Hiện thực xã hội bị xé lẻ, phân tách

Một phần của tài liệu (Trang 54 - 57)

5. Cấu trúc của đề tài

2.2.1 Hiện thực xã hội bị xé lẻ, phân tách

Có thể nói, văn học ở bất cứ thời đại nào cũng đều là tiếng nói trung thành phản ánh xã hội mà nó tồn tại. Có nghĩa là đối tượng phản ánh, miêu tả của văn học chính là bức tranh con người và xã hội. Với tư cách là một loại hình văn học, tiểu thuyết cũng tham gia vào quá trình tái hiện hiện thực đời sống ấy. Với dung lượng dài, tiểu thuyết có thể mang tới cho người đọc một cái nhìn tổng quát bằng độ rộng của hiện thực, độ dài của thời gian và độ sâu của tâm lý. Tuy nhiên, chảy trôi theo dòng thời gian thì quan niệm về hiện thực trong văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng cũng có nhiều đổi khác.

Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất của chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại chính là phạm vi miêu tả thế giới. Có thể nói, càng đến gần chủ nghĩa hậu hiện đại thì hiện thực được tác giả chọn lựa để thể hiện càng thu hẹp dần. Người ta không còn thấy bức tranh thời cuộc đồ sộ với số lượng nhân vật khổng lồ (hơn 500 nhân vật) như trong Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoy nữa. Người ta cũng không thấy một xã hội lớn lao trải rộng nhiều tầng lớp như Những người khốn khổ

của Victor Hugo hay cuộc di dân lớn lao để tìm miền đất mới của Chùm nho phẫn nộ mà John Steinbeck đã kỳ công miêu tả. Người ta lại càng không thấy những cuộc đời suôn sẻ, sắp xếp theo trình tự tự nhiên, cứ mặc nhiên chảy trôi, mặc nhiên xảy đến, như một quy luật của đất trời. Và cũng không còn thấy những con người lên gân lên cốt, chiến đấu, vươn lên, thậm chí là hy sinh cho những lý tưởng mang tầm thời đại, những lý tưởng đại diện cho một giai cấp nào đó như trong những tác phẩm dạng Thép đã tôi thế đấy. Cùng với sự “thất thế” của các “đại tự sự”, các “tiểu tự sự” lên ngôi đã mở ra quang cảnh hiện thực khác trong sáng tác. Người ta trở nên cá nhân hơn, theo một cách nào đó. Họ không phanh mở toàn bộ hiện thực, không rà soát chúng ở nhiều nơi và cũng không bao trọn nó. Họ thu gọn lại, chỉ lấy một mảnh, một lát cắt. Họ khoanh vùng hiện thực lại, chọn một phần gần gũi nhất, lấy

đó làm điểm tựa để triển khai toàn bộ câu chuyện. Nhưng như vậy không có nghĩa chủ nghĩa hậu hiện đại xây dựng một tượng đài vững chắc đề cao quyền tôn trọng con người. Ngược lại, họ (những nhà văn hậu hiện đại) đặt con người trong một trạng thái bấp bênh đến chênh vênh. Họ xoáy mạnh vào các “tiểu tự sự”. Nếu “đại tự sự” là cái vòng nguyệt quế huy hoàng có khả năng khái quát quy luật tồn tại của cuộc sống thì chính bản thân nó cũng là cái “vòng kim cô” đóng khung tất cả những vấn đề cá nhân, thậm chí chi phối con người, giới hạn con người trong những vũng tù chật hẹp. Nghịch đảo với nó, “tiểu tự sự” không quan tâm gì khác ngoài cách thức thực hiện của mỗi cá nhân. Họ quan tâm đến cuộc đời cá thể, các suy nghĩ, tư duy và hành động. Trước một vấn đề, “tôi” có quyền phát ngôn và cư xử theo cách của “tôi”, phù hợp với tâm lý, tình cảm của “tôi” chứ không chịu tác động của bất cứ quy luật phổ quát nào. Tuy nhiên, những “tiểu tự sự” này thường không bền vững. Nó mang trong nội tại của mình tính bấp bênh, dễ đổ vỡ và sẵn sàng thay đổi từng ngày. Đó cũng chính là bản chất của cuộc sống hậu hiện đại, khi những tiến bộ của khoa học kỹ thuật đang dần nuốt chửng con người. Càng thỏa mãn nhu cầu vật chất, người ta càng dễ dàng cảm nhận sự thất vọng và bế tắc ở phương diện tinh thần. Đạp đổ bức tường thành kiến vẫn phong kín bấy lâu này, con người hậu hiện đại vượt qua các lớp hàng rào để đến với vùng bóng tối sâu thẳm nhất trong tâm hồn và xem mỗi cá nhân là một bản thể độc lập, riêng khác và độc đáo giữa thế giới.

Soi chiếu trong Kafka bên bờ biển, chúng ta cũng thấy rõ điều đó. Trái ngược với Kawabata suốt đời làm người lữ hành đi tìm cái đẹp, nâng cái đẹp lên tầm phổ quát hay Oe Kenzaburo cố tình nổi rõ cái nghịch dị của con người để đề cập đến những vấn đề tầm nhân loại, Haruki Murakami mang thế giới nhỏ hơn vào trong sáng tác của mình. Hiện thực không phải là một hình, một khối thống nhất, chỉ xảy ra ở Tokyo hay Takamatsu mà dường như bị xé vụn theo những chiều kích khác nhau. Ta có thể hình dung rằng: toàn bộ địa cầu này như một mảnh vải thì tác giả chỉ cắt lấy một vài miếng vài nhỏ, soi thật kỹ vào đó và lấy đấy là nền tảng xây dựng tác phẩm của mình. Với Kafka bên bờ biển, đó là nỗi cô đơn cùng cực của kiếp người, như một tiền định, không gì giải thoát được, là nỗi hoang mang, mơ hồ,

ngờ vực chính bản thân, chính sự tồn tại của mình, như sự nghi ngờ về tính hiện hữu của con người, là định mệnh, như một đường mòn đã vạch sẵn, người ta chỉ có thể đối diện chứ đừng nên trốn tránh hay là cái giá phải trả nếu đảo lộn trật tự tự nhiên, nếu con người ích kỷ chỉ biết nghĩ cho riêng mình… Các “đại tự sự” bay biến đi mất. Murakami chỉ còn chú tâm đến các “tiểu tự sự” mà thôi. Ông quan tâm đến Kafka, đến Nakata, Miss Saeki, Hoshino, Oshima… xem họ làm gì, họ tư duy ra sao, họ quyết định thế nào, từ đó khai thác những biến cố trong tâm hồn họ, dần hình thành nên những vấn đề cốt tử. Các nhân vật đắm chìm trong những thế giới riêng, đôi khi mơ hồ, trừu tượng. Kafka trong thế giới của lời nguyền, của muôn vàn câu hỏi “Tại sao?”, Miss Saeki trong thế giới của ký ức, Nakata trong ước mơ được bù đắp lại phần đã mất hay Oshima trong sự cố gắng vươn lên để làm chủ thể hình nhiều khuyết thiếu… Không gian cũng được miêu tả nhỏ hẹp. Một thư viện tư, một căn phòng u ám, ngôi nhà nhỏ sâu trong rừng, thị trấn “bên rìa thế giới” không bóng người… Đó là hiện thực bị phân tách, xé lẻ. Trên khung cảnh ấy, số phận mỗi con người được đưa đẩy theo những hướng khác nhau. Vẫn là không gian xã hội nhưng dường như đã bị tan chảy ra thành không gian của từng cá thể. Mất đi những đường viền lịch sử, hiện thực dường như bị mất dấu giữa vô vàn những biểu hiện của nội tâm con người. Không khắc nét rõ ràng bởi những sự kiện lịch sử hay những biến cố trầm trọng, Murakami chỉ đề cập tới những vấn đề mà bất cứ ai cũng có thể gặp, có thể trải qua và chiêm nghiệm trong đời sống. Phát ngôn của Milan Kudera: “Tất cả mọi tiểu thuyết của mọi thời đại đều chăm chú vào bí ẩn của cái tôi” [27] như một lời khẳng định về vùng hiện thực của tiểu thuyết – tập trung vào những vấn đề mang tính bản thể của mỗi cá nhân trong xã hội bao la.

Đáng lưu ý, việc lựa chọn hiện thực phân tách này không phải là một hiện tượng đặc biệt chỉ tồn tại trong Kafka bên bờ biển mà thôi. Ngay ở Rừng Na – uy – cuốn tiểu thuyết đầu tiên ghi dấu ấn của ông ở nhiều nước – cũng khai thác hiện thực ở một phạm vi nhỏ hẹp: Toru Wantanabe và câu chuyện về mối tình thời thơ trẻ của anh ta. Cùng với đó, khung cảnh của trường đại học, Naoko, Midori, Nhà nghỉ Ami,… hiện ra rõ nét, chân thực. Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời viết về

Hajime – người đàn ông với đủ đầy danh vọng, hạnh phúc gia đình nhưng thật sự chông chênh, băn khoăn về thực tại khi người yêu của anh – Shimamoto – san trở lại. Xuất hiện trong các sáng tác của Murakami là những khu vực được chia cách riêng biệt. Chẳng hạn như Nhà nghỉ Ami trong Rừng Na – uy, hai quán bar của Hajime trong Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời hay thư viện tư, ngôi nhà ở vùng núi Kochi hay “thị trấn bên rìa thế giới”. Đó chính là biểu tượng cho thế giới được (hay bị) cô lập. Thế giới không còn là một chỉnh thể, cũng không vẹn nguyên như trước nữa. Nó đã bị phá vỡ, bị tách nhỏ thành những mảnh vụn thực tế khác nhau. Và con người được đặt trong cái mảnh vụn ấy. Trong thế giới tách biệt này, các nhân vật có thể sống với trí tưởng tượng, niềm đam mê của mình, có thể hồi phục những vết thương sâu kín cũng có thể tìm thấy lời giải đáp cho chính những day dứt trong lòng. Điều này cũng mở ra ước mơ, kỳ vọng của con người, đó là niềm khát khao được sống, được cứu rỗi, được giải thoát trước sự chồng chéo, phức tạp và đơn độc của cuộc sống. Hiện thực bị chia nhỏ còn được thể hiện trong truyện ngắn của Murakami. Máy bay là không gian nhỏ hẹp của một ngôi nhà, là câu chuyện của một người phụ nữ ngoại tình với chàng trai kém tuổi mình. Trong Dao săn là khung cảnh của một khu nghỉ mát, nhân vật “tôi” làm quen với một chàng trai bị liệt và được tiết lộ về con dao săn của anh ta. Hay Giấc ngủ là câu chuyện đơn giản về người phụ nữ bị mất ngủ kéo dài và cách tận dụng khoảng thời gian không ngủ được đó của cô. Các câu chuyện phần lớn không cầu kỳ, phức tạp hay rối rắm gì, chỉ là những mẩu sự kiện đơn giản, thậm chí có phần riêng tư. Và chính từ cái hiện thực ấy, câu chuyện về cuộc đời và số phận của các nhân vật bắt đầu, đưa đẩy người đọc đến với những trang viết ngày càng hấp dẫn hơn. Đồng thời nó cũng thể hiện sự hòa nhập của Murakami vào dòng chảy hậu hiện đại đang chiếm vị trí thượng phong trên văn đàn thế giới.

Một phần của tài liệu (Trang 54 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)