Sự mỉa mai đối với các quan niệm truyền thống

Một phần của tài liệu (Trang 57 - 64)

5. Cấu trúc của đề tài

2.2.2 Sự mỉa mai đối với các quan niệm truyền thống

Với tư cách là khuynh hướng văn học lên ngôi nhất hiện nay, chủ nghĩa hậu hiện đại đã thể hiện sự độc lập của mình với chủ nghĩa hiện đại khi bày tỏ sự mỉa mai đối với các quan niệm truyền thống. Chủ nghĩa hậu hiện đại phá vỡ những quan

niệm bấy lâu, chỉ ra những mâu thuẫn đã tồn tại từ lâu trong nội tại những tiên đề ấy. Họ nhìn thấy sự chênh vênh, không vững chãi trong đó. Bằng phép thử, suy luận nghịch đảo hay suy luận loại suy, họ đã tìm ra những kẽ hở, những điểm yếu của nhiều quan niệm mà trước đây người ta vẫn tôn sùng. Cái chính là họ không có niềm tin và họ cảm thấy sự không cần thiết phải tạo dựng niềm tin. Đánh đổ quan niệm này, họ cũng không có ý định xây dựng một quan niệm khác thay thế. Bởi xã hội luôn luôn vận động, và người ta cũng không thể ràng buộc mình bởi các quan niệm bất biến được. Phải luôn có một “độ cong vênh” trong thế giới, để người ta có thể co giãn và đánh đổi để đi tìm những chân trời mới.

Kafka bên bờ biển cũng ẩn chứa cái nhìn hậu hiện đại của Haruki Murakami về nhiều vấn đề. Thông qua những câu hỏi ngược nhiều khi ngây ngô của ông già thiểu năng Nakata, Murakami vô tình đặt dấu hỏi chấm cho nhiều thành ngữ vốn xưa nay được dùng như thói quen trong đời sống Nhật. Chẳng hạn, với thành ngữ “Uống thuốc độc cả đĩa” ám chỉ đã quyết định làm việc gì thì phải theo tới cùng, thêm vài ba rắc rối nảy sinh cũng không thể cản bước, giống như khi đã quyết uống thuốc độc, thì phải uống hết cả đĩa, hoặc đã uống thuốc độc thì ăn luôn đĩa cũng không sao. Khi nghe Hoshino sử dụng thành ngữ này, Nakata vội vàng thắc mắc: “Cơ mà ăn đĩa thì chết. Mà lại hại răng, đau họng nữa” [16, tr.395]. Câu hỏi tưởng như ngây ngô của Nakata khiến Hoshino bối rối “Ừ… tại sao lại phải ăn cả đĩa nhỉ?” [16, tr.395] và cuối cùng “Cháu cũng bắt đầu hoang mang” [16, tr.395]. Một vấn đề tưởng như đơn giản bỗng hóa thành phức tạp. Lại một lần khác, cũng là cuộc trò chuyện của Hoshino và Nakata, thành ngữ “Chó đi vòng mãi cũng đụng phải gậy” được nhắc tới. Câu thành ngữ dụng ý nói những việc ta thực hiện, nếu cứ kiên trì mãi (như chó kiên trì đi vòng) thì cuối cùng cũng đạt được tới đích, cũng tìm được cái mà mình tìm kiếm (đụng phải gậy). Nhưng “Tại sao con chó lại phải đụng vào gậy nếu nó đi vòng? Nếu thấy gậy trước mặt, nó có thể né tránh chứ?” [16, tr.413]. Và thêm một lần nữa, Hoshino bối rối: “Trước đây, cháu chưa bao giờ nghĩ đến điều đó” [16, tr.413]. Thực ra, những thắc mắc của Nakata chỉ xoay quanh nghĩa đen của câu thành ngữ, tức là phần nổi, phần hình ảnh được người ta sử dụng

để tạo lập ý nghĩ sâu xa. Câu hỏi ngược tưởng như ngây ngô, đơn giản mà lại khiến, chắc chắn, không chỉ Hoshino mà còn nhiều độc giả khác cũng cảm thấy bối rối.

Thông qua nhân vật người lái xa tải Hagita, Haruki Murakami cũng bày tỏ cách nhìn nhận thế giới và sự vật: “Cứ lần lượt lập những tương quan là tự khắc hình thánh ý nghĩa lúc nào không biết. Càng nhiều tương quan, ý nghĩa càng sâu” [16, tr.215], “chỉ riêng việc ta đang sống đã thiết lập mối liên hệ giữa ta với sự vật xung quanh ta, bất kể chúng là cái gì. Điều quan trọng là phải xem xét điều đó diễn ra có tự nhiên hay không. Vấn đề không phải là thông minh hay đần độn, mà là nhìn sự vật bằng đôi mắt của chính mình” [16, tr.216]. Như vậy trong quan niệm này, vai trò của cá nhân, của cái tôi rất được đề cao. Đó là yếu tố tiên quyết để tạo lập bản sắc riêng của từng cá nhân và gián tiếp tạo nên sự phong phú, đa dạng trong cách nhìn thế giới.

Như chúng ta đã biết, quan niệm của người phương Đông rất coi trọng trời. Vũ trụ được cấu thành bởi thời gian và không gian, được cụ thể bởi thiên đường, trần thế và địa ngục. Nơi được coi là cực lạc, nơi chỉ có những niềm vui, sung sướng, hạnh phúc, không có nỗi buồn, không có đường ác cũng không có đọa đầy chính là thiên đường. Và người ta mặc nhiên thừa nhận thiên đường chỉ tồn tại trên trời mà thôi. Nghĩa là trời là một khái niệm vừa cụ thể, vừa siêu hình, vừa trừu tượng lại vừa cụ thể. Trời là thế giới của hạnh phúc, là nơi biết bao người mơ ước được đi tới sau cái chết. Trời cũng là một thế lực siêu nhiên, vô hình nhưng rất linh thiêng, có quyền năng chi phối cuộc sống con người, dõi theo từng hành động, suy nghĩ nơi trần thế và phán xét lẽ đúng sai. Với tư cách là quốc gia có nền văn hóa lâu đời và độc đáo, Nhật Bản cũng có chung quan niệm ấy. Người Nhật tôn sùng và tôn thờ trời, cũng như tôn sùng và coi trọng lẽ tự nhiên. Nhưng trong Kafka bên bờ biển, Đại tá Sanders – tay dắt gái trong các ngõ hẻm phố phường thì lại bộc lộ một quan niệm hoàn toàn ngược lại. Nếu trời là đấng tối cao công bằng với tất cả mọi người và có chức năng phân xử đúng sai thì trời có khác gì một ông trọng tài bóng đá? “Vậy giời mặc quần sọc, miệng ngậm còi, mắt nhìn đồng hồ?” [16, tr.325]. Đại tá Sanders cũng đặt ra câu hỏi về mối quan hệ giữa “các trời” với nhau, cũng chính

là mối quan hệ giữa tín ngưỡng tâm linh của đất nước này so với đất nước khác: “Giời của Nhật Bản và giời của Tây có bà con họ hàng với nhau không, hay là kẻ thù của nhau?” [16, tr.325]. Và Hoshino – người rất tin vào trời và rất sợ “trời đánh thánh vật” bỗng chốc trở nên hoang mang, bối rối không biết đối đáp ra sao, giải thích như thế nào và tìm lý lẽ gì để bảo vệ niềm tin của mình. Murakami thông qua Đại tá Sanders cũng thẳng thắn phát biểu một cách nhìn “rất chi là hậu hiện đại” về trời, về thế giới tâm linh: “Nghe này – giời chỉ tồn tại trong tâm trí con người thôi. Đặc biệt, ở Nhật Bản, giời bao giờ cũng là một khái niệm rất biến động. Này nhé, trước kia, ở đây, hoàng đế là giời, thế mà sau chiến tranh, Douglas MacArthur ra lệnh cho ông ta thôi không làm giời, thế là ông ta tuân theo, đọc ngay một bài diễn văn tuyên bố mình chỉ làm một con người bình thường. Vậy sau 1946, ông ta không còn là giời nữa. Đấy, giời của Nhật Bản là thế đó: có thể vặn vẹo, điều chỉnh dễ dàng. Một tên tướng Mỹ ngậm một cái tẩu rẻ tiền vừa ra lệnh một cái là a – lê – hấp

giời nghỉ là giời. Một quan niệm rất chi là hậu hiện đại. Nếu anh nghĩ có giời thì là có giời. Nếu anh nghĩ không thì là không. Và nếu giời là thế thì có gì phải lo?” [16. tr.325]. Phá vỡ các quan niệm truyền thống, dường như Murakami muốn hướng tới một cuộc sống vô thần, nơi mà con người không có cái gì để dựa dẫm ngoài chính bản thân mình.

Theo John Verhaar, sự mỉa mai là một trong hai đặc tính của hậu hiện đại. Nó xuất phát từ mệnh đề nổi tiếng của Nietzsch: “Thượng Đế đã chết!”. Loài người rơi vào sự “bất tín nhận thức”. Nói như Milan Kudera trong tác phẩm Nghệ thuật tiểu thuyết nối tiếng của ông thì: “Sự phát triển của khoa học đẩy con người vào những đường hầm của các bộ môn riêng biệt. Càng đi tới trong sự hiểu biết của mình, con người càng bị mất đi cái nhìn tổng thể về thế giới và cả cái nhìn về chính mình, và như vậy bị rơi vào trong cái mà Heidegger, môn đệ của Husserl, gọi một cách thật đẹp và gần như thần diệu là “sự quên mất con người”. Từng được Descartes ngày trước tôn vinh là “người chủ và người sở hữu cả tự nhiên”, con người nay trở thành một vật thể đơn giản đối với các lực lượng (các lực lượng kỹ thuật, chính trị, lịch sử) vượt qua nó, vượt lên trên nó, chiếm lĩnh nó. Ðối với những

lực lượng ấy, cái tồn tại cụ thể của con người, cái “thế giới sự sống” (die Lenbenswelt) chẳng có giá trị gì sất mà cũng chẳng có lợi ích gì ráo: nó đã bị che khuất, bị quên lãng từ trước rồi” [27]. Ông cũng bày tỏ niềm hoang mang khi phải sống trong một thời đại mà mọi thứ dường như nghiêng ngả vì không thể tìm được chỗ đứng của mình, kéo theo đó là con người cũng không thể tìm thấy một vị trí thích hợp cho đức tin: “Nhưng nếu tương lai chẳng có giá trị gì đối với tôi, vậy thì tôi gắn bó với ai: với Thượng đế? với tổ quốc? với nhân dân? với cá nhân?” [27]. Murakami có lẽ cũng thấm nhuần điều này. Vì thế, ông chọn thái độ mỉa mai – một khía cạnh tiêu biểu của tự sự hậu hiện đại để bày tỏ quan niệm của mình về các vấn đề xã hội, bản thể con người… Vấn đề không mới nhưng ông đã chọn được cách thể hiện rất hiệu quả. Tràn ngập các yếu tố của văn hóa đại chúng phương Tây, hình ảnh con người thời kỳ hậu kỹ nghệ cô đơn và khủng hoảng bản thể sâu sắc trước núi vật chất mà mình tạo ra càng hiện lên rõ rệt. Đây cũng là mặt tương phản của văn hóa Nhật Bản hiện đại. Họ có thể rất sùng tín vào các thế lực siêu nhiên (Kami – những vị thần) nhưng đồng thời cũng hoài nghi tất cả. Bản tính thâm trầm và cuộc sống áp lực khiến nỗi cô độc và sự mai một niềm tin ngày càng được đẩy lên đến cực điểm. Nó gợi cho chúng ta nhớ đến cảm thức Aware trong văn hóa Nhật Bản truyền thống. Aware là niềm bi cảm, xao xuyến trước mọi vẻ đẹp não lòng của sự vật. Nó chịu ảnh hưởng tư tưởng “vô thường” của Phật giáo. Nó như một âm vang vọng lại khi những gì đã qua, sắp qua sẽ tác động vào thế giới hiện hữu bằng một âm thanh nào đó. Nhưng nó không nghiêng về cái bi lụy, ngông cuồng của lãng mạn hay bi tráng, ngây ngất của bi kịch mà aware là một bi cảm thâm trầm, sự vật nào cũng vậy có lúc rực rỡ, cũng có lúc tàn phai. Chúng ta có thể cảm nhận được cái phù du, bấp bênh, trôi nổi của dòng đời khi đọc bài thơ Haiku nổi tiếng của thi sĩ Issa:

“Kêu chi nhạn ơi Đi đâu cũng thế Cõi phù thế thôi”

Nhưng ngày nay, đặc tính Aware đã được phát triển theo hướng khác. Không đơn thuần chỉ là niềm thương cảm trước sự luân chuyển không ngừng của vũ trụ, thời thế. Aware trong văn hóa hiện đại Nhật Bản là sự trống vắng của tâm hồn, sự u uẩn trong nhận thức và sự bất định trong niềm tin. Nó dẫn đến ước vọng được nhìn nhận, đánh giá lại hiện thực cũng như đặt cách nhìn khác lên những “đại tự sự” mà bấy lâu người ta vẫn tin tưởng.

Sự mỉa mai mà Haruki Murakami sử dụng trong Kafka bên bờ biển chính là một phương diện của giải huyền thoại. Huyền thoại từ lâu đã trở thành một thủ pháp để nhà văn khai thác hiện thực. “Dân gian sáng tạo huyền thoại ban sơ. Nhà văn sáng tạo huyền thoại thời hiện đại” (Ngô Trà My) [32]. Những huyền thoại mà Murakami sáng tạo ra có thể coi là huyền thoại của thời hậu hiện đại và chúng mang những màu sắc khác biệt. Nếu huyền thoại của Franz Kafka đầy mơ hồ thì huyền thoại của Murakami lại mang đậm màu sắc hôm nay. Chính ông đã từng thú nhận rằng khi bắt tay vào viết văn, ông đã không còn tin vào bất cứ thứ gì nữa. Ông sáng tạo văn chương để nói không với sự huyền bí. Đặc sắc của Murakami là ở chỗ: ông tạo ra những huyền thoại là để giải huyền thoại. Theo Dương Ngọc Dũng, giải huyền thoại là “một kỹ thuật, một phương pháp tạo ra sự thức tỉnh về mặt xã hội và chính trị. Đó là một thủ pháp vệ sinh tinh thần để tẩy rửa sự nhám nhúa bẩn thỉu của các huyền thoại chính trị, văn hóa xã hội” [21]. Hiểu theo nghĩa đó, Murakami đã giải huyền thoại về các thế lực siêu nhiên (trời), về những quan niệm mặc nhiên của con người (các thành ngữ, tục ngữ), thậm chí về các thương hiệu (KFC, Johnnie Walker). Giải huyền thoại chính là phương tiện để Murakami giải các “đại tự sự”, giải niềm tin, giải hiện thực. Nó cũng thấp thoáng tiếng cười của ông. Không châm biếm sâu cay, không minh triết cũng không hằn học, nó đơn giản chỉ là cười mà thôi. Chúng ta có thể thấy ông còn sử dụng kỹ thuật này trong nhiều truyện ngắn như: Các con của Thượng Đế đều nhảy múa, Bóng ma ở Lexington, Con quỷ hút máu trên xe taxi… Thông qua thủ pháp giải huyền thoại, ông bày tỏ sự đổ vỡ niềm tin, sự khủng hoảng bản thể con người đồng thời cũng tạo nên một cách viết “rất Murakami”.

Đưa tới một cái nhìn mới mẻ, độc đáo hơn đối với các vấn đề tưởng như đã trở thành quy ước, Haruki Murakami đã thật sự gây bất ngờ cho người đọc. Nhà văn đã phóng chiếu con mắt hậu hiện đại lên sự vật, tìm ra ý nghĩa mới lạ. Ông tìm cách nhìn nhận lại chân lý, xem xét lại các giá trị đã tồn tại như một mặc định từ lâu. Đáng chú ý ở chỗ, đây không phải là cái nhìn châm biếm, cũng không phải là sự lật đổ, Murakami chỉ quan sát thế giới bằng con mắt “lưỡng lự”, tìm trong đó những khả năng mới, những chiều kích mới. Cái “lưỡng lự” của Murakami cũng là sự “lưỡng lự” của nhiều nhà văn hậu hiện đại khác, nhất là khi sự “bất tín nhận thức” có xu hướng ngày càng gia tăng. Nó gần gũi với sự “giải thiêng” trong văn học. Điều đó không chỉ mở ra thêm một cách tư duy, thậm chí đi ngược lại truyền thống, mà còn đòi hỏi một cách đọc khác từ độc giả. Đồng thời nó cũng thể hiện được cảm quan hậu hiện đại trong cách nhìn nhận vấn đề. Nỗi cô đơn, vấn đề ẩn thể, sự mất mát niềm tin… không còn được biểu hiện bằng cách biện pháp quen thuộc nữa mà đã được soi chiếu dưới góc độ khác, tiêu biểu nhất là sự mỉa mai và giải huyền thoại. Cùng với không gian xã hội đang dần vỡ vụn, sự bất tín nhận thức càng sâu sắc hơn và người ta đòi hỏi một chỗ đứng khác cho bản thể. Không cầu kỳ, sang trọng, cũng không thần bí như những trang văn của Kawabata, Haruki Murakami đã thật sự tìm được lối đi riêng để khẳng định nhận thức và quan điểm của mình.

CHƯƠNG III: KAFKA BÊN BỜ BIỂN – HẬU HIỆN ĐẠI TRONG NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN

Một phần của tài liệu (Trang 57 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)