Ngôn ngữ cắt dán

Một phần của tài liệu (Trang 77 - 80)

5. Cấu trúc của đề tài

3.3.1 Ngôn ngữ cắt dán

Như chúng ta đã biết, ngôn ngữ là chất liệu nền tảng cũng là phương thức biểu hiện đặc trưng của văn học. Không phải ngẫu nhiên mà M. Gorki đã khẳng định: “Yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ, công cụ chủ yếu của nó và – cùng với các sự kiện, các hiện tượng của cuộc sống – là chất liệu của văn học” [5, tr.148]. Ngôn ngữ văn học có khởi thủy từ ngôn ngữ đời sống đã được chắt lọc, chọn lựa, tinh luyện ngôn ngữ đời sống lên một bậc cao mới. Và để trở thành ngôn ngữ văn học thì ngôn ngữ đời sống phải hàm chứa tính chính xác, tính hàm súc và tính hình tượng. Các văn nghệ sĩ đều phải kỳ công và tâm huyết lựa chọn ngôn từ cho tác phẩm của mình để sao cho cô đọng nhất, chính xác nhất. Công việc “chọn chữ”, “thôi xao” ấy được Maiacovsky ví với luyện quặng thành hợp kim, nghĩa là cần lắm sự kiên nhẫn, tâm huyết và trau dồi mài giũa.

Theo Ferdinand de Saussure, ngôn ngữ luôn có hai mặt và hai mặt này gắn kết với nhau trong mối quan hệ khăng khít không thể tách rời: cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Với chủ nghĩa hậu hiện đại, “cái biểu đạt” lên ngôi, trở thành đích quan tâm của các văn nghệ sĩ. Lớp vỏ ngôn ngữ chiếm vị trí thống soái. Từ việc phóng đại vai trò của nó đến vô hạn đã dẫn đến việc tùy tiện trong việc tạo từ, tạo câu, tạo văn bản. “Ngôn từ trở thành ngọn nguồn của mọi thứ, văn bản mà nó đan dệt nên là tất cả” [11, tr.70]. Thậm chí Michel Foucault còn đề cập đến cái chết của tác giả trong công cuộc viết lách của mình, nghĩa là tác giả không làm chủ được câu chữ của mình, mà ngược lại, chính câu chữ ấy điều khiển lại người viết. Nhà văn tham gia và trò chơi ngôn ngữ, xây dựng nên một hệ thống ký hiệu độc lập, thu nhận trong đó nhiều dạng ký hiệu khác nhau để làm phong phú thêm, qua đó gián tiếp nhấn mạnh sự thống soái của ngôn ngữ. Phó mặc vị trí làm chủ cho ngôn ngữ, người viết chỉ còn mỗi một việc là trượt theo suy tưởng của mình dưới nhiều hình thức ký tự khác nhau. Do vậy, một tác phẩm văn học hậu hiện đại là tập hợp đa dạng, thậm chí hỗn độn về mặt hình thức. Chẳng hạn, Chuyến thám hiểm của Donald Mathelme chỉ đơn giản là tập hợp các bức tranh với lời chú thích mà thôi. Nhìn qua, người đọc tưởng như đó là hệ thống các bức ảnh như trong triển lãm, nhưng kỳ thực đó là tác phẩm văn học. Đây có thể coi là ví dụ tiêu biểu cho sự bành trướng của ngôn ngữ của chủ nghĩa hậu hiện đại.

Trong Kafka bên bờ biển, Haruki Murakami cũng tận dụng tối đa các hình thức văn bản khác nhau. Ngay từ chương 2 của tiểu thuyết, Murakami đã cung cấp cho bạn đọc một tài liệu tối mật của Bộ Quốc Phòng Mỹ về cuộc phỏng vấn các nhận chứng của một vụ hôn mê tập thể bí ẩn trên Đồi Bát Cơm. Để tăng thêm độ tin cậy cho những văn bản này, Murakami không chỉ công bố toàn văn bản mà còn cung cấp cả số hiệu truy cập, chẳng hạn:

“BÁO CÁO CỦA CỤC TÌNH BÁO QUÂN ĐỘI MỸ (MIS) Ngày 12 tháng Năm năm 1946

Tên: Báo cáo về sự kiện Đồi Bát Cơm, 1944 Tài liệu số: PTYX – 722 – 8936745 – 42213 – WWN”

[16, tr. 18]. Dạng báo cáo này còn được lặp đi lặp lại, khi thì phỏng vấn cô giáo Setsuko Okamochi, khi thì phỏng vấn bác sĩ Nakazawa, khi thì với Tiến sĩ Shigenori Tsukayama. Các văn bản đều được thản nhiên đặt vào tiểu thuyết và không hề có trước một sự báo hiệu nào với độc giả. Người đọc thoáng chốc ngỡ ngàng tưởng như một sự nhầm lẫn của tác giả, nhưng kỳ thực là không phải. Với hậu hiện đại, nhà văn không phải kiêng dè khi quyết định trích dẫn các tư liệu khác vào trong tác phẩm của mình, cũng không lo ngại vấp phải sự cản trở từ dư luận. Thậm chí người đọc, nhờ đó, mà nắm bắt được nhiều thông tin hơn là những đoạn kể lể dài dòng. Không chỉ trích dẫn văn bản hành chính, Murakami còn không ngần ngại mang cả thư từ cá nhân, lời bài hát và các bài báo vào trong Kafka bên bờ biển. Ở chương 11, từ trang 107 đến trang 109, tác giả đề cập đến hai bức thư trao đổi ngắn mà Sakura viết cho Kafka và ngược lại. Thậm chí cả chương 12 là bức thư của cô giáo Setsuko Okamochi gửi đến Giáo sư Tsukayama để trình bày lại một số chi tiết đã bị làm sai lệch trong sự kiện Đồi Bát Cơm kỳ lạ năm xưa. Đến khi nhà điêu khắc nổi tiếng Koichi Tamura – bố của Kafka bị chết – người đọc cũng được chứng kiến cả một bài báo viết về sự việc này (trang 223, 224). Bên cạnh đó còn có mẩu tin ngắn về trận mưa cá bí ẩn:

“MƯA CÁ!

2.000 cá mòi và cá thu từ trên trời rơi xuống khu buôn bán Quận Nakano

Khoảng 6 giờ tối hôm 29, cư dân khối X quận Nakano bàng hoàng khi 2.000 con cá mòi và cá thu từ trên trời trút xuống như mưa. Hai bà nội trợ đang mua hàng ở chợ đã bị thương nhẹ ở mặt bởi cá rơi sượt qua, ngoài ra không ai khác bị tổn thương nặng. Vào lúc xảy ra sự kiện này, trời đang nắng, quang mây, lặng gió. Phần lớn cá đều còn sống, giãy đành đạch trên đường”

[16, tr.228]. Không chỉ trích đoạn những văn bản ngoại lai, Haruki Murakami còn sử dụng phông chữ đặc biệt. Hơn năm trăm trang của Kafka bên bờ biển đầy ắp những đoạn chữ sẫm màu. Đấy là khi “thằng cu tên là Quạ” lên tiếng, cũng là khi phần lý trí trong Kafka được đánh thức. Bên cạnh việc sử dụng màu chữ đậm nhạt khác

nhau, tác giả còn dùng kiểu chữ nghiêng để làm nổi bật những từ ngữ muốn được nhấn mạnh. Những từ ấy có vai trò giúp người đọc có thể hoạch định một cách hiểu chính xác hơn, gần gũi hơn với ý nghĩa thật sự mà các nhân vật muốn diễn tả. Các đoạn đối thoại và độc thoại trong Kafka bên bờ biển mang tính trừu tượng khá cao, gây cảm giác khó hiểu, mơ hồ cho người đọc. Những chữ được Murakami nhấn mạnh (in nghiêng) chính là những từ trọng điểm, liên quan mật thiết đến nội dung cuộc chuyện trò hoặc hướng phát triển của câu chuyện. Bám vào những từ đó và đọc đi đọc lại tác phẩm nhiều làn chính là một trong những phương cách góp phần thấu hiểu được cuốn tiểu thuyết này.

Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng: không phải đến chủ nghĩa hậu hiện đại thì tác phẩm văn học mới có sự pha trộn với các hình thức văn bản khác. Ngay từ chủ nghĩa hiện đại, người ta đã dễ dàng tìm kiếm những tác phẩm có trích dẫn các bức thư, đơn từ hay các bài báo. Nhưng điểm đặc biệt ở đây là sự xuất hiện của các văn bản này trong Kafka bên bờ biển không hề được báo trước. Người ta đọc xong chương 1, cùng hình dung ra công cuộc chuẩn bị kỹ lưỡng của Kafka cho chuyến bỏ nhà đi biệt xứ thì đến chương 2, người ta ngạc nhiên khi bắt gặp một văn bản tối mật của Bộ Quốc Phòng Mỹ. Tưởng như ở đây có sự nhầm lẫn nào đó nhưng kỳ thực, sự thản nhiên của Murakami cho thấy, những văn bản ấy chính là một phần của câu chuyện, thậm chí là phần không thể thiếu. Không còn phân vân, do dự khi sử dụng các loại thể văn bản khác nhau vào sáng tác của mình, các nhà văn hậu hiện đại đã biết cách sử dụng chúng để chúng phục vụ tốt nhất cho mục đích văn chương của mình. Và Haruki Murakami đã làm được điều đó.

Một phần của tài liệu (Trang 77 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)