Kafka bên bờ biển – “một ám ảnh siêu hình dai dẳng”

Một phần của tài liệu (Trang 29 - 33)

5. Cấu trúc của đề tài

1.4.2 Kafka bên bờ biển – “một ám ảnh siêu hình dai dẳng”

Kafka bên bờ biển ra đời vào năm 2002 sau hàng loạt các tác phẩm thành công khác như: Cuộc săn cừu hoang, Xứ sở kỳ diệu vô tình và nơi tận cùng thế giới, Rừng Na – uy, Biên niên ký chim vặn dây cót hay Người tình Sputnik, tiếp tục vang

danh ở cả châu Á, châu Âu và nước Mỹ. 531 trang tiểu thuyết vẽ ra trước mắt độc giả một thế giới huyền bí với những con người kỳ lạ, khuyết thiếu về tâm hồn.

Tác phẩm được cấu trúc thành hai tuyến nhân vật song song với nhau. Ở tuyến thứ nhất, cũng là những chương lẻ là câu chuyện về Kafka Tamura – thiếu niên 15 tuổi – bỏ nhà ra đi để trốn chạy lời nguyền độc địa của người cha. Kafka sống một mình với cha – nhà điêu khắc lừng danh Koichi Tamura. Mẹ cậu đã bỏ đi, đem theo chị gái khi cậu được 4 tuổi. Ngay từ khi còn bé, cha cậu đã đưa ra lời tiên đoán: “Một ngày kia, mày sẽ giết cha mày, ngủ với mẹ và chị gái mày”. Lời tiên đoán được cha cậu lặp đi lặp lại, như “một cơ chế gá sẵn” bên trong Kafka. Quá kinh hãi và không muốn mình “hỏng không cách chi cứu vãn được”, vào đúng sinh nhật thứ 15 của mình, Kafka quyết định bỏ nhà đi bằng cách đáp một chuyến xe bus xuyên đêm đến Takamatsu của Shikoku để trở thành “trang thiếu niên mười lăm tuổi kiên cường nhất thế giới” [16, tr.8]. Cậu quen Sakura – cô gái 21 tuổi làm nghề uốn tóc – và băn khoăn không hiểu Sakura có phải là chị gái mình không. Một đêm, cậu tỉnh dậy, thấy mình bị ngất trong một bụi rậm với chiếc áo đẫm máu và không nhớ được bất cứ điều gì đã xảy ra. Hoảng sợ, cậu tìm nơi ẩn trú, cuối cùng đến sống trong một thư viện nhỏ. Cậu được tiếp xúc với Oshima – nhân viên thư viện – vốn là một người giới tính không rõ ràng, bị bệnh máu không đông nhưng rất thực tế, sâu sắc, am tường nhiều lĩnh vực. Cậu cũng gặp Miss Saeki – phụ trách thư viện – 52 tuổi, quyến rũ, sang trọng và bí ẩn. Kafka lại quay cuồng trong câu hỏi, liệu Miss Saeki có phải là mẹ mình không. Cậu được biết hôm cậu tỉnh dậy với chiếc áo đẫm máu cũng chính là hôm cha cậu bị giết. Cậu đã ngủ với Miss Saeki ở thư viện và ngủ với Sakura trong mơ. Kafka hoang mang cực độ. Liệu có phải lời nguyền đã ứng nghiệm?

Cùng chạy song hành với câu chuyện của Kafka là hành trình của Nakata – ông già thiểu năng trí tuệ. Sau một vụ bất tỉnh tập thể kỳ lạ hồi tiểu học, Nakata mất khả năng đọc và viết, trở thành một người “không thông minh sáng láng gì”, sống bằng trợ cấp, đi lại bằng thẻ xe bus miễn phí dành cho người khuyết tật. Nhưng bù lại, ông có khả năng nói chuyện với mèo (trên thực tế, Nakata kiếm sống bằng nghề

tìm mèo lạc) và làm các thứ từ trên trời rơi xuống. Trong một lần đi tìm con mèo mai rùa một tuổi Goma, Nakata đụng phải Johnnie Walker – kẻ tiêu diệt mèo. Để cứu Goma và Mimi, Nakata buộc phải giết Johnnie rồi bỏ đi thật xa sau khi đã làm nên một trận mưa cá, mưa đỉa. Ông quá giang nhiều người và cuối cùng được tay lái xe tải tốt bụng Hoshino đưa đến Shikoku. Hành trình của Nakata giống hệt Kafka, cùng đến Takamatsu và thư viện nhỏ ấy. Cuối cùng, con đường hai người đi cũng giao nhau “trên cả bình diện thực tại và siêu hình”. Thật bất ngờ khi một người như Nakata lại là người nắm giữ chìa khóa hóa giải toàn bộ câu chuyện, đưa các nhân vật về đúng vị trí của mình.

Khi nói về Kafka bên bờ biển, nhiều người cho rằng đó là sự nối tiếp của Murakami ở Biên niên ký chim vặn dây cót. Cũng cùng cách viết mơ hồ, khó lý giải như nhiều tác phẩm của ông, đặc biệt là ở Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển tràn ngập những chi tiết kỳ lạ, những hình ảnh siêu thực, ẩn dụ, tượng trưng: trận hôn mê tập thể, mưa cá, mưa đỉa, khu rừng “bên rìa thế giới”, cô gái điếm trích dẫn Hegel, Bergson, những người lính thoát khỏi cuộc chiến tranh… khiến người đọc như lạc vào một mê cung chữ nghĩa phức tạp, khó hiểu. Có thể nói, tiểu thuyết này được cấu trúc bởi tầng tầng lớp lớp hình ảnh, rất khó nắm bắt. Tất cả đan cài, hòa quyện vào nhau, cùng quy tụ ở một nơi để làm nổi bật ý nghĩa của tác phẩm.

Cũng tiếp nối mạch thành công của các tác phẩm trước, Kafka bên bờ biển

nhận được sự chào đón nồng nhiệt của bạn đọc xa gần. Rất nhiều nhà văn, nhà phê bình không hề tiết kiệm lời khen hay giấu diếm sự thán phục với Murakami và cuốn tiểu thuyết này của ông. “Văn Murakami chẳng mấy khi ở dưới mức mê đắm cả, và tôi đã ngấu nghiến Kafka bên bờ biển một lèo không nghỉ… Với những ai yêu một tự sự lớn, cuốn tiểu thuyết này thực sự huy hoàng” (David Mitchell), “Kafka bên bờ biển có thừa huyền bí để làm những người hâm mộ sung sướng, và sẽ chiêu mộ thêm cả những người mới (Matt Thorne), “Chưa bao giờ tôi gặp một cuốn sách thuyết phục được mình đến thế bởi sự sáng tạo trong trần thuật và sự yêu thích kể chuyện… hấp dẫn vô cùng” (Stuart Jeffries)… Giải mã sự thành công của

Murakami, ta có thể thấy một trong nhưng nguyên nhân tạo nên sức hút của Kafka bên bờ biển chính là biệt tài trộn lẫn các yếu tố của tác giả, mà như Dương Tường gọi là “lẩu thập cẩm và Scheherazade”: “Kafka bên bờ biển có đủ thứ - siêu thực, hiện thực kỳ ảo, bi kịch Hy Lạp, uy – mua, suspense, ảo giác, chiêm bao, những leitmotiv về định mệnh, bóng ma của Thế chiến II… Những triết luận về văn học, phân tâm học, âm nhạc học. Mưa cá. Mưa đỉa. Cả một cô gái điếm trích dẫn Bergson. Nói bằng thuật ngữ “chưởng” thì Murakami tung ra hơi nhiều chiêu thức… Với cái tài kể chuyện của một nàng Scheherazade, Murakami đã tạo nên một page turner theo đúng nghĩa một cuốn sách hấp dẫn đến độ đã cầm lên là phải đọc gấp đến trang cuối không rời tay”. Như vậy, những kiến thức thu nhặt từ nhiều lĩnh vực được lồng ghép với nhau trong một cấu trúc truyện chặt chẽ, được kể bằng một giọng văn mới mẻ, trung lập chính là một trong những yếu tố tạo nên sức hút cho tiểu thuyết này. Đồng thời, khả năng làm việc tập trung và nghiêm túc (ông viết

Kafka bên bờ biển trong vòng 6 tháng và sửa bản thảo trong 1 năm) đã giúp Murakami tạo nên một tác phẩm “huy hoàng”.

Tuy nhiên, phải nói thêm rằng, Kafka bên bờ biển cũng nhận được không ít những phản hồi tiêu cực (giống như Murakami cũng bị không – đón – nhận). Một số ý kiến cho rằng Kafka bên bờ biển thể hiện sự “bần cùng hóa nền văn học Nhật Bản”, nhất là ở phương diện ngôn ngữ cũng như Murakami đã đưa vào đó nhiều yếu tố “Tây học”. Nhưng bất kỳ ai khi đọc Kafka bên bờ biển cũng cảm nhận được không khí mờ ảo, hư vô, như thực như mơ của nó. Người đọc như bị cuốn vào cuộc hành trình bí ẩn của Nakata, cuộc đấu tranh vật lộn với định mệnh của Kafka, bản nhạc nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng trừu tượng, siêu thực của Miss Saeki,…Người đọc cũng không khỏi day dứt về bản ngã, về cuộc sống, về con người, về hiện tại, quá khứ, tương lai, về nỗi cô đơn đến bất lực, sự tuyệt vọng đến hoang mang hay định mệnh đến nghiệt ngã… Tất cả những điều đó chờ đợi bạn đọc đến để khám phá, để cảm nhận vẻ đẹp của “cuốn tiểu thuyết khác thường và mê hoặc nhất cho tới nay của thần tượng văn chương Nhật Haruki Murakami” (Vintage) và để nó trở thành “ám ảnh siêu hình dai dẳng” (John Updike) trong trái tim mỗi người.

CHƯƠNG II: KAFKA BÊN BỜ BIỂN - HẬU HIỆN ĐẠI TRONG CÁCH NHÌN CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI

Một phần của tài liệu (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)