5. Cấu trúc của đề tài
2.1.3 Khát vọng sống với bản ngã của chính mình
Có thể nói, cái đích cuối cùng của văn học nói riêng và các loại hình nghệ thuật nói chung chính là khám phá bản thể con người. Các nhà văn mong muốn đào sâu, tìm tòi cái mạch nguồn bất tận trong tâm hồn con người, muốn miêu tả con người trong tồn tại xã hội với tất cả những đặc điểm của nó một cách chân thực nhất. Và một trong những khía cạnh mà các tác giả đi vào khai thác chính là khát khao sống, khát khao tồn tại với chính bản ngã của mình, không bị che đậy dưới những vỏ bọc. Murakami cũng đã có lần tâm sự: “Cái mà tôi muốn mô tả trong tác phẩm của tôi là NHỮNG CON NGƯỜI”. Vì vậy trong các sáng tác của mình, ông đã dụng tâm khai phá diễn tiến tâm lý trong nội tâm nhân vật, những khát vọng sâu kín của mỗi cá nhân. Trong Rừng Na – uy là ước ao đến cháy bỏng được quay lại thời niên thiếu, khi chưa có những mất mát, khi chưa có những đớn đau, là lòng mong mỏi được trở thành nguồn động viên, điểm tựa sống của người nào đó trong đời. Trong Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời là ước vọng được khỏa lấp nỗi cô đơn cứ vô lý hình thành dù cuộc sống đủ đầy đến hoàn hảo, là sự nhớ nhung, khắc
khoải, lòng hiếu kỳ, ham muốn mãnh liệt được biết, được hiểu và có được người mình yêu thương. Còn Kafka bên bờ biển là khát vọng sống với bản ngã của chính mình, sống bằng chính bản thể con người mình.
Kafka bơ vơ và hoang mang trong ngàn vạn câu hỏi, trong bụi rậm của những rắc rối và trong vũng xoáy của những khát khao. Cậu bỏ nhà đi, không mong gì hơn là thoát khỏi lời nguyền cay độc đến tàn nhẫn của cha và tìm lại được con người thật của mình. Cậu sống trong hoàn cảnh thiếu thốn tình thương, luôn tự dằn vặt bởi không hiểu nguyên nhân tại sao mẹ lại bỏ cậu lại. Khát khao yêu thương nung đỏ con người cậu, đốt cháy tâm can cậu. Đến cùng đất mới – Takamatsu, cậu sống với những nét bản năng nhất của mình. Quyết định chấp nhận số phận, quyết định “không muốn phụ thuộc vào các nhân tố bên ngoài nữa, cũng không muốn lâm vào thế hoang mang bối rối vì những nhân tố mày không kiểm soát được” [16, tr.421], cậu đã mơ mình có quan hệ tình dục với Sakura – người cậu luôn thầm mong đó là chị gái mình, cậu yêu Miss Saeki, ngay cả khi bà đã ngoài năm mươi và có rất nhiều khả năng bà là mẹ cậu. Sau cuộc hành trình chạy trốn lời nguyền đầy khó khăn và nhiều tổn thương, cuối cùng Kafka cũng nhận ra sự phi lý của chạy trốn, sự mãnh liệt của khát vọng và sự đòi tự do của bản ngã. “Nếu trong toàn bộ chuyện này có một lời nguyền, thì mày muốn đối mặt với nó và tuân theo cái số phận đã được hoạch định cho mày. Cất cái gánh nặng khỏi vai và bứt ra khỏi những kế hoạch của kẻ khác để sống đúng là mày”. [16, tr.421]. Cậu hừng hực một quyết tâm: “Biết bao thứ đã bị đánh cắp đi khỏi tuổi thơ của cháu. Biết bao thứ quan trọng. Và bây giờ cháu phải giành lại” [16, tr.363]. Nhận thức được rõ ràng “đó là điều mày muốn”, “cháu cần phải làm thế”, Kafka trở nên vững chãi, quyết đoán hơn. Cậu dám dấn sâu vào khu rừng, đến với thị trấn bên rìa thế giới và nhận ra ý nghĩa sự tồn tại của mình.
Trong những tháng ngày vật lộn với chính mình ấy, Kafka còn tự đốt cháy mình bởi khát vọng yêu đương, ngay cả khi người cậu yêu là cô bé mười lăm tuổi không – tồn – tại hay là người phụ nữ hơn cậu rất nhiều tuổi. Bằng khả năng đặc biệt, Kafka nhận ra thiếu nữ mười lăm tuổi ngày nào đang ẩn náu trong thân thể của
Miss Saeki – người phụ nữ ngoại ngũ tuần. Cậu yêu cô bé ấy, và yêu Miss Saeki. Tình yêu ấy lớn lao và khó hiểu đến mức khiến cậu đau đớn. Năm Miss Saeki mười lăm tuổi, bà đang có một mối tình hoàn hảo với người yêu bà – cậu bé trong bức tranh. Vì yêu cô gái mười lăm ấy, Kafka buộc mình rơi vào trạng huống kỳ quặc – cậu yêu một người không – có – thật và ghen với một người không – còn – tồn – tại nữa, “Thậm chí, dù biết là năm hai mươi tuổi, gã đã bị nện vào đầu bằng một cái ống sắt rồi đánh đến chết, cậu vẫn sẵn sàng đánh đổi số phận với gã. Cậu bằng lòng làm vậy để được yêu Saeki trong năm năm còn lại của đời mình. Và được nàng yêu với tất cả tấm lòng. Được tha hồ ôm nàng trong tay bao lây tùy thích, làm tình với nàng hết ngày này sang ngày khác. Được vuốt ve mọi bộ phận trên cơ thể nàng và để nàng cũng làm như thế với cậu. Và để sau khi cậu chết, mối tình ấy sẽ trở thành một câu chuyện được khắc ghi mãi mãi trong tim nàng. Từng đêm, từng đêm, nàng sẽ yêu cậu trong kỉ niệm [16, tr.275]. Cậu chuyển biến nó thành tình yêu với Miss Saeki. Cậu yêu bà, làm tình với bà, chấp nhận thế vai người yêu cũ của mình, chấp nhận tình huống éo le mà mình đang mắc phải. Khi buộc phải ở biệt lập trong căn nhà gỗ nơi vùng núi Kochi, nỗi nhớ nhung, khao kháo của cậu bùng cháy, tưởng như không gì dập tắt được: “Mày nằm vào giường và tắt đèn, hy vọng bà hiện ra trong căn phòng này. Không cần phải là Miss Saeki thật – cô gái mười lăm nọ cũng được. Xuất hiện dưới hình thức nào – linh hồn sống hay ảo ảnh – không quan trọng, miễn là mày được thấy bà, được có bà bên cạnh. Đầu mày đầy ắp những ý nghĩ về bà đến độ muốn vỡ toác, thân thể mày muốn nổ tung từng mảnh” [16, tr.403]. Nhưng cậu cũng chỉ là một cậu bé mười lăm tuổi, tuân theo quy luật cuộc đời, bị dòng sự kiện thổi về phía trước, xô dạt đi. Cậu không thể hiểu được nỗi lòng của người phụ nữ đã đi quá nửa đời người với biết bao trầm luân, đau khổ. Cậu yêu, cậu ước vọng đến cháy lòng là nắm bắt được, thấu hiểu được suy nghĩ và hành động của người mà cậu thương mến. “Giá như mày hai mươi – không, chỉ mười tám thôi cũng tốt, miễn không phải mười lăm - ắt mày có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa lời nói và hành động của bà. Như vậy, mày có thể đáp ứng một cách thỏa đáng [16, tr.403]. Mong ước yêu đương, mong ước thấu hiểu bùng cháy trong tâm can cậu, biến thành
nỗi khát khao không có ngày thỏa mãn. Cũng giống như Hajime luôn muốn khám phá cuộc sống bí ẩn của Shimamoto – san trong Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời, kết quả cuối cũng vẫn luôn là cái đóng chặt của cánh cửa bí mật. Những uẩn khúc không thể lý giải, những nỗi niềm giấu kín được chôn vùi mãi mãi gây nên cảm giác khó hiểu, hoang mang, tuyệt vọng cho cả nhân vật lẫn độc giả.
Có lẽ Nakata là ông già vô lo nhất tác phẩm. Không bao giờ thấy ông tính toán, trăn trở hay băn khoăn. Những sự việc được ông lão chấp nhận một cách dễ dàng, như là tiền định, như đã biết trước. Nhưng như vậy không có nghĩa là ông không có nội tâm. Nakata trở nên bất hạnh từ sau tai nạn kỳ quái tại Đồi Bát Cơm. Lão mất hết những khả năng cơ bản của con người, đồng thời mất luôn cơ hội được sống một cuộc sống như bao người khác. Chính lão cũng luôn suy nghĩ về điều này: “Nếu lão vẫn nguyên là con người bình thường như ban đầu thì hẳn lão đã có một cuộc đời khác hẳn. Giống như hai em trai của lão. Hẳn lão đã vào đại học, làm việc ở một công ty nào đó, lấy vợ và có một gia đình hẳn hoi, lái một chiếc xe hơi cỡ bự, chơi golf vào những ngày nghỉ” [16, tr.349]. Mặc dù ý thức rõ “đã quá muộn để làm lại từ đầu” nhưng lão vẫn không giấu nổi ước vọng nhỏ nhoi: “Nhưng lão vẫn muốn được là một Nakata bình thường, cho dù chỉ trong một thời gian ngắn. Cho đến nay, lão chưa bao giờ muốn làm một điều gì đặc biệt. Lão chỉ luôn luôn gắng sức làm những gì người ta bảo lão làm. Có thể điều đó đã thành một thói quen. Nhưng bây giờ, lão muốn trở lại bình thường. Lão muốn là một Nakata với những ý tưởng của riêng mình, với một cuộc đời có ý nghĩa của riêng mình” [16, tr.349]. Trong khi nhiều người từ chối cuộc sống của mình thì Nakata lại chỉ mong có những phút giây ngắn ngủi để trở lại làm một người bình thường. Khát khao soi chiếu, nhận định lại bản thân, khát khao tìm lại những gì đã mất, tìm lại nửa kia của chiếc bóng luôn ám ảnh ông lão kỳ lạ này.
Không chỉ dừng lại ở Kafka và Nakata, dường như mỗi nhân vật trong Kafka bên bờ biển đều ẩn hiện một khát vọng nào đó. Với Oshima, đó là khát vọng xóa bỏ những chênh lệch trong giới tính của mình. Oshima không rõ ràng về giới tính, giữa thể xác và thiên hướng tâm hồn của nhân vật không ăn khớp với nhau. Vì thế,
anh/chị luôn mong thuần nhất giới tính của mình, để có thể đơn giản sống. Hoshino – anh chàng lái xe tải phóng khoáng nhưng tốt bụng bỗng một ngày nhận ra sự phí phạm của mình trong việc tiêu tốn từng ngày sống. Anh ta mong muốn bẻ lái con tàu cuộc đời mình, đưa nó về đường ray quy củ để sống những ngày ý nghĩa. Miss Saeki khát khao quay ngược thời gian, để mình mãi mãi ở tuổi mười lăm, để không có những ngày đớn đau mà bà phải chịu đựng. Bà mang trên mình một gánh nặng mà không thể chia sẻ cùng ai. Nó vắt kiệt sức bà, bào mòn dần ý chí sống. Miss Saeki đợi chờ cái chết, đợi có ai đó đến vào thời điểm thích hợp để xếp đặt mọi việc vẹn nguyên như cũ, thể bà thanh thản ra đi, thôi hối tiếc về sai lầm khủng khiếp bà đã mắc phải ngày còn thơ trẻ.
Mỗi một nhân vật trong Kafka bên bờ biển đều nuôi nấng trong đáy tâm hồn mình một khát vọng, một ước mong. Nhưng tựu trung tất cả, đó vẫn là khát vọng sống, sống đúng như những gì mình mong muốn, mình mơ ước, hoạch định. Là – chính – mình để sống, để tận hưởng cuộc sống, để vượt lên khó khăn cũng chính là một phần trong cái khát vọng ấy.