5. Cấu trúc của đề tài
3.1.1 Sự tan rã của cốt truyện truyền thống
Theo cuốn Lý luận văn học do Hà Minh Đức chủ biên thì cốt truyện có thể được hiểu là “một hệ thống các sự kiện phản ánh những diễn biến của cuộc sống và nhất là các xung đột xã hội một cách nghệ thuật, qua đó các tính cách hình thành và phát triển trong những mối quan hệ qua lại của chúng nhằm làm sáng tỏ chủ đề và tư tưởng của tác phẩm” [5, tr.137]. Hiểu theo nghĩa đó thì cốt truyện là một trong những yếu tố trọng yếu góp phần biểu hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. Xét trong mối quan hệ này, tính qua lại được biểu hiện rất rõ nét. Nếu như tác giả xây dựng được cho mình một cốt truyện hấp dẫn thì sẽ lôi cuốn người đọc, đồng thời làm nổi bật nội dung tư tưởng của tác phẩm. Ngược lại, một cốt truyện èo uột không những gây cảm giác nhàm chán cho người đọc mà thông điệp sâu xa kia cũng đánh mất đi cơ hội được truyền tải một cách trọn vẹn. Ý thức được điều đó nên việc đầu tiên của nhà văn sau khi có được ý tưởng đó là lên khung cho câu chuyện của mình. Cốt truyện có thể dựa trên một sự kiện, sự việc có thật hoặc có thể tưởng tượng hoàn toàn, nhưng quan trọng là nó phải đảm bảo tính lịch sử - cụ thể, tính kịch và tính hoàn chỉnh. Một nhà văn tài ba là nhà văn biết cách xây dựng các tình tiết đan cài sao cho vừa hấp dẫn, vừa hợp lý mà không xa rời chủ đề chọn lựa trước.
Với mong muốn giải đáp ổn thỏa tất cả những thắc mắc của bạn đọc nên cốt truyện truyền thống thường theo các bước: mở đầu – thắt nút – phát triển – đỉnh điểm – mở nút. Tùy thuộc vào ý đồ nghệ thuật mà tác giả lựa chọn các loại kết cấu khác nhau nhưng đều phải liên kết chặt chẽ với nhau và hợp logic. Tuy nhiên, đến với chủ nghĩa hậu hiện đại, người ta sẽ có cái nhìn tương đối khác về cốt truyện và kết cấu. Không còn giữ cách cấu trúc tác phẩm thông thường, bạn đọc bắt gặp sự sắp xếp các chi tiết tương đối ngẫu hứng, thậm chí phi trật tự, hỗn độn. Trong sự xét đoán của chúng tôi của R. Federman là một ví dụ. Tác phẩm bao gồm những trang không được đóng, ghim lại và người đọc có thể thoải mái hoán đổi, sắp xếp các
trang để đọc theo sở thích của mình. Cốt truyện mà chủ nghĩa hậu hiện đại chọn lựa cũng chỉ là những “tiểu tự sự”, trái ngược với các “đại tự sự” mà chủ nghĩa hiện đại cố công khai thác.
Đến với thế giới văn học của Haruki Murakami, chúng ta cũng bắt gặp sự độc đáo trong cách xây dựng kết cấu tác phẩm mà Kafka bên bờ biển là một ví dụ điển hình. Ở đây người ta có thể nhìn thấy rõ ràng sự tan rã của cốt truyện truyền thống. Kafka bên bờ biển xuất phát từ “mặc cảm Oedipus” để từ đó, vô vàn những ngã rẽ khác xuất hiện. Câu chuyện mà Haruki Murakami định kể có lẽ không có gì quá đặc biệt, nhưng điều hấp dẫn độc giả chính là kết cấu của tiểu thuyết. Kafka bên bờ biển được kết cấu thành hai mạch truyện độc lập rõ ràng. Mạch thứ nhất – những chương được đánh số lẻ - là về Kafka và hành trình trở thành “trang thiếu niên mười lăm tuổi kiên cường nhất thế giới” của mình. Mạch truyện thứ hai – những chương được đánh số chẵn – là về Nakata, một ông già thiểu năng và cuộc kiếm tìm phiến đá cửa vào bí ẩn. Thực chất, cách kết cấu song song như vậy so với chủ nghĩa hiện đại không có gì là mới mẻ, song Murakami đã biết cách tận dụng hoàn toàn ưu thế của cách kết cấu này. Hai câu chuyện diễn ra đồng thời, khá tương xứng nhau về mặt thời gian, giống như nhà văn đã sử dụng phép đồng hiện vậy. Người đọc vừa có thể bám sát hành trình của Kafka vừa có thể hình dung những hành động của Nakata. Nhưng điều đặc biệt là ở chỗ, Kafka và Nakata không hề có quan hệ gì với nhau, cả về ruột thịt lẫn mối quan hệ xã hội. Thậm chí cả hai còn chưa gặp nhau lấy một lần. Tuy cuối cùng, hành trình của hai người cũng giao nhau ở Takamatsu, giao nhau ở điểm chung là Miss Saeki nhưng kỳ thực, nếu tách bạch, thì dường như cả hai không mấy can hệ đến nhau. Tất nhiên, cuối cùng Kafka cũng đưa ra quyết định và Nakata chính là người đóng lại vòng tròn oan nghiệt của phiến đá cửa vào, giúp mọi chuyện trở về trật tự ban đầu nhưng việc xây dựng hai tuyến nhân vật như vậy đã tạo cho người đọc không ít tò mò. Chính vì vậy, mặc dù ở mỗi tuyến nhân vật, Haruki Murakami đều đi theo trật tự tuyến tính nhưng không hề gây sự nhàm chán cho độc giả.
Chính kết cấu song song, đa tuyến này đã phá vỡ văn bản thành những mảnh, những đoạn ngắn và tạo sự lỏng lẻo trong cốt truyện. Bằng việc xây dựng hai mạch truyện trong tác phẩm, Murakami đã tạo nhiều góc quay, nhiều điểm nhìn để soi chiếu dưới nhiều góc độ khác nhau để người đọc có cái nhìn đa chiều về cuộc sống. Cùng với đó, người đọc cảm nhận được các sự việc như đồng hiện và có thể hòa nhập vào câu chuyện mà nhà văn đang kể. Hai mạch truyện tưởng như không liên quan đến nhau nhưng thực chất là xoắn kép, đồng hành để cùng đi đến giao điểm cuối cùng, để từ đó, người ta nhận ra quan niệm của Murakami về tiếp nhận tác phẩm: người đọc mới chính là người nắm giữ phần quan trọng trong việc nắm bắt các lớp nghĩa của tác phẩm. Đồng thời việc kiến tạo cách kết cấu như vậy sẽ tạo những mảnh cắt, góp phần tái tạo sự hỗn độn của thế giới.
Tính hậu hiện đại trong cốt truyện, kết cấu cũng được in dấu đậm nét trong truyện ngắn của Murakami, vì vậy truyện ngắn của ông khó hiểu, súc tích và đôi khi phi logic, chẳng hạn như Thông báo kanguru. Con người không làm chủ được các diễn biến hàng ngày. Người ta bị cuốn đi, bị kéo đi, thậm chí họ phải ru ngủ chính mình. Họ không còn tin vào điều gì nữa, nhất là khi thế giới được hình thành từ vô vàn những ngạc nhiên, những sự việc không đầu, không cuối. Và người đọc Kafka bên bờ biển cũng phải lao theo cuộc hành trình của hai nhân vật chính để cuối cùng đến được cái đích hàm chứa nhiều bí ẩn mà Haruki Murakami xây dựng nên.