tiến sĩ danh dự của University of Liege, đồng thời cũng được trao bằng tiến sĩ danh dự của Princeton University vào tháng 6 năm 2008. Tháng 1 năm 2009, ông nhận giải thưởng Jerusalem – giải thưởng được trao tặng hai năm một lần cho các tác phẩm đề cập đến quyền tự do của con người, xã hội, chính trị và nhà nước.
Bên cạnh việc sáng tác, ông còn giành không ít thời gian để dịch những tác phẩm nước ngoài sang tiếng Nhật, tạo điều kiện để bạn đọc Nhật Bản tiếp cận với văn học thế giới. Ông dịch các tác phẩm của Chandler, J.D. Salinger, Truman Capote, F.S. Fitzgerald…
Tuy nhiên, ở Nhật Bản, ông lại vấp phải sự phản đối của một số nhà văn và nhà phê bình văn học như Masao Miyoshi. Miyoshi coi các tác phẩm của Murakami như là thứ văn chương đại chúng, chỉ những người dễ dãi, “cấp thấp” mới đọc chúng. Nhưng bất luận thế nào, cho dù bị phê phán gay gắt ra sao cũng không ai có thể phủ nhận được Murakami là một trong những nhà văn quyến rũ nhất hiện nay và là người có đóng góp lớn lao trong việc đưa văn học Nhật Bản vượt biên giới, đến với văn chương quốc tế.