Bí ẩn như là một thủ pháp

Một phần của tài liệu (Trang 74 - 77)

5. Cấu trúc của đề tài

3.2.2 Bí ẩn như là một thủ pháp

Có thể nói, bí ẩn là một yếu tố đã trở thành quen thuộc trong sáng tác của Murakami. Nhưng ở mỗi tác phẩm, bí ẩn lại đến với những dạng thức khác nhau, và vì thế, nó vẫn đánh động sự hiếu kỳ của người đọc, đồng thời tạo nên những vòng xoáy dư luận không ngừng. Bí ẩn có thể được coi như một thủ pháp, một kỹ thuật để Murakami truyền tải ý tưởng, thông điệp của mình. Để xây dựng nên vô số điều bí ẩn ám ảnh tâm trí người đọc, Murakami đã sử dụng các motif như: motif phân thân – giấc mơ, motif hóa thân, đội lốt hay motif vô thức, ẩn ức. Kafka bên bờ biển

cũng xuất hiện các motif ấy.

Phân thân – giấc mơ là motif thường thấy trong sáng tác của Murakami, nhất là truyện ngắn, ví dụ như: Cậu ếch cứu Tokyo, Gương soi, Xác ướp, Giấc ngủ… Chẳng hạn, truyện ngắn Xác ướp kể về một cô gái nằm mơ thấy chồng mình là một xác ướp ăn thịt người và chồng cô quyết tâm ăn thịt cô. Nhưng vấn đề thực sự bắt đầu khi cô tỉnh giấc, được chồng vỗ về thì người chồng lại lặp lại những câu giống hệt cái xác ướp đã nói với cô trong giấc mơ. Điều này đẩy cô đến nỗi lo sợ và hoang mang cực độ, không biết rốt cuộc đây là thực tại hay cô đã bị giấc mơ ám ảnh.

Trong Kafka bên bờ biển, không ít lần các nhân vật chìm đắm vào trong giấc mơ của mình. Kafka thường xuyên mộng mị từ ngày rời nhà đi. Lão Nakata như sống trong một thế giới khác với những giấc mơ ở các cuộc maraton ngủ của mình. Lão mơ thấy mèo, thấy phoi bào, lão tìm đồ nhóm lửa, lão mơ thấy mình biết đọc, vào thư viện đọc đủ thứ sách… Miss Saeki không thể dứt khỏi giấc mơ về người tình đã mất của mình. Bà như bơi trong quá khứ ấy – một quá khứ đã xa xăm về thời gian vật lý nhưng dường như lúc nào cũng đồng hiện quanh bà. Chính Murakami cũng khẳng định: “Trái Đất vẫn tiếp tục quay chậm rãi. Nhưng bên kia những chi tiết ấy của thực tại, có những giấc mơ. Và mỗi người đều đang sống trong giấc mơ của mình” [16, tr.341].

Motif giấc mơ được đẩy lên cao sẽ biến hóa thành motif phân thân. Trong

Kafka bên bờ biển, Murakami nhắc tới “linh hồn sống” và lấy ví dụ điển hình trong

Truyện Genji. Thực tế, Miss Saeki có lẽ đã trở thành một cái linh hồn sống khi hàng đêm, cô gái mười lăm tuổi trong bà vẫn tìm đến căn phòng xa xưa, ngồi ở vị trí xa xưa và ngắm bức tranh cậu bé bên bờ biển ấy. Kafka cũng tự tách phần lý trí của mình ra một cách riêng biệt để có thể đối thoại với nó một khi cần đến lời khuyên lý tính và sáng suốt. Nhà điêu khắc Koichi Tamura cũng là hiện tượng phức tạp. Johnnie Walker chính là Koichi Tamura hay chỉ là phần ác trong ông? Kẻ diệt mèo không chỉ là phần ác trong Koichi – một con người vốn lạnh lùng và nguyên tắc đến tàn nhẫn mà còn tượng trưng cho phần ác trong mỗi con người.

Đi kèm với motif phân thân sẽ là motif đội lốt. Phần lý trí của Kafka hóa thân thành con quạ “sính lý thuyết dông dài”. Quạ luôn xuất hiện lúc Kafka cần đến lý trí can thiệp hay cần giải thích, bày tỏ ý nghĩ của mình. Cái ác xuất hiện dưới lốt của Johnnie Walker – kẻ diệt mèo – tìm cách thu gom hồn mèo để chế tạo chiếc sáo thần bí. Hay “khái niệm” chọn cho mình cái lốt an toàn dưới hình dạng của Đại tá Sanders của hãng đồ ăn nhanh KFC. Bằng cách đó, “khái niệm” có thể đi lại và tìm một “năng lực trần thế” giúp mình giải quyết các việc cần thực lực. Murakami đã chọn những cái lốt không ngờ nhất cho nhân vật của mình. Chẳng ai nghĩ cái ác sẽ là biểu tượng của nhãn rượu nổi tiếng thế giới hay khái niệm lại là một ông già của

hãng gà rán. Việc chọn lựa Quạ là hóa thân của lý trí Kafka cũng chính là sự gợi nhắc đến Franz Kafka (“Kafka” trong tiếng Tiệp Khắc có nghĩa là “quạ”) và thế giới nhân vật kỳ lạ, siêu thực của ông.

Nhưng cái đáng kể nhất của Haruki Murakami là ông đã sử dụng rất thành công motif vô thức, ẩn ức. Thông qua nhân vật Oshima, Murakami đã bày tỏ ý định này của mình: “Cái mà người ta gọi là thế giới siêu nhiên chỉ là vùng tối trong tâm trí chúng ta, Từ lâu trước khi Freud và Jung rọi một luồng sáng vào sự vận hành của vô thức, con người, bằng bản năng, đã thấy một mối tương quan giữa vô thức và cái siêu nhiên” [16, tr.257]. Chính vì thế mà ông chủ động sử dụng motif vô thức, ẩn ức cho Kafka bên bờ biển. Koichi Tamura vì những ẩn ức tình dục với người vợ bỏ nhà đi đã trút lời nguyền ác nghiệt lên đầu Kafka. Kafka, vì lời nguyền đó, đã cố hết sức xua đuổi cái định mệnh kinh hoàng ấy ra khỏi số kiếp mình. Nhưng càng cố chống chọi thì nó càng ám ảnh, càng khắc sâu, càng bám chặt. Đỉnh điểm, cậu bỏ nhà đi. Nhưng “cơ chế gá sẵn” ấy đã xô đẩy cậu đến cảnh ngủ với người mà cậu luôn nghĩ là mẹ mình và vô thức trong mơ làm tình với người mà cậu mong là chị gái mình. Kafka luôn hiểu là cậu không thể kiểm soát được phần vô thức của mình và cái định mệnh quái gở kia sẽ đến bất cứ lúc nào. Kafka hoang mang trong câu hỏi: Liệu có phải lời nguyền đã ứng nghiệm hay không?

Không chỉ Kafka mà Miss Saeki – người phụ nữ sang trọng và quyến rũ - cũng không cưỡng được vùng vô thức của mình. Trong giấc chiêm bao triền miên, bà đến thư viện và làm tình với Kafka (mà bà tưởng là người tình năm xưa). Bà đồng ý quan hệ với Kafka ngay cả khi tỉnh táo nhất chỉ để tìm cảm giác của cô gái mười lăm tuổi ngày trước. Bà ý thức được điều không phải ấy nhưng bà “không đừng được” và đành thả trôi mình theo cảm xúc cá nhân.

Sử dụng các motif một cách nhuần nhuyễn và tinh tế, Murakami đã tìm được phương thức hữu hiệu nhất để tạo nên cái bí ẩn cho Kafka bên bờ biển. . Và “cái bí ẩn hiện lên rất rõ ràng là cái bí ẩn không được giải thích” (Nhật Chiêu) [34] nên nó càng có sức quyến rũ bội phần. Lớp vỏ bí ẩn càng dày thêm mãi và người đọc càng không thể dứt ra được những trang viết. Có thể nói sáng tác của Murakami “từ chối

giải thích, nó đi ngược lại ham muốn soi sáng của tiểu thuyết” (Nhật Chiêu) [34]. Cái bí ẩn cũng góp phần làm nổi rõ “định mệnh” trong tác phẩm. Người đọc không thể giải thích được khi nhận ra sự xuất hiện của mỗi nhân vật đều đã được “bọc lót” từ trước, cứ như là họ sẽ xuất hiện vào một thời điểm thích hợp bởi đã có chỗ dành sẵn cho họ. Nakata sẽ là người thay thế Kafka giết Johnnie Walker. Kafka sẽ thay thế người tình của Miss Saeki hồi mười lăm tuổi để bà tiếp tục nối dài những mộng tưởng. Oshima sẽ tiếp nối Miss Saeki. Hoshino sẽ thay thế Nakata trong nhiệm vụ đặc biệt: đóng phiến đã cửa vào. Nakata xuất hiện để giải phóng tất cả cũng là điều được phác nét trước: có lẽ Nakata chính là cái bóng xuất hiện trong bức tranh được vẽ năm xưa. Không chỉ vậy, hàng loạt câu hỏi sẽ như dòng nước xoáy sâu vào tâm trí người đọc khi trang sách cuối cùng gấp lại: Koichi Tamura và Johnnie Walker có phải là một? Miss Saeki, Sakura rốt cuộc có là mẹ và chị Kafka hay không? Miss Saeki đã sống như thế nào với “một cái vỏ rỗng” như vậy? Và chính những câu hỏi ấy đã giúp người đọc thân thiết, gắn bó với tác phẩm hơn đồng thời gia tăng sự cuốn hút của cuốn tiểu thuyết này.

Một phần của tài liệu (Trang 74 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)